Sinh ra đã là công tử nhà giàu nhưng thời cuộc thay đổi, gia đình anh khánh kiệt. Sống trong cảnh túng quẫn, Hoàng mập nỗ lực từng ngày để bây giờ trở thành ông chủ một hãng phim.
Từ công tử đi học bằng xe hơi đến ở nhờ ở đợ vì không có tiền
Hoàng mập là nghệ danh, tên thật của anh là Bùi Minh Hoàng. Dòng họ Bùi xa xưa nổi tiếng giàu có ở đất Cần Thơ. Những năm trước cách mạng, người dân nhiều nơi đói khổ nhưng ba anh vẫn mặc áo lụa trắng, bữa cơm chưa khi nào thiếu thịt cá. Trong nhà, lúc nào cũng có vài ba người làm.
Bùi Minh Hoàng là con dòng 3 trong đại gia đình rất đông anh em và sung túc ấy. Mẹ anh hạ sinh được 5 người con, anh là con thứ 4.
Cậu công tử Bùi Minh Hoàng thuở nhỏ |
Tuổi thơ của anh đúng nghĩa "sống trong nhung lụa", đi học có xe hơi đưa đón. Nhưng không bao lâu sau, do cuộc sống biến động, gia đình anh rơi vào nghèo túng.
Cha mẹ anh phải đi vùng kinh tế mới ở Thốt Nốt (nay là Vĩnh Thạnh, Cần Thơ). Kể từ lúc đó, gia đình bắt đầu sống những ngày tháng cơ cực. Còn gì quý giá trong người, hai ông bà bán hết và làm tất cả mọi việc để có tiền nuôi 5 đứa con đang tuổi lớn lại chưa từng lao động nặng nhọc.
Nhưng dẫu gia đình có rơi vào cảnh túng quẫn cỡ nào thì cậu công tử Bùi Minh Hoàng vẫn có một tuổi thơ hồn nhiên đúng nghĩa của mọi đứa con nít.
Đó là những ngày rong ruổi đi hái bông điên điển, cà na với bạn bị ong chích, là khi nhà thì ngập lụt mà đám trẻ con vẫn hồn nhiên nhảy lên mái nhà chơi bắn máy bay và cười đùa.
Anh kể: "Hồi đó tôi mới 5, 6 tuổi nên chẳng cảm được điều gì từ nỗi buồn của ba mẹ. Về quê thấy cái gì cũng lạ, cũng thích thú. Chỉ bây giờ suy nghĩ lại mới biết ba mẹ mình khổ.
Hợp tác xã giao bò nuôi nhưng nuôi con nào chết con đó vì không biết chăm. Lên lớp 6 tôi bắt đầu cảm được hoàn cảnh của gia đình mình.
Ba tôi, từ một ông chủ đẹp trai trở nên đen đúa, gầy nhom vì ngày ngày đi mò cua bắt ốc. Mẹ tôi, từ một tiểu thơ, một bà chủ không biết làm gì, từ những ngày cá ăn một thau, con to ăn, con nhỏ đem xuống sông đổ... vậy mà lúc đường cùng cũng phải sống bằng mọi giá.
Những năm 1978-1979, nhiều người chết đói nhưng 5 anh em tôi vẫn ăn cơm trắng đàng hoàng. Anh em tôi ăn xong còn chừng một chén cơm, ba mẹ nhường qua nhường lại nên bao giờ cũng còn một chút. Giỡn chơi đã, chiều lại xuống lục nồi ăn nốt.
Chàng thiếu niên Bùi Minh Hoàng với vẻ ngoài đẹp trai. |
Nếu lúc đó mình cảm được thì lẽ ra phải chia đều phần cơm ra nấu cháo để cả nhà ai cũng được no chứ không để ba mẹ nhường hết cho mình.
Năm tôi học lớp 5 thì ba mất. Từ khi ba mất, mẹ tôi một nách mẹ nuôi 5 đứa con. Mỗi ngày mẹ bơi xuồng gần 20 km đi Long Xuyên mua tàu hũ, nước tương về đem ra chợ bán. Đi từ sáng tới chiều mới về. Ngày nào cũng thế. Tuổi thơ của tôi nhiều năm gắn với chiếc xuồng đó của mẹ.
Thế nên khi hiểu được hoàn cảnh gia đình mình, đi học tôi ở nhà thầy nhiều hơn nhà mình chỉ vì sợ về thì tốn kém. Ở nhà thầy, sáng đi học, chiều tôi cùng 3,4 đứa khác phụ công việc làm lúa, giữa trại mía... cho thầy".
Làm phụ hồ, bán sắt, giữ xe và tới nghệ thuật nhờ đàn anh Hữu Nghĩa
Học hết phổ thông, Bùi Minh Hoàng thi đỗ Đại Học Cần Thơ. Kỳ nghỉ hè năm thứ 2, anh lên Sài Gòn kiếm việc làm thêm.
Lúc đầu anh làm phụ hồ ở khu công nghiệp Tân Cảng bây giờ. Thấy cậu sinh viên trắng trẻo, đẹp trai lại hiền lành nên kỹ sư trưởng công trình cho ở lại trông nom, giám sát nguyên vật liệu xây dựng.
Đám công nhân dụ anh ký khống nguyên vật liệu, số chênh lệch đó để họ bán ra ngoài, tiền bán được cùng nhau ăn chia nhưng anh không chịu.
Lớp diễn viên khóa 18 trường Nghệ thuật sân khấu 2 mà Hoàng mập học. |
Anh đem chuyện này nói với ông kỹ sư trưởng. Nhóm công nhân kia bị đuổi việc. Họ đem lòng thù hận, tối tối canh chừng lúc anh đi học thêm chặn đường đánh, hòng lúc anh ngủ lấy đá ném vô lều.
Chịu không nổi, anh đành xin nghỉ làm. Ông kỹ sư trưởng giới thiệu anh sang bán sắt cho một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt.
Cửa hàng sắt này ngay kế Nhà văn hóa quận Tân Bình. Vậy là những buổi tối không phải làm, anh chạy sang đó chơi. Riết anh quen hết đám trẻ con đang sinh hoạt trong nhà văn hóa ấy mà bây giờ đều là những người có chút tên tuổi trong nghề như Phạm Thanh Thảo, Long Đẹp trai, Hoàng Mèo, Mai Phượng...
Rồi những sáng chủ nhật được nghỉ, anh theo các bạn vào công viên Đầm Sen. Bạn biểu diễn, còn anh... giữ đồ mà lòng vui phơi phới vì có cơ hội được thăm thú cái công viên văn hóa nổi tiếng ở Sài Gòn.
Có lần, một thành viên trong nhóm vì nghe không rõ mà đi nhầm điểm diễn. Ngày ấy chưa có điện thoại để liên lạc như bây giờ. Không có người, anh được thế vai và may mắn đóng chung với nghệ sĩ Hữu Nghĩa. Thời điểm đó, tên tuổi Hữu Nghĩa đang lừng lẫy trong nhóm 4H cùng Hữu Châu, Hồng Vân, Hồng Đào với chương trình hài kịch "Trong nhà ngoài phố".
Sau ngày hôm đó, Hữu Nghĩa hỏi anh có muốn đi theo mình không? Anh gật đầu.
Kể về cái duyên tới với nghề diễn, Hoàng mập chia sẻ: "Cuộc đời cứ đưa đẩy tôi đi. Tới giờ tôi vẫn không nghĩ mình làm nghề diễn viên. Giọng thì bị ngọng, hát không được, múa cũng không xong... nếu không gặp anh Hữu Nghĩa, có lẽ cũng không có tôi ngày hôm nay.
Hồi ấy, anh Nghĩa nổi tiếng lắm. Tôi đi theo anh Nghĩa giữ xe, giữ đồ, ủi đồ... việc gì cũng làm, chỉ cần được theo ngôi sao tới đoàn phim là tôi vui rồi.
Bùi Minh Hoàng thời sinh viên, theo chân đàn anh Hữu Nghĩa đi tấu hài. |
Một ngày, anh Nghĩa nói "Chẳng lẽ Hoàng cứ sống vậy? Em suy nghĩ đi, em theo anh đi làm cũng thấy nghề này rồi. Em có thích không? Nếu em thích thì thi vô trường đi". Vậy là tôi thi. Năm đó người ta đậu thủ khoa 26 điểm thì tôi 25.
Thi xong, tối đó chở anh Nghĩa đi diễn, tôi gặp thầy Xuân Phước là người chấm thi tôi hồi sáng. Tới giờ, tôi vẫn nghĩ hoài không biết hơn hai chục năm trước, anh Nghĩa có gửi gắm không mà mình thi đậu (cười lớn).
Khi vô trường, đi quay không có đồ, tôi đều mượn đồ anh Nghĩa. Có những bộ, anh Nghĩa mới may chưa mặc đã bị tôi mặc trước. Anh em rất vui.
Vừa đi học tôi vừa theo nhóm hài của anh Nghĩa. Khi một số người trong nhóm có tên, đi phim được giải này giải kia, đắt show không về kịp, tôi được anh Nghĩa cho thế vai. Lúc đó, được thế vai là sung sướng lắm. Tấu hài hồi đó rất thịnh. Một đêm chạy 8, 9 show bình thường.
Hồi mới theo anh Nghĩa giữ đồ, giữ xe, một tháng anh cho 60.000 đồng. Cơm anh ấy bao hết. Số tiền đó dư sống vì cơm ký túc xá một tháng có 30.000.
Khi đi diễn, một suất anh Nghĩa trả 15.000 đồng. Một đêm diễn cầm mấy trăm ngàn là run tay vì vàng có 200.000 một chỉ. Cứ mỗi lần đi diễn về khuya là ngủ lại nhà anh Nghĩa.
Lúc anh Nghĩa làm kịch "Trong nhà ngoài phố", anh xin cho vai nhỏ. Được chui vô gầm bàn rồi chui ra đã mừng muốn chết.
Cuộc sống làm nghề lúc đó vui vẻ chứ không như bây giờ. Bây giờ nhiều hãng phim, nhiều việc, nhiều cách để nổi tiếng nhanh còn ngày xưa nghệ sĩ làm nghề chân chính 10 năm chưa được lên báo.
Cuộc đời tôi nói theo cách dân gian là xuất thân từ ở đợ, giữ xe, trợ lý, quản lý con nít, chủ nhiệm, sản xuất rồi mới làm chủ. Chính vì thế khi nhìn xuống, tôi biết hết tâm tư nguyện vọng của mọi người từ phục trang, ánh sáng, hóa trang..."
Và khi trở thành chủ nhiệm, nhà sản xuất phim... |
Sự tích của biệt danh "má Hoàng"
Thời trẻ, Bùi Minh Hoàng cũng đẹp trai không thua ai. Nhưng qua một cơn bạo bệnh, anh bị béo không kiểm soát, dù sức ăn khá khiêm tốn. Từ 60 kg, anh tăng lên 70, 80 và bây giờ con số đó đã trên 140 kg. Riết, anh không dám leo lên cân nữa.
Hồi mới làm nghề, anh lấy nghệ danh là tên cha mẹ đặt: Bùi Minh Hoàng nhưng sau này phần vì trùng tên với nhiều nghệ sĩ đi trước (Minh Hoàng, Thanh Hoàng, Tấn Hoàng...), phần vì người cứ mập ra nên anh đổi luôn thành Hoàng mập.
Ngoại hình to lớn quá khiến anh muốn mặc đồ đẹp cũng không được. Ngồi đâu cũng phải xem ghế có chắc không, vì đã có những ngày anh làm ghế... gẫy nhiều không đếm hết.
Nhưng lợi ở chỗ, béo quá nên ra đường mọi người dễ nhận ra, anh muốn làm bậy cũng không được. Và vợ anh tuyệt đối không bao giờ ghen. Thậm chí, anh đi dự ra mắt phim, có khán giả ái mộ xin chụp ảnh cùng, vợ anh bảo "xấu vậy mà họ cũng xin chụp"! Anh cười tít mắt.
Hoàng mập còn được nhiều nghệ sĩ đàn em trong nghề gọi yêu bằng cái tên "má Hoàng". Bởi lẽ, anh rất nghĩa khí, thường đứng ra bảo vệ đàn em bị ức hiếp... giống như một người mẹ bảo vệ con.
Kể về chuyện này, ông chủ hãng phim Hoàng Thần Tài chia sẻ: "Hồi tôi chưa thành lập hãng phim, đi quay, tôi ưa giúp đỡ mấy đứa con gái mới vô nghề bị ức hiếp. Đi quay tỉnh xa, có mấy người trợ lý, đạo diễn tối hay chui vô phòng mấy đứa con gái đòi hỏi tình cảm. Tụi nó không chịu, chạy qua phòng tôi kêu cứu.
Trở thành "má" của nhiều diễn viên trẻ ở đoàn phim. |
Có mấy người chỉ là trợ lý, phó đạo diễn hoặc làm công việc kêu diễn viên thôi nhưng vỗ ngực xưng tên làm như mình quan trọng lắm rồi làm mưa làm gió với mấy đứa diễn viên trẻ mới vô nghề.
Mấy đứa mới vô nghề không biết nên sợ. Thấy người đó kêu mình đi quay tưởng chức cao quyền lớn trong đoàn nhưng thật ra chỉ là sai vặt, làm mướn thôi. Vì những vai chính đạo diễn kêu rồi, mấy vai chừng 10, 20 phân đoạn thì giao họ kêu và quản lý mấy diễn viên đó luôn.
Hoặc những khi phải quay cảnh xuống sông, lội nước nhưng tụi nó tới ngày đèn đỏ không dám nói ai, nói tôi để tôi nói dùm. Riết rồi mấy đứa con gái hay kêu má hoặc bà vú, còn đám con trai thì kêu ba. Những danh xưng đó chỉ những người trong nghề mới biết".
Đó là chuyện sau này, còn hồi mới vào nghề, bản thân Hoàng mập cũng không ít lần bị người ta ức hiếp. Anh bảo, hồi đó anh nhìn nghề bằng con mắt màu hồng, thấy cái gì cũng đẹp, không bon chen, không hại ai.
Có những người anh thần tượng, ngưỡng mộ lắm nhưng cũng giành giật vai diễn với anh. Những lúc đó, anh cũng khóc lóc, đòi sống đòi chết.
Chính người anh, người thầy thân thiết là Hữu Nghĩa đã dạy anh rằng cuộc sống này cần nhất là vị tha và biết cách chấp nhận những gì mình có, đừng bao giờ ganh tỵ mà hãy biết giúp đỡ người khác.
Với đàn em thân thiết, Huy Khánh. |
Sau này, khi đã chững chạc hơn, anh ngộ ra rằng, nghề này là như vậy. Chẳng ai muốn người khác hơn mình. Nhưng anh được đàn anh nâng đỡ, dìu dắt khi mới vào nghề nên sau này anh cũng chọn cho mình con đường là giúp đỡ đàn em. Và trên hết là để mình có một cuộc sống thoải mái về đầu óc, tinh thần.
Anh nói: "Người khác có thể kiếm 100 triệu/ ngày, tôi chỉ kiếm 2 triệu nhưng thấy vui và hài lòng là được. Ngồi so bì rồi ganh ghét làm gì. Giá trị nằm ở cách nghĩ của mình. Cái gì tiện lợi cho cuộc sống của mình thì mình áp dụng. Tôi chỉ cần biết mình vui với cuộc sống này là được".
Theo C.T.Hương (Trí Thức Trẻ)