Anh Khoa: 'Ở showbiz, vỗ mông nhau cũng là cách chào hỏi'
Thú thật rằng tôi đã từng tin Phạm Anh Khoa chỉ là bỗ bã miệng với các cô gái tố anh - một hành vi ăn nói bỗ bã, cợt nhả nhưng không thành hành động.
Mặc dù điều đó cũng là không được phép, không đúng nhưng nó vẫn được chấp nhận và tồn tại trong nhiều công sở.
Người ta thích nói đùa với nhau về giới tính, cười rinh rích với những câu nói mang tính ám chỉ kiểu "lên không xuống - vào không ra" hay "một người khoẻ - hai người vui".
Nhưng rồi câu ví von "vỗ mông chỉ giống như chào hỏi" thì quả là, Phạm Anh Khoa sai rồi! Nó không còn là chuyện "cửa miệng" mà đã thành hành động đáng lên án!
Và thật đáng giận khi nó xảy ra trong lúc cả mạng xã hội đang điên tiết, bất bình, phẫn nộ với gã dâm ô trẻ em Nguyễn Khắc Thuỷ chỉ bị tù treo 18 tháng, khi chính gã cũng nói: Chỉ là xoa đầu lũ trẻ gái vì tôi yêu trẻ con.
Tôi nói điều này có thể khiến nhiều người không thích và phản đối tôi, rằng Phạm Anh Khoa không nên là người bị ném đá trong câu chuyện kia.
Bởi nghe hết câu trả lời của Phạm Anh Khoa ta sẽ thấy, cậu ấy chỉ nói: đó là một ví dụ theo cách hiểu của cậu ta chứ không phải hành động.
Thế nên nếu phải ném đá, lên án và cần lên tiếng thì ấy chính là lối suy nghĩ của Phạm Anh Khoa và những người như cậu ta - vốn rất nhiều trong không chỉ các công sở, các ngành nghề không riêng gì showbiz và ở nhiều đối tượng khác nhau.
Phạm Anh Khoa chỉ là một "đồng phạm" trong lối suy nghĩ sai lệch ấy. Rằng khi đã thân quen thì có thể suồng sã, cợt nhả. Kiểu như trong bối cảnh một chương trình, các cô người mẫu vẫn thản nhiên thay đồ trước mặt các nam đồng nghiệp vì lúc đó quá vội cho kịp giờ diễn.
Thân thể có thể phô bày không ngượng nghịu thì có gì để cần phải đo đếm từng câu đùa tếu? Việc người ta có thể đùa nhau vài câu ám chỉ chuyện giường chiếu khiến đối phương cười rinh rích, ahihi thì được coi là sự đồng thuận và cho quyền người kia tiến thêm bước nữa.
Những cái quàng vai, bá cổ, đụng chạm nhau nếu không bị phản đối thì cũng được coi là việc bật đèn xanh cho những hành động cao hơn, mạnh dạn hơn sau đó.
Đàn ông tham lam vốn không biết điểm dừng trong khi nhiều người phụ nữ thì vô tư quên mất những ranh giới hoặc hiểu sai về ranh giới, cho rằng "đàn ông ai mà chả thế" rồi chép miệng cho qua.
Hay sự nhầm lẫn về tính chất nghề nghiệp mà nhiều người cho rằng trong giới showbiz chuyện kiểu này là bình thường.
Hay đám đàn ông hay kháo nhau về các PG xinh đẹp giới thiệu thuốc lá ở các quán bia, quán cà phê là đối tượng có thể rủ đi chơi, đi ngủ.
Hoặc đám nhân viên kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng vẫn hay bị coi là dễ dãi với khách hàng, sẵn sàng đi tiếp rượu khách hàng để câu chữ ký của khách hàng cho những hợp đồng mua bảo hiểm hay hợp đồng vay- gửi tài chính.
Rồi những nữ sinh viên thực tập mong một suất vào công ty, trường học, hay cơ quan nhà nước, thậm chí trong một số cơ quan báo chí mà mạng xã hội đã từng rần rần chia sẻ. Quả thực, đã rất nhiều người cho là bình thường thật.
Việc trao đổi tình dục hay chỉ "nhẹ nhàng" hơn là chiều lòng cấp trên, chiều chuộng khách hàng, ôm một cái, vỗ mông một cái… có mất mát gì đâu vậy. Quả thực rằng có một thực tế đang diễn ra là như vậy mà nhiều người chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên.
Chuyện chỉ ầm ĩ nếu như một bên tố cáo và bên kia là người có vai vế, địa vị hoặc danh tiếng nhất định. Bằng không, mọi thứ sẽ chìm đi vì… ở đâu chả có chuyện như vậy.
Người ta bình thường hoá tất thảy những điều bất thường bởi họ đã chứng kiến quá nhiều việc bất thường đó, nhiều đến mức nó đã trở thành nghiễm nhiên.
Nên khi Phạm Lịch tố Phạm Anh Khoa, mọi người sẽ nghĩ đó là vì Phạm Lịch muốn nổi tiếng. Ở đâu chả có chuyện như vậy nên kẻ dâm ô trẻ em Nguyễn Khắc Thuỷ chỉ bị phán quyết 18 tháng tù treo và 36 tháng thử thách.
Bởi gã nói rằng gã yêu trẻ con, hay xoa đầu trẻ con dưới sảnh chung cư. Kể cả khi có chứng cứ đầy đủ với bé D thì đó cũng chỉ là phút bốc đồng thiếu kiểm soát của gã và gã xứng đáng với 18 tháng tù treo và 36 tháng thử thách mà thôi.
Khi người ta cho rằng việc dâm ô với đứa trẻ con là bình thường thì chuyện vỗ mông như một cách chào hỏi cũng sẽ là đương nhiên vậy.
Hay nói một cách khác, chuyện đụng chạm thân thể chẳng gây ra hậu quả gì nghiêm trọng cả. Tựa như phải hiếp dâm, giết người mới là nghiêm trọng.
Tôi không có ý định xô tiếp Phạm Anh Khoa xuống vực khi mà cậu đang chấp chới thế này bởi tôi tin một người đàn ông phạm sai lầm mà vợ anh ta vẫn vòng tay ôm chặt lấy chồng như thế thì đó vẫn cứ là một người đàn ông đáng tin.
Thứ mà tôi muốn xô xuống vực ấy chính là suy nghĩ "ở đâu chả có chuyện như vậy". Để nếu có thêm những Phạm Lịch nữa thì đừng ai nói cô ấy muốn nổi tiếng nên làm vậy.
Để không chỉ Phạm Anh Khoa, tất thảy những ai đã và đang có những hành vi, hành động không đúng mực sẽ phải giật mình mà ngưng ngay lại.
Để chúng ta phải xây dựng lại những giới hạn về hành vi, lời nói, hành động. Để đừng còn có những cái "xoa đầu bé vì yêu mến", "ông sờ chim một cái xem nào"… Đã đến lúc chúng ta cần mạnh mẽ lên án những thứ "ở đâu chả có chuyện như vậy".
Theo Hoàng Anh Tú (Soha/Trí Thức Trẻ)