Hình ảnh Hoài Linh gầy ốm luôn cười mãn nguyện đã gây xúc động cho nhiều người.
Cuối cùng thì tâm nguyện 16 năm của nghệ sĩ Hoài Linh cũng đã hoàn thành. Khu đền thờ tổ nghiệp do anh tự đứng ra xây dựng đã mở cửa đón hàng trăm nghệ sĩ về thắp hương nhân ngày giỗ tổ. Hình ảnh Hoài Linh gầy ốm nhưng trên môi luôn thường trực một nụ cười mãn nguyện bước xuống từng bậc thềm niềm nở đón khách đã gây xúc động cho nhiều người.
Hoài Linh không chỉ là một nghệ sĩ đa tài, một danh hài xuất chúng, mà anh còn được công chúng cũng như đồng nghiệp kính nể bởi một tư cách giản dị, một con người gần như tài đức vẹn toàn. Hoài Linh sống chân tình với đồng nghiệp, gần gũi với công chúng, trọn đạo với nghề nghiệp, thảo thuận với gia đình. Anh luôn trân trọng và biết ơn những gì mà tổ nghiệp đã ưu ái dành cho mình. Chính vì vậy tâm nguyện xây một khu đền thờ để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối là tâm nguyện suốt đời của anh.
Những ngày vừa qua, hình ảnh danh hài Hoài Linh gầy ốm nhưng tất bật với nhiều công việc để lo cho ngày trọng đại của nghề một cách chu toàn được nhắc đến nhiều nhất. Bỏ qua việc là người của công chúng, bỏ qua danh hiệu của một ngôi sao, Hoài Linh không một chút ngần ngại khi tự tay sắp đặt lễ vật lên từng bàn thờ.
Anh chạy ra sân niềm nở đón từng nghệ sĩ và công chúng khi họ đến thăm khu đền trong ngày giỗ tổ, ôm từng đứa trẻ lên nô đùa hay sẵn sàng dành một hai phút để chụp ảnh chung với người hâm mộ. Buổi chiều xong lễ, Hoài Linh tự đi nhặt từng cọng rác trên sân, ngồi bệt xuống sàn nhà lau gạch.
Có một điều rất dễ dàng nhận thấy là nụ cười luôn túc trực trên gương mặt rạng rỡ của anh. Một nụ cười hiền nhưng đầy mãn nguyện và hạnh phúc. Để công trình tâm linh này được hoàn thành là một chặng đường gian truân mà nghệ sĩ Hoài Linh phải trải qua.
Đích thân danh hài dọn dẹp nhà thờ Tổ |
Để có một khu đền thờ tổ nghề như những gì ta nhìn thấy, nghệ sĩ Hoài Linh đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Hoài Linh cho biết anh xây dựng khu đền này từ cái tâm của mình đối với tổ nghiệp. Một cái tâm hoàn toàn trong sáng, tất cả đều từ tiền mà anh kiếm được, có đồng nào anh dành dụm đồng ấy.
Hoài Linh không xin của ai, không kêu gọi bất cứ ai tham gia đóng góp. Anh cũng không ngần ngại trả lời rằng số tiền xây đền là từ những gì khán giả thương anh mà có. “Cứ coi như đây là tiền của quý vị khán giả góp lại cho “thằng” Hoài Linh đứng ra xây đền thờ tổ nghiệp” – Hoài Linh đã nói điều đó rất rõ trong buổi khánh thành khu đền thờ.
Quay ngược lại thời gian trước, để có kinh phí xây đền, nghệ sĩ Hoài Linh đã phải lao động hết mình. Anh nhận tất cả các show diễn, lịch diễn dày đặt. Đôi khi thi thoảng thấy Hoài Linh phải nhập viện truyền nước biển vì sức khỏe xuống cấp. Nhưng rồi sau khi khỏe anh lại tiếp tục chạy hết show này đến show khác.
Tuy nhiên, chưa ai từng nghe Hoài Linh than phiền than khổ. Hoài Linh chia sẻ : "Ngoài nhà thờ tổ này tôi không ấp ủ hay mưu cầu điều gì to tát. Tôi thấy mình vẫn còn rất khỏe. Tôi may mắn hoàn thành được tâm nguyện nên tôi mãn nguyện với đời mình rồi”.
Những ngày diễn ra lễ khánh thành và giỗ tổ ở khu đền thờ, Hoài Linh cũng nhận được sự chia sẻ rất lớn từ phía gia đình. Ba mẹ anh từ Mỹ về chung vui với con. Hình ảnh hai ông bà già ngồi lặng lẽ quan sát niềm vui của con trai cũng đã gây xúc động cho nhiều nghệ sĩ.
Ba của nghệ sĩ Hoài Linh tâm sự rằng ban đầu nghe con trai có ý định xây nhà thờ ông cũng thấy buồn rồi khóc. Gia đình ông vốn theo đạo Thiên Chúa nhưng danh hài Hoài Linh lại theo tín ngưỡng thờ Mẫu và theo đạo nghề, nhưng vì cái tâm của con nên ông ủng hộ. Vợ chồng ông đã khóc rất nhiều. Khóc vì thương con, khóc vì thấy Hoài Linh phải lao tâm lao lực tích góp từng đồng mà lo trọn đạo làm nghề. Bây giờ thì vợ chồng ông lại khóc vì mừng cho ý nguyện của Hoài Linh đã hoàn thành.
Ba mẹ của danh hài Hoài Linh ngồi lặng lẽ chia vui cùng con trai |
Nghệ sĩ Hoài Linh vốn xuất thân từ gia đình nghèo. Từng bước đến với nghệ thuật của anh cũng khá nhọc nhằn. Đi lên từ khó khăn vất vả, ký ức tuổi thơ của Hoài Linh gắn liền với hình ảnh tảo tần của quê hương miền Trung. Đó là bà nội bà ngoại, là mẹ anh, là ba anh. Chính môi trường tình cảm sâu nặng của những người thân yêu này đã hình thành nên một danh hài Hoài Linh giản dị và nghĩa tình, giữ trọn đạo làm người, đạo làm nghề cho đến ngày hôm nay.
Ngoài chuyện lo trọn đạo nghề, Hoài Linh còn làm tròn nghĩa vụ với quê hương dòng họ. Khi trở thành một danh hài, dù bận rộn với hàng trăm show diễn nhưng Hoài Linh vẫn đau đáu với quê hương. Năm đó anh về thôn Hà Tân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam bỏ tiền ra chuộc lại mảnh vườn quê ngoại rồi xây ở đó một ngôi nhà thờ lớn để ghi công đức tổ tiên họ hàng bên ngoại. Người dân quê anh thường nhắc “cái thằng hay đùa tếu vậy mà hiếu để ít ai bằng”.
Trong phần phát biểu nhân ngày giỗ tổ nghề hôm 12.9, thay mặt cho giới nghệ sĩ, Hoài Linh cũng đã bày tỏ sự trân trọng rất lớn dành cho khán giả. Hoài Linh nói: “Hôm nay con rất là vui, con rất hạnh phúc nên không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến quý vị ân nhân, đó chính là quý khán giả thân yêu, người đã nuôi dưỡng nghệ sĩ chúng con. Con xây ngôi đền này không phải tiền của con mà đó chính là tiền của khán giả đóng góp. Vì vậy quý vị hãy xem đây cũng chính là ngôi nhà của mình. Tại khu đền thờ này, ở đền thờ chính, con xin thờ ông Tổ, còn bên phải xin thờ những nghệ sĩ quá cố và bên còn lại để dành cho khán giả mà con đã mang ơn”.
“Trong cuộc đời làm nghề của tôi, khi buồn hay tuyệt vọng, tôi thường hướng về đời sống tâm linh. Những lúc đó, khấn nguyện tổ nghề cho tôi thấy lòng bình an, thanh thản hơn nhiều. Lúc nào cũng như có một đấng ơn trên luôn lắng nghe tôi. Xây đền thờ là để bày tỏ lòng tôn kính của mình với tổ nghiệp, với các bậc tiền nhân. Tôi mong rằng đây sẽ là nơi thờ tổ sân khấu để ngày 12.8 âm lịch hàng năm để anh em có nơi về cúng tổ”, đó là những lời tâm huyết của nghệ sĩ Hoài Linh muốn gửi gắm cho những ai đặt câu hỏi “Anh xây nhà thờ để làm gì?”.
Theo T.Vũ (Một Thế Giới)