Bước sang tuổi 45, Johnny Trí Nguyễn không còn vẻ ngoài điển trai, lãng tử hút hồn các fan nữ như cách đây 10 năm. Tuy nhiên, khi trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện với nam diễn viên Dòng máu anh hùng, vẻ thâm trầm, tính triết học trong những nhận xét về cuộc sống và điện ảnh vẫn khiến người nghe bị lôi cuốn, thu hút.
Tôi không cần thiết phải chăm chút diện mạo
- Sau thời gian im ắng, có thông tin Johnny Trí Nguyễn bất ngờ quay trở lại điện ảnh với bộ phim của đạo diễn Spike Lee?
- Đúng vậy, dạo này, tôi đang tham gia Da 5 Bloods của đạo diễn Spike Lee- người tạo nên bộ phim BlacKkKlansman. Bộ phim vừa đoạt giải Kịch bản chuyển thể hay nhất tại lễ trao giải Oscar 2019 ngày 24/2. Từ nhỏ, tôi đã thích Spike Lee và coi nhiều bộ phim của đạo diễn này. Khi biết ông làm phim về đề tài Việt Nam thì tôi tham gia cho vui.
Da 5 Bloods nói về 4 anh chàng người da đen là những người lính trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam trước năm 1975. Họ trở lại Việt Nam để tìm thi hài của những người đồng đội đã mất. Trong phim, tôi đóng vai tour guide, dẫn dắt, giới thiệu khi 4 người tới Việt Nam. Đây là bộ phim có nhiều tình tiết xúc động. Phần lớn bộ phim được quay ở Thái Lan vì có nhiều cảnh đồng ruộng, rừng núi giống Việt Nam. Đoàn làm phim chỉ tới Việt Nam quay khoảng một tuần.
- Anh được mời đóng phim “Da 5 Bloods” hay phải tham gia casting?
- Đoàn làm phim đã tới Việt Nam casting vì có khoảng 5-6 vai diễn viên Việt Nam trong phim. Tuy nhiên, không casting đại trà, qua nhiều vòng mà họ nhắm trước một số diễn viên ưng ý xong sau đó gặp đạo diễn trực tiếp.
Tôi yêu thích những bộ phim của Spike Lee. Nhất là bộ phim BlacKkKlansman vừa rồi. Có những đạo diễn mà nghe thấy tên thôi là bạn yên tâm và tin tưởng họ sẽ không làm phim dở. Spike Lee là người như thế.
Đối với tôi, một vai nhỏ trong phim đình đám vẫn hơn một vai lớn trong phim mà ít người biết. Cái quan trọng khi tôi quyết định tham gia một bộ phim trước tiên là không khí làm việc vui, hấp dẫn không? Ê-kíp có chuyên nghiệp không? Nếu đóng một bộ phim mà đạo diễn không đủ kinh nghiệm, diễn viên không chú tâm, kịch bản không hay, không chặt chẽ thì thà ở không còn hơn.
Với bộ phim Da 5 Bloods, trước tiên cho mình cảm giác sướng. Dù không phải là phim lớn nếu xét trên phương diện kinh phí nhưng thu hút nhiều diễn viên nổi tiếng, đình đám của Hollywood như Chadwick Boseman, Delroy Lindo hay Jean Reno...
- Thời gian qua anh gây sốc với hình ảnh hốc hác, râu rậm trông rất già. Người ra đã bàn tán rất nhiều tới ngoại hình của anh. Hình ảnh này "thuận tự nhiên" hay là tạo hình trong phim?
Không, thực ra vai diễn này không liên quan đến việc gầy hay mập. Tôi thấy nhiều người quá quan trọng chuyện mập, gầy. Nếu muốn mập thì tôi chỉ cần ăn nhiều trong mấy ngày là sẽ mập lên thôi, có gì khó đâu. Bề ngoài thôi mà.
Tôi thấy mình đang mập mà. Vì mọi người nhìn khuôn mặt bị râu ria che hết nên nghĩ tôi gầy thôi.
- Nhưng khán giả đã quen với hình ảnh Johnny Trí Nguyễn điển trai, hào hoa, nam tính nên khi nhìn thấy anh gầy gò, già nua ở hiện tại, họ cảm thấy sốc?
Trước đây, khi đóng các vai người hùng trong phim thì ngoại hình mình cần phải bự, phải hoành tráng hơn. Bây giờ, tôi cảm thấy không cần thiết phải chăm chút đến ngoại hình nhiều. Là một con người phải có sự thay đổi chứ. Sự thay đổi là lẽ đương nhiên, không thay đổi mới là đáng sốc.
Cái gì mà tích cực thì sẽ có tiêu cực và ngược lại, tại mình tách bạch hai khái niệm này thôi. Thay đổi là lẽ đương nhiên, làm gì có tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ khi bạn nhìn thấy lá chết của cây, bạn gọi nó là tiêu cực, thấy bông hoa phía trên thì gọi là tích cực. Nhưng cái lá chết đó biến thành thức ăn của vi khuẩn. Đối với vi khuẩn lá chết đó mới là tích cực. Vi khuẩn đó khi thải phân ra thì thành nguồn sống của cây. Vậy đối với cây, lá chết đó là tích cực.
Cái quan trọng là mọi người nhìn nhận không toàn diện, chỉ muốn nhìn theo góc nhìn mà họ muốn.
- Vài năm nay anh đã không còn tung hoành trên phim trường, rút lui khỏi mảng điện ảnh. Anh chọn cách sống điền viên ở võ đường cùng bạn gái Nhung Kate. Vì sao anh thiếu tham vọng như vậy?
- Hồi tôi mới về Việt Nam, rất ít các dự án điện ảnh. Mỗi năm chừng hơn chục phim. Nhưng mấy năm trở lại đây, thị trường điện ảnh Việt Nam rất sôi động, mấy chục bộ phim ra mỗi năm. Nhưng theo tôi, điện ảnh Việt Nam chưa ổn định khi đi từ số ít lên số nhiều. Các dự án điện ảnh chưa đủ thời gian để làm mọi thứ chặt chẽ. Vì đi nhanh quá, chú trọng số lượng mà quên đi chất lượng. Dĩ nhiên trong mấy chục phim đó sẽ có một vài bộ phim hay.
Nhiều năm trong nghề, tôi càng khó tính hơn vì biết cái gì hay dở. Mình nhìn vào kịch bản, biết phim sẽ hay hoặc không hay. Kịch bản nào có thể sửa cho nó hay, kịch bản nào không thể sửa phải vứt bỏ. Hoặc khi nhìn vào nhân sự bộ phim mà cảm thấy không tự tin thì thôi, không tham gia.
Tham gia một bộ phim nghĩa là xác định phải tốn thời gian từ vài tháng đến nửa năm, có những bộ phim vài ba năm, tùy theo vai trò của mình trong phim. Bởi vậy, nếu một bộ phim mà mình nghĩ không đáng để tham gia thì thôi, ở không sướng hơn.
Mấy năm qua cũng nhiều đạo diễn liên hệ mời tôi đóng trong phim của họ nhưng thấy chưa “đã”, chưa “sướng” nên từ chối.
Không phải bộ phim nào của Ngô Thanh Vân cũng hay
- Anh có bao giờ đặt ra mục tiêu trong nghề diễn viên của mình?
- Tôi không còn nhớ ra lần cuối cùng mình đặt mục tiêu là khi nào nữa. Ở một thời điểm nào đó trước đây, tôi thấy một trong những yếu tố làm cho người ta không thể hạnh phúc được là thói quen đặt mục tiêu.
Khi bạn còn ước mơ nghĩa là bạn chưa hài lòng với thực tại. Ngay khi lúc đặt ra mục tiêu nào đó đã vô tình nói cho bạn biết, bạn đang không hài lòng với hiện tại của mình. Bạn phấn đấu trong sự hài lòng mà bản thân không nhận ra. Những mục tiêu nối tiếp nhau trong cuộc đời cho tới lúc bạn chết đi. Vậy ra là bao nhiêu năm bạn sống trên đời trong sự không hài lòng. Có phải mình tự đày khổ mình vô một nơi mà không ai đày không?
- Có phải vì anh sớm thỏa mãn với bản thân nên mới nghĩ thế?
- Có tất cả mọi thứ nghĩa là như thế nào? Nếu tôi giữ thói quen suy nghĩ như thế nghĩa là tôi phải vạch ra năm này làm một bộ phim, năm sau làm hai phim hoặc năm này mở một võ đường, rồi năm tiếp 2 võ đường... cho đến hàng nghìn võ đường không bao giờ ngừng.
Cái gọi là có tất cả là do quan điểm của mỗi người.
Ví dụ đối với một người tàn tật, bị cụt chân, cụt tay khi nhìn bạn sẽ thấy bạn có tất cả. Hoặc những người vô gia cư, không có nhà để ở lại ao ước được như bạn.
- Nhiều người so sánh rằng, sau bộ phim “Dòng máu anh hùng” đến nay, Ngô Thanh Vân đang vươn lên để đạt đến những thành công trong nghề, còn anh có vẻ “chìm xuồng”, anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Cái này cũng do quan điểm về thành công của mọi người là như thế nào. Với nhiều người, thành công đếm bằng con số. Ví dụ công ty có bao nhiêu người, có bao nhiêu đất đai, tài sản.
Nếu đặt những con số đó là A, còn B là mục đích cuối cùng của thành công. Phần lớn mọi người sẽ đi tới A để đạt được đến B. Cũng có những người đi A nhưng không bao giờ đạt được B. Với tôi, đi thẳng tới B luôn mà không bao giờ nghĩ sẽ đi qua A.
Tôi kể bạn nghe câu chuyện dân gian của Việt Nam mình nói về một người giám đốc thành công, người này rất bận. Giám đốc nào cũng bận thôi, như giám đốc Ngô Thanh Vân chẳng hạn.
Một năm ông có vài ngày được nghỉ phép. Giám đốc này đã đi tới một nơi rất xa, không có sóng điện thoại và thỏa thích với thú câu cá. Một hôm, người này gặp một ngư dân đang câu cá. Kỳ lạ là ngư dân này cứ câu lên rồi lại bỏ cả xuống hồ và câu tiếp.
Vị giám đốc mới tò mò hỏi, sao ông không câu rồi bỏ vô thúng ra chợ bán, xong dành dụm tiền, thuê người làm cho ông, mở công ty, kêu gọi đầu tư, phát triển, thành công vượt bậc. Ngư dân bình thản nói: "Để rồi cuối cùng tôi thành công được như anh lại về đây câu cá à?".
Vậy theo bạn, mục đích cuối cùng của thành công là gì? Nếu là hạnh phúc và thỏa mãn bản thân thì tôi đang ở đấy rồi.
- Anh có theo dõi những bộ phim của chị Ngô Thanh Vân hay không? Đánh giá của anh về các tác phẩm này?
- Theo đánh giá chủ quan của tôi, Vân có sự cố gắng, phấn đấu rất rõ. Nỗ lực ấy ai cũng thấy được. Mọi bộ phim của Vân mọi người đều nhận thấy sự hy sinh trong đó. Dù không phải phim nào của cô ấy tôi cũng thấy hay. Gần đây Vân có phim Hai Phượng được đánh giá hay, thành công. Chúc mừng Ngô Thanh Vân.
Tôi biết rằng cô ấy mệt mỏi lắm mới làm được bộ phim như vậy, phải đánh đổi nhiều thứ mới có chút xíu niềm vui trước khi Vân tiếp tục bước vào các mục tiêu khác.
- Nếu Ngô Thanh Vân mời anh đóng phim của cô ấy, liệu anh có tham gia?
- Tôi đánh giá nguyên tắc chuyên nghiệp rất cao khi tham gia một bộ phim. Nếu anh Charlie Nguyễn mời tôi mà tôi thấy không thích thì cũng không làm. Vân cũng vậy thôi. Nếu phim nào thấy hấp dẫn, vui thì mình góp sức cùng mọi người. Còn không vui thì thôi.
Trước giờ vậy, tôi không làm những thứ mình không thích. Còn những thứ thực sự thích thì khỏi ai kêu, khỏi ai bắt, tôi cũng tự động làm.
- Với suy nghĩ "Vui thì làm, không vui thì ở nhà sướng hơn", vậy khi tham gia một bộ phim, anh có quan tâm đến cát-xê?
- Nếu làm những bộ phim mà mình cảm thấy sung sướng thì không nghĩ đến cát-xê nhiều hay ít. Trước đây, có những bộ phim ở Mỹ, Ấn Độ mời tham gia nhưng vì cảm thấy không hứng thú nên tôi từ chối dù cát-xê rất cao.
Nghệ thuật là thứ vô thời gian. Có những tác phẩm nghìn năm vẫn còn được nhắc nhớ. Là nghệ sĩ ai cũng thích làm tác phẩm thật hay, gọi là để đời như cách nói của người Việt Nam.
Không níu kéo con cái lại gần mình
- Anh có thường xuyên liên lạc với vợ cũ và các con không?
- Con gái lớn của tôi năm nay 17 tuổi và có sở thích viết sách, đọc truyện. Nó lấy gene của ba về viết kịch bản. Cách đây mấy hôm, thấy nó email khoe là mới viết xong tiểu thuyết đầu tiên. Tôi mới khen nó: ''Vậy dữ hơn ba rồi''. Ba hơn 20 tuổi mới viết xong kịch bản đầu tiên.
Con thứ hai năm nay 15 tuổi, đam mê diễn xuất. Vừa rồi, con bé thi đậu trường nghệ thuật, ngành diễn xuất dành cho những học sinh trung học có tài năng. Hai đứa vẫn ở Mỹ với mẹ và lâu lắm không về Việt Nam vì bận học.
Lúc các con còn bé, tôi thường liên lạc qua điện thoại để gặp. Lớn lên thì trao đổi qua email. Với hai đứa nhỏ, giai đoạn này đang bước vào tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi trong tâm sinh lý. Đứa nào cũng có cá tính muốn chống đối cha mẹ. Lúc đó, mình không nên cố gắng kéo con lại gần. Động tác kéo con về phía mình sẽ thúc đẩy động tác ngược lại của con là muốn buông ra, rời xa.
Đây là thời điểm các con thay đổi để phát triển. Nếu cha mẹ không tạo điều kiện cho sự thay đổi đó diễn ra là trái với tự nhiên.
- Sau ly hôn, anh và vợ cũ có thường xuyên trao đổi, bàn bạc về cách dạy các con?
- Có những giai đoạn mà các con chỉ muốn nói chuyện với ba mà không muốn tâm sự với mẹ. Ở thời đại này, chỉ đưa ra lời khuyên cho con khi con hỏi. Việc áp đặt con phải làm theo lời ba mẹ càng khiến tụi nhỏ có xu hướng làm ngược lại, chống đối.
Mẹ nó thì luôn có tâm lý muốn níu kéo các con gần lại với mình. Phụ nữ mà, mình hiểu nên không bao giờ ý kiến. Dần dần, họ sẽ điều chỉnh theo bản năng, sự sáng suốt và trái tim của một người mẹ.
- Vậy chi phí học tập của các con tại Mỹ thì sao?
- Tôi vẫn chia sẻ phần chi phí học tập của các con tại Mỹ với vợ cũ. Đó là trách nhiệm của một người chồng, người cha.
Theo Hoàng Yến (Tri Thức Trực Tuyến)