Hiện tại, cậu bé Quang “sọt” trong bộ phim “Đội đặc nhiệm nhà C21” năm nào đã trưởng thành, trở thành một giảng viên và có cuộc sống hôn nhân viên mãn.
Cậu bé Quang sọt được khán giả đặc biệt yêu thích |
Trong đó, Quang sọt, cậu bé loắt choắt, da ngăm đen song rất nhanh trí trong việc tìm manh mối phá án, là nhân vật được khán giả đặc biệt yêu thích. Gần 20 năm sau khi bộ phim ra đời, Quang sọt - Hán Quang Tú đã trở thành một giảng viên đại học, trụ cột của một gia đình đầm ấm.
Nhớ nhất cảnh phải tè ra quần
Gần 20 năm trước, anh gây ấn tượng đặc biệt với khán giả khi thủ vai Quang sọt trong “Đội đặc nhiệm nhà C21”. Vậy, bộ phim có ý nghĩa như thế nào đối với sanh?
- Thật ra sau 20 năm, Quang “sọt” vẫn là vai diễn để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất và cũng là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh của tôi. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù tôi cũng có tham gia một vài bộ phim khác nhưng khán giả vẫn nhớ đến tôi với hình ảnh cậu bé năm xưa. Mỗi khi nhìn lại những thước phim của thời ấu thơ, tôi vẫn cảm thấy thật sự xúc động và trân trọng.
Cho đến thời điểm hiện tại, Quang "sọt" vẫn là vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp điện ảnh của nam diễn viên Hán Quang Tú. |
Kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất trong quá trình làm phim?
- Có nhiều kỷ niệm ấn tượng lắm nhưng đặc biệt nhất là cảnh tôi sợ quá mà tè ra quần. Khi đó, tôi biết mình có thể tự tiểu ra quần được, nhưng chiếc quần đó phải mặc cả ngày, nếu ám mùi thì rất khó chịu, nên tôi đã trao đổi với các chú trong đoàn làm phim để tìm cách khác. Sau đó, mọi người phải đi kiếm một cái ống nhỏ, luồn ra sau lưng tôi, một người chịu trách nhiệm thổi nước để cảnh quay được chân thực nhất có thể.
Hiện tại, anh và các bạn diễn nhí trong “Đội đặc nhiệm nhà C21” có còn giữ liên lạc với nhau?
- Tôi và anh Thịnh, người thủ vai Sơn “sọ” vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, bởi hai anh em vẫn theo đuổi nghệ thuật nên rất hợp tính và thân thiết. Cả nhóm cũng không có nhiều cơ hội gặp gỡ bởi mỗi người đều bận rộn với công việc riêng.
Diễn viên Hán Quang Tú vui vẻ chia sẻ về tình bạn với các bạn diễn nhí trong bộ phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" |
Hiện tại, anh Long đang làm bên ngành công an, anh Sáng “béo” buôn bán tự do, em Hạnh làm ngân hàng, chị Trang có công ty sản xuất riêng, thường hay đi đây đi đó. Chúng tôi cũng mới hẹn nhau đi cà phê, gặp gỡ, trò chuyện rất vui vẻ nhưng cũng khá tiếc vì anh Sáng không đến được, cũng đã lâu hai anh em không liên lạc với nhau.
Tiếc vì không thể theo nghiệp diễn
Anh có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình?
- Hiện tại, tôi đang là Giảng viên khoa Sân khấu tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tôi trực tiếp giảng dạy bộ môn tiếng nói sân khấu cho các bạn sinh viên. Do trường chỉ có mình tôi đảm nhận phần cơ bản của bộ môn này nên trong tuần luôn kín lịch dạy, khá bận rộn.
Diễn viên Quang Tú, người từng thủ vai Quang "sọt" trong bộ phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" hiện đang là Giảng viên tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội |
Mỗi khi đến kỳ thi thì còn căng hơn nữa, cùng các bạn sinh viên dựng tiểu phẩm hoặc làm chương trình tiếng nói từ sáng đến tối muộn vẫn chưa được về nhà, nhưng tôi nghĩ bất cứ ai làm nghề này cũng phải chấp nhận thôi. Tôi sẵn sàng hi sinh thời gian của mình, miễn sao đào tạo được những lứa học sinh tốt nhất.
Khi đã có bệ phóng là bộ phim “Đội đặc nhiệm nhà C21”, lại được đào tạo bài bản về diễn xuất tại trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội. Lý do gì khiến anh quyết định theo đuổi công việc của một giảng viên thay vì trở thành một diễn viên chuyên nghiệp?
- Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi có về thực tập ở Nhà hát kịch Việt Nam một thời gian và may mắn được vai chính trong một vở kịch. Cảm giác được đứng trên sân khấu và làm nghề tuyệt vời vô cùng. Nhưng gia đình lại muốn hướng tôi theo nghiệp giảng dạy. Ban đầu tôi cũng băn khoăn, vì dù đi hay ở thì cũng đều có những ưu, nhược điểm của nó cả.
Quang Tú giảng dạy bộ môn Tiếng nói sân khấu |
Nhưng cả bố và mẹ tôi đều thuyết phục rằng công việc giảng dạy vẫn liên quan đến nghệ thuật, môi trường lại cơ bản hơn. Tôi cũng nhận thấy mình có sự gắn bó với trường sau 4 năm học nên quyết định làm giảng viên. Sau khi về trường, theo các thày giảng dạy, học tập và đứng lớp trực tiếp, tôi khá bận rộn và không có nhiều thời gian để tham gia điện ảnh nhiều nữa.
Anh đã bao giờ thấy tiếc về quyết định này?
- Tiếc chứ! Có những kịch bản rất hay mà không thể thu xếp thời gian nên tôi đành từ chối. Sau đó lại thấy những diễn viên khác đóng vai đó của mình, tiếc vô cùng nhưng không làm gì được. Kể cả khi mình đi xem các bạn đồng khóa diễn trên sân khấu, tôi cũng nhớ nghề và cảm thấy tiếc. Chính vì thế nên thỉnh thoảng, tôi vẫn đi quay các tình huống tiểu phẩm ngắn, vài phút thôi, làm để cho đỡ nhớ nghề là chính chứ không quay phim truyền hình thì vất vả, mất nhiều thời gian quá nên tôi không tham gia được.
Anh Quang Tú cho biết môn tiếng nói sẽ khắc phục những hạn chế về nói ngọng, tiếng địa phương và giúp các bạn sinh viên có thể nói tốt hơn trong mọi trường hợp |
Mãi cho đến năm 2012, tôi mới có cơ hội tham gia bộ phim điện ảnh “Lạc lối” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Rất may là phim quay trong dịp hè nên tôi có thể sắp xếp thời gian được. Đã lâu rồi không tham gia điện ảnh, đọc kịch bản lại thấy rất hay nên tôi thực sự hứng thú.
Các bạn sinh viên rèn luyện giọng nói trong nhiều tư thế khó, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Quang Tú |
Trong thời gian tới, anh có dự định tham gia thêm phim nào không?
- Thật ra tôi chưa có dự định gì, vì trước đó có nhiều phim mời nhưng mình từ chối nên nhiều khi mọi người cũng nghĩ là mình đã bỏ hẳn nghề và không đóng phim nữa. Nói chung nếu nhận được lời mời và thu xếp được thời gian hợp lý thì tôi vẫn sẽ tham gia.
Quang Tú luôn quan tâm, theo sát từng học sinh trong mỗi giờ dạy |
Mong muốn được cùng vợ ra ở riêng
Anh có thể chia sẻ một chút về gia đình nhỏ của mình?
- Tôi đã kết hôn và có một bé gái 19 tháng tuổi. Hiện tại, vợ tôi đang làm công tác nghiên cứu về lý luận phê bình điện ảnh trong cùng cơ quan với tôi. Hai vợ chồng vẫn đang sống chung với ông bà nội nhưng chúng tôi cũng rất nỗ lực để sang năm có thể xin bố mẹ ra ở riêng. Khi đó mới thực sự cảm nhận được không khí gia đình như thế nào.
Khi không ở cùng nhà nội, có lẽ chúng tôi sẽ tự do hơn, nhưng trái lại cũng có nhiều vấn đề, vì ông bà đỡ cho mình rất nhiều việc. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là tình trạng chung, bất cứ gia đình nào cũng phải vượt qua thôi và không tránh được. Nếu cùng vượt qua được thì đó mới thật sự là một gia đình trưởng thành và vợ chồng tôi luôn cố gắng để làm được điều đó.
Hán Quang Tú hi vọng có thể cùng vợ ra ở riêng, không phụ thuộc vào bố mẹ |
Anh từng chia sẻ về mức lương “không bằng giáo viên mầm non”, vậy chắc hẳn anh đã phải nỗ lực rất nhiều để hai vợ chồng có thể ra ở riêng như dự định?
- Ngoài việc dạy ở trường, tôi nhận giám sát các chương trình tiểu phẩm, đôi khi cũng đi dàn dựng chương trình liên hoan, các cuộc thi tổ chức trong nội bộ các cơ quan, doanh nghiệp. Tôi thật sự thích công việc này bởi mình học đạo diễn nên có thể thực hành và trau dồi về nghiệp vụ. Hơn nữa, nó cũng giúp mình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Công việc này cũng giúp tôi tạo mối quan hệ tốt với các ngân hàng, cơ quan, cục thi hành án… nên tôi đặc biệt yêu thích và thường xuyên nhận việc mỗi khi có thời gian rảnh.
Anh có định hướng cho con gái theo đuổi con đường nghệ thuật theo truyền thống gia đình?
- Tôi chưa có dự định cụ thể về việc đó vì muốn lắng nghe quan điểm của cháu, xem con muốn phát triển theo hướng nào. Hiện tại, cháu cũng tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc. Mỗi khi nhạc nổi lên là bật nhảy tưng bừng, mà nhảy rất đúng nhạc nên tôi thấy cũng hay. Đến tuổi đi học, vợ chồng tôi cũng sẽ cố gắng kết hợp cho cháu tập múa, hát hay chơi nhạc cụ để hướng cháu về dòng nghệ thuật xem sao.
Tuy nhiên, nếu cháu không theo được hoặc không thích thì tôi cũng sẽ không ép, vì suy cho cùng, để con phát triển tự nhiên vẫn là điều tốt nhất. Nếu cứ bắt ép con cái theo ý mình thì cũng có thể nó sẽ học được, theo được nhưng không thành tài được thì cũng phí.
Theo D.Linh (VietNamNet)