Không còn triệu phú USD ở showbiz Trung Quốc sau vụ Phạm Băng Băng?

14/08/2018 10:52:00

Nhiều năm qua, các ngôi sao ở Trung Quốc dễ dàng hưởng mức thù lao hàng triệu USD cho vài ngày hay một tháng làm việc. Nhưng đây có thể sẽ chỉ còn là câu chuyện thuộc về quá khứ.

Năm 2017, truyền thông Trung Quốc công bố danh sách thù lao ngất ngưởng của các ngôi sao hạng A, cùng với đó là quan ngại về chất lượng làm phim.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam, giới chức Trung Quốc đang có cuộc đàn áp tổng lực với ngành kinh doanh giải trí. Do lo ngại các động thái mạnh tay từ chính quyền, các đơn vị sản xuất vội vàng đưa ra các thông điệp cam kết mạnh mẽ.

Không còn triệu phú USD ở showbiz Trung Quốc sau vụ Phạm Băng Băng?
Phạm Băng Băng được cho là có thể kiếm vài triệu USD trong 3 ngày. Các công ty của cô lại thường đóng thuế 0 đồng.

Giới chuyên môn tin rằng thời của những ngôi sao triệu USD đang dần kết thúc ở Trung Quốc.

Trở thành triệu phú USD dễ như ở showbiz Hoa ngữ

Đài CCTV của Trung Quốc nhận định khó nơi đâu trên thế giới, nghệ sĩ kiếm tiền dễ như ở đất nước tỷ dân. Mặc dù, những năm qua hiệu ứng của các bộ phim do nước này sản xuất bị Hàn Quốc vượt qua.

“Tại Trung Quốc, để mời được diễn viên có chút tiếng tăm đóng phim truyền hình, thù lao thấp nhất là 4 triệu USD, sao hạng A phải hơn 10 triệu USD, như trường hợp hai diễn viên nổi tiếng Hoắc Kiến Hoa và Châu Tấn. Họ được mời tham gia Hậu cung Như Ý truyện, nhận được khoảng 24 triệu USD sau khi phim đóng máy”, CCTV cho biết.

Không còn triệu phú USD ở showbiz Trung Quốc sau vụ Phạm Băng Băng? - 1
Nhiều nghệ sĩ Đài Loan, Hong Kong đổ xô đến Đại lục vì thù lao cao.

Trước đó, Châu Tấn cũng được trả khoảng 14,4 triệu USD khi đóng Cao lương đỏ. Không kém cạnh cô, Triệu Vy cũng thu về 6 triệu USD khi đóng phim truyền hình Mẹ hổ, bố mèo vào năm 2015.

Về phía nghệ sĩ nam, Chung Hán Lương, Chân Tử Đan, Thành Long đều có mức thù lao không dưới 12 triệu USD.

Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Thành Long, Triệu Vy, Chân Tử Đan, hàng loạt nghệ sĩ trẻ đang lên được các nhà sản xuất cực kỳ ưu ái.

Tờ Sohu ví dụ cụ thể trường hợp Angelababy. Bà xã Huỳnh Hiểu Minh dù bị chê diễn xuất thậm tệ, thường dùng đóng thế nhưng vẫn dễ dàng bỏ túi 33 triệu USD khi tham gia phim Lập nghiệp thời đại với Hoàng Hiên.

Gần đây nhất là vụ ồn ào Phạm Băng Băng tham gia phim Điện thoại 2 với cát-xê 3 triệu USD trong ba ngày làm việc.

Nhiều nghệ sĩ Đài Loan hay Hong Kong cũng đổ dạt sang Đại lục vì cơ hội kiếm tiền dễ dàng.

Các nhà làm phim lao đầu vào việc mời các nghệ sĩ có tiếng đóng chính với mục đích bảo đảm thành công của phim. 50% đến 70% chi phí sản xuất phim ở Trung Quốc hiện được sử dụng để trả thù lao nghệ sĩ.

Không còn triệu phú USD ở showbiz Trung Quốc sau vụ Phạm Băng Băng? - 2
Dàn hoa đán, tiểu hoa đán hay nam thần tượng ở Trung Quốc thường giấu thù lao.

Một cây viết tờ Sina cho rằng rất khó để đếm ở Trung Quốc có bao nhiêu ngôi sao thù lao triệu USD.

Giới nghệ sĩ lách luật như thế nào?

Báo Bưu điện Hoa Nam nhấn mạnh ngành giải trí có bước nhảy vọt về doanh thu trong những năm qua. Riêng năm 2017, doanh thu từ phim ảnh đã tăng 13%, cán mốc 448 tỷ USD so với cùng kỳ trước đó. Thế nhưng, nguồn thu thuế từ ngành này lại không đáng kể.

Giới chức Trung Quốc tin rằng trốn thuế tại giới giải trí là vấn đề nghiêm trọng. Nói cách khác, các nghệ sĩ, công ty sản xuất phim ảnh hay hãng phim đã có cách “né thuế hợp pháp”.

Hồi tháng 6, MC Thôi Vĩnh Nguyên đã nói về sự tồn tại các hợp đồng âm dương ở giới giải trí như cách nghệ sĩ lách luật nộp thuế thu nhập.

Các nghệ sĩ có thể sử dụng hợp đồng với giá trị thấp hơn để né thuế. Trong trường hợp còn lại, phần lớn ngôi sao bỏ vốn thành lập công ty riêng ở quy mô vừa và nhỏ.

Không còn triệu phú USD ở showbiz Trung Quốc sau vụ Phạm Băng Băng? - 3
Nhiều nghệ sĩ mở công ty tại các địa phương vùng sâu như Vô Tích để né thuế.

“Ở Trung Quốc, mức thuế cao nhất áp dụng lên đến 45%, thấp là 6%. Để tránh mức thuế này, người có thu nhập cao sẽ chuyển thù lao sang các công ty pháp nhân, đủ điều kiện vừa và nhỏ để hưởng mức thuế 6%”, tờ Bưu Điện Hoa Nam cho hay.

Đó là lý do nhiều ngôi sao hay nhà sản xuất lớn sẵn sàng di dời công ty về những địa phương kém phát triển như Vô Tích, Tân Cương, hay khu vực biên giới Trung Quốc. Theo Sina, Phạm Băng Băng sở hữu nhiều công ty riêng có trụ sở tại Vô Tích, Sơn Đông với mức nộp thuế hàng năm là 0 đồng. Hàng loạt nghệ sĩ như Dương Mịch, Trần Kiều Ân, Hoắc Kiến Hoa, Triệu Vy… cũng có công ty quản lý mang tên mình.

Chiến dịch càn quét mạnh tay, cửa khó cho các sao

Thống kê từ tạp chí Tài chính Kinh tế cho hay năm 2017, Trung Quốc chứng kiến mức tăng  thu ngân sách thấp nhất trong 30 năm qua. Thời gian qua, căng thẳng leo thang trong quan hệ thương mại với Mỹ càng khiến chính phủ Tập Cận Bình siết chặt quản lý hàng rào thuế quan và trốn thuế.

Nguồn tin riêng từ SCMP cho biết một lực lượng đặc nhiệm được thành lập riêng cho chiến dịch này. Đứng đầu là một quan chức cao cấp trong ngành công an. Người thứ hai là chuyên gia điều tra tội phạm thương mại và rửa tiền.

Không còn triệu phú USD ở showbiz Trung Quốc sau vụ Phạm Băng Băng? - 4
Địch Lệ Nhiệt Ba dù mới nổi tiếng nhưng nhiều lần vướng nghi vấn sắp mở công ty quản lý mang tên mình.

Ông Sun Xin, giảng viên trường King’s College ở London (Anh) tin rằng đây là động thái phù hợp với các chính sách trước đó của Tạp Cận Bình. “Trung Quốc sẽ siết chặt về thuế, ngăn chặn đến cùng nguy cơ trốn thuế ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Sun Xin nói.

Tờ The Economic Observer tiết lộ vào tháng 6, cục thuế Giang Tô đã kiểm tra các công ty do Phạm Băng Băng quản lý. Tuy nhiên, họ rơi vào thế khó khi không thể tìm ra sai phạm từ các chứng từ có sẵn. Ngay sau đó, vai trò của cục thuế đã bị gạch bỏ. Lực lượng đặc biệt với sự có mặt của cơ quan điều tra đã phải can thiệp điều tra. Bản thân Phạm Băng Băng cũng bị giam lỏng ở Bắc Kinh.

Dù chưa có kết luận từ cơ quan điều tra nhưng giới làm phim Trung Quốc đã phải lặng lẽ “cấm vận” hình ảnh ngôi sao họ Phạm vì e dè chính quyền.

“Giới nghệ sĩ Trung Quốc đang hồi hộp trước mọi động thái của các nhà chức trách”, tờ On nhận định.

Apple Daily cho hay do lo ngại vào tầm ngắm nên nhiều nghệ sĩ đã tự nguyện hạ cát-xê. Dương Mịch sẵn sàng báo giá giảm 73% so với trước để nhận vai trong phim Cự tượng.

Hôm 12/8, hơn 400 công ty điện ảnh tại Trung Quốc đồng loạt ra thông cáo chung chấm dứt tình trạng trả thù lao cao cho nghệ sĩ.

Cụ thể, thù lao của diễn viên chính không được vượt 70% cát-xê toàn ê-kíp diễn viên. Tổng thù lao cho dàn diễn viên tối đa là 40% kinh phí sản xuất phim. Thù lao trả cho một nghệ sĩ không vượt qua 8 triệu USD/phim truyền hình.

Theo Hiểu Nguyệt (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật