Gí súng vào đầu diễn viên bắt đóng phim rẻ tiền, ăn chặn tiền cát-xê, đầu tư cho những bộ phim lãng mạn hóa hoạt động tội phạm… là một số cách mà các băng nhóm thuộc hội Tam Hoàng thao túng điện ảnh Hong Kong trong những năm 1980-1990.
Một trong những băng nhóm chính của hội Tam Hoàng ở Hong Kong là Tân Nghĩa An, với số thành viên từ 50.000-60.000. Không chỉ đầu tư rất nhiều vào mạng lưới buôn ma túy quốc tế mà các băng nhóm thuộc hội Tam Hoàng như Tân Nghĩa An còn chi đầu tư lớn cho ngành công nghiệp phim của Hong Kong.
Nên không phải tình cờ mà một trong những dòng phim chính của các xưởng phim Hong Kong trong các thập kỷ 80 và 90 là lãng mạn hóa hành vi tội phạm.
Năm 2002, diễn viên nổi tiếng Hong Kong Lưu Gia Linh trở thành trung tâm của một vụ bê bối gây chấn động Hong Kong suốt mấy tháng. Tạp chí Eastweek khi đó đăng bức ảnh một nữ diễn viên Hong Kong trong tình trạng ngực trần và suy nhược.
Dù khuôn mặt trong bức ảnh bị che, nhưng mọi người vẫn nhận ra đó là bức ảnh chụp Lưu Gia Linh vài năm trước, khi cô bị một số đối tượng của nhóm Hắc Bang thuộc hội Tam Hoàng bắt cóc, chụp ảnh và quay phim cảnh cô bị cưỡng hiếp để ghi ra đĩa VCD bán đầy trên đường phố Hong Kong thời đó.
Hành động này không phải để tống tiền mà để làm nhục người nổi tiếng. Lưu Gia Linh được thả sau đó. Có thông tin trước đây cô nhờ một ông trùm của hội Tam Hoàng mà có được vai diễn quan trọng năm 1987, và vụ bắt cóc, cưỡng hiếp là cách mà Tam Hoàng “đòi nợ” sau khi ép cô “trả ơn” bằng cách đóng phim cấp 3 và bị cô từ chối.
Ngoài ra, vào thời điểm bị bắt cóc, Lưu Gia Linh cũng có tranh chấp tài chính với Albert Yeung, chủ tạp chí Eastweek. Với sự giúp đỡ của thành phố và các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng khác, trong đó có Thành Long (Jackie Chan), tạp chí này bị đóng cửa không lâu sau đó.
Nữ diễn viên được coi là ảnh hậu Hong Kong không phải trường hợp hiếm trong điện ảnh thành phố trở thành nạn nhân của xã hội đen. Lưu Đức Hoa từng bị chĩa súng vào đầu để ép phải tham gia một dự án phim, và Diệp Tử My cũng bị ép phải khỏa thân trong một bộ phim, nếu không muốn bị làm nhục. Lam Khiết Anh, diễn viên từng được coi là ngọc nữ của điện ảnh Hong Kong, gần đây mới tiết lộ cô từng bị “ông lớn” cưỡng hiếp.
Lưu Đức Hoa cũng từng bị xã hội đen Hong Kong bắt đóng phim giá rẻ |
Nhiều người tin rằng “ông lớn” mà diễn viên này không nói rõ chính là những ông trùm trong hội Tam Hoàng. Nhan sắc nhất nhì truyền hình TVB một thời gần đây xuất hiện trong bộ dạng già nua và tiều tụy, sau một thời gian bị trầm cảm, sự nghiệp xuống dốc.
Người hùng Thành Long
Được coi là “anh cả” của điện ảnh Hong Kong, Thành Long tự hào với những công sức anh bỏ ra để chống lại các thế lực của hội Tam Hoàng nhằm bảo vệ các nghệ sĩ trong ngành công nghiệp giải trí. Thành Long lập ra Hội nghệ sĩ biểu diễn Hong Kong để giúp các nghệ sĩ không bị đối xử bất công.
Thành Long là diễn viên đầu tiên dám lên tiếng chống lại hội Tam Hoàng, từng bị chúng truy đuổi |
Trong những năm 80 và 90, hội Tam Hoàng thường dùng cách đe dọa các diễn viên để bớt tiền cát-xê của họ. Ví dụ, một diễn viên có thể được hứa trả 100.000 HKD cho một vai diễn, nhưng cuối cùng chỉ nhận được 2.000 HKD.
Là người đầu tiên dám lên tiếng chống lại thế lực của hội Tam Hoàng, Thành Long một lần bị chúng truy đuổi đến mức phải sang Mỹ ẩn náu.
“Lúc tôi lên máy bay, những viên đạn bay rào rào về phía tôi. Tôi phải mang theo súng mỗi ngày. Trở lại Hong Kong, khi tôi vào nhà hàng ăn tối, tôi bị hai chục tên thuộc hội Tam Hoàng cầm dao vây quanh. Tôi lấy súng ra và tuyên bố còn 2 khẩu khác trong áo khoác”, Thành Long kể với trang tin Hong Kong Jayne Stars năm 2012. Từ đó trở đi, Thành Long lúc nào cũng mang theo súng, và đôi khi mang theo cả lựu đạn để tự vệ.
Không chỉ lộng hành ở Hong Kong, các chi nhánh của hội Tam Hoàng cũng làm mưa làm gió ở khắp nơi trên thế giới. Mạng lưới tội phạm này bị giới Mỹ cáo buộc đã giúp đưa vào lưu thông những tờ siêu đô la.
Cảnh sát Hong Kong ngày 21.7 bắt giữ Quách Vĩnh Hồng, ông trùm của băng nhóm xã hội đen Hòa Thắng Hòa, một nhánh khét tiếng có lịch sử tồn tại hơn 85 năm của hội Tam Hoàng. Vụ việc gợi lại một thời làm mưa làm gió của tổ chức xã hội đen cực lớn này ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới. |
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)