Suốt nhiều năm qua, cuộc sống của nghệ sĩ Việt tại Mỹ vẫn được xem là một giấc mơ, niềm kiêu hãnh và ao ước trong mắt khán giả. Nhiều người gọi đó là "giấc mơ Mỹ", khi được sống trong một đất nước văn minh, giàu có bậc nhất thế giới.
Không ít nghệ sĩ Việt sở hữu những căn biệt thự rộng lớn, hào nhoáng tại Mỹ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Đan Trường, Hà Phương…
Hầu hết những nghệ sĩ hải ngoại nổi tiếng đều từng khiến công chúng trầm trồ khi khoe nơi ở rộng rãi, đầy đủ sân vườn của mình như Bằng Kiều, Vân Sơn, Trường Vũ, Thúy Nga, Kỳ Duyên, Thu Phương…
Hoa hậu Phạm Hương còn liên tục thể hiện cuộc sống giàu sang, đi du dịch khắp nơi tại Mỹ của mình.
Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự hào nhoáng và tưởng chừng như giàu có, sung sướng đó lại là biết bao nỗi vất vả, cơ cực. Nói cách khác, cuộc sống của nghệ sĩ Việt tại Mỹ hoàn toàn không chỉ toàn ánh hào quang lấp lánh như người ta vẫn tưởng.
Phải đi hát lót với giá cát xê bèo bọt, bị chủ hãng đĩa làm khó dễ
Đa số nghệ sĩ Việt khi mới bước chân qua Mỹ đều không được trải thảm đỏ để đến với sân khấu ngay lập tức. Dù ở Mỹ có rất nhiều trung tâm ca nhạc lớn, có sức ảnh hưởng, nhưng những trung tâm này không dễ dàng gì nhận một ca sĩ mới đến.
Ngược lại, để được đứng trên sân khấu của những trung tâm ca nhạc đó, nghệ sĩ phải trải qua rất nhiều thử thách, sàng lọc. Thông thường, một nghệ sĩ mới đến phải đi hát miệt mài tại các phòng trà, vũ trường nhỏ với giá cát xê bèo bọt. Ca sĩ Thanh Hà nói:
"Lúc đó, tôi là một ca sĩ thường trực cho vũ trường nên cả một buổi tôi phải ngồi ở đó, không được chạy show lung tung. Thường thì tôi sẽ hát tầm 20 bài và nhận được khoản tiền cát xê là 40 đô la".
Danh ca Sơn Tuyền thì khá khẩm hơn, cô tâm sự: "Thời đó, tôi mới ở Việt Nam qua, được trả 50 đô cho một buổi hát trong tuần, cuối tuần là 70 đô".
Những người có năng lực sẽ được chọn hát lót cho các ca sĩ lớn. Từ đó, họ tận dụng các mối quan hệ có được với các chủ vũ trường, chủ phòng thu để được thu âm và gửi băng tới những trung tâm lớn. Nếu may mắn, họ sẽ được mời tới để ký hợp đồng làm việc.
Tuy nhiên, quá trình thu âm và gửi băng đĩa này diễn ra không hề dễ dàng. Nghệ sĩ thường bị các hãng băng đĩa làm khó dễ và phải rất kiên trì mới được phát hành sản phẩm. Danh ca Sơn Tuyền tâm sự:
"Tôi gọi điện đến khắp các trung tâm, đại lý và bị từ chối rất nhiều. Tôi vừa nhấc máy, chưa kịp giới thiệu thì họ đã nói không biết tôi là ai, ra đĩa cho tôi lỡ không bán được thì làm sao.
Bị từ chối nhiều như vậy nhưng tôi vẫn rất kiên nhẫn, tiếp tục gọi và được 40 đại lý chấp nhận. Các đại lý lúc đó còn không chịu trả tiền ngay mà ra điều kiện phải bán được hết đĩa mới trả tiền tôi. Tôi bảo họ cứ giúp, bán không được tôi cũng không lấy tiền của họ.
Nhờ trời thương nên họ ra băng nào bán hết băng đó, cứ order liên tục. Họ còn hối tôi thu cuốn mới.
Nói chung, thời gian đầu khá khó khăn, nhưng tôi vẫn rất vui vì tôi rất đam mê nghệ thuật. Tôi không thấy có gì cực khổ, cứ có việc là làm".
Ca sĩ Phi Nhung thì phải mất đến hai năm làm việc trong phòng thu của Trizzie Phương Trinh. Cô kể:
"Bị chê, tôi phải thu lại. Tới tối hôm sau chị Trizzie đi diễn về, tôi lại đưa chị nghe và tiếp tục bị chê: "Hát sai chính tả nhiều quá". Tôi lại phải vào phòng thu thu lại. Công việc đó cứ đều đặn như thế, kéo dài suốt 2 năm trời.
Sau 2 năm thu âm miệt mài và học hát, chị Trizzie mới chọn ra cho tôi được hai bài là Nỗi buồn hoa phượng và Nối lại tình xưa để in vào đĩa cùng cô Hương Lan và chị Mỹ Huyền đem bán".
Cuộc sống khó khăn, phải lao động chân tay, làm những nghề không ai ngờ tới
Cuộc sống vất vả, khó khăn của nghệ sĩ Việt tại Mỹ từng được ca sĩ Thanh Thảo hé lộ một cách đầy chua xót. Cô viết:
"Chúng tôi, mỗi người một nỗi niềm, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, đành lòng rời xa quê hương, gia đình, bạn bè và khán giả thân thương ngay lúc tên tuổi còn trên đỉnh vinh quang, công việc ca hát liên tục mỗi ngày, bạn bè bù khú bên nhau mỗi đêm sau khi đi diễn về... chỉ vì mang trong lòng một mong muốn dành cho gia đình, người thân.
Có người may mắn, bước đường mình chọn không gặp khó khăn cách trở, nhanh chóng có cho mình một cuộc sống mới ở xứ thiên đường, lập gia đình và hưởng hạnh phúc.
Nhưng cũng có rất nhiều người trầy trụa nhiều năm liền, sống trong sự lo lắng, hồi hộp chờ đợi, ngày này qua tháng khác vẫn chưa đến được đích cuối cùng.
Họ đã phải rũ bỏ hào quang của người nổi tiếng, được bao nhiêu người vây đón khi còn ở quê hương, cuộc sống sung túc bên gia đình, bạn bè để buộc phải làm nghề tay trái mưu sinh.
Sống ở Mỹ này không làm thì tiền đâu mà lo hàng loạt chi phí, hóa đơn mỗi tháng đến liền liền, còn nghĩa vụ thuế, bảo hiểm các loại...
Để gọi là đại gia giàu có thật sự hiếm lắm! Ai cũng phải làm mới có tiền lo cuộc sống hằng ngày.
Trước là ca sĩ nổi tiếng nhưng bây giờ đầu bếp, thợ hồ, thợ may, bán hàng online, phụ trong nhà hàng..., nghề gì thích hợp thì làm, với mong muốn cuối cùng là có cơ ngơi ổn định rồi bảo lãnh cha mẹ già, vợ chồng, con cái sang đoàn tụ.
Nhưng rồi cũng có người ra đi mãi mãi sau bao nhiêu cố gắng, chôn vùi luôn ước muốn đoàn tụ cùng gia đình. Thật chua xót và bẽ bàng...
Đồng ý là mọi sự lựa chọn của mình là do mình quyết định, sướng khổ là do mình chứ chả ai can thiệp được.
Nhưng có những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, có những nỗi đau phải đành chôn giấu, có những trăn trở không thể chia sẻ".
Trước khi nổi tiếng và được nhận mức cát xê cao, nhiều hợp đồng giá trị, đa số nghệ sĩ Việt khi mới qua Mỹ đều phải trải qua nhiều khó khăn, cơ cực, phải lao động vất vả.
Khánh Ly và Lệ Thu trước khi sang hải ngoại đều là những ca sĩ lớn, sở hữu mức cát xê cao ngất ngưởng. Danh ca Lệ Thu nói: "Tiền cát xê tôi được trả phải nhét vào bao bố mang về. Một triệu một tháng là số tiền quá nhiều.
Ngày đó, lương công chức cao cấp là 32 ngàn, một lượng vàng chỉ khoảng một ngàn hay 500 đồng gì đó, tôi không nhớ rõ".
Vậy mà sang đến hải ngoại, Lệ Thu nghèo tới mức không có nổi tiền cắt tóc. Cô kể:
"Thời gian đầu sang hải ngoại, tôi nghèo lắm. Lúc đó, tôi còn đang sống tại một đảo, tóc dài mà còn không có tiền cắt tóc. Một lần nọ, không biết ai gửi cho anh Hoàng Thi Thao (nhạc công vĩ cầm) tiền, anh ấy cho tôi ba đồng và nói: "Cầm tiền mà đi cắt tóc đi".
Tôi nhận ba đồng đó, nhưng lại không cắt tóc mà đi mua rau muống với cá. Sở dĩ như vậy vì trên đảo tôi ở chỉ toàn ăn đồ hộp, không có đồ tươi. Tôi thèm quá nên mới mua cá và rau muống về luộc".
Danh ca Khánh Ly cũng phải làm đủ nghề để kiếm sống và nhặt những đồ người ta bỏ đi, mang về dùng lại. Cô tâm sự:
"Tôi sang Mỹ với hai bàn tay trắng, không có một xu dính túi. Trước đó, tôi còn phải đi chùi văn phòng, dọn dẹp toilet cho trường mẫu giáo.
Lúc đó, ai kêu tôi đi làm gì tôi làm đó. Tôi phải quên mình đi vì mình chẳng là gì ở Mỹ hết. Tôi chỉ muốn phải làm sao kiếm được việc làm để không phải ăn nhờ ở đậu ai hết và lo được cho con mình.
Tôi cũng bắt đầu đi kiếm, đi xin những đồ người ta bỏ lại như bếp, rồi kêu người đến lắp gas, lắp điện".
Những thế hệ ca sĩ đàn em cũng không khá hơn là bao. Phi Nhung phải đi làm đến nát cả chân tay để kiếm từng đồng lo cho con mình. Cô nghẹn ngào:
"Sang Mỹ, tôi phải đi may thảm cho một hãng thảm. Được 6 tháng, tôi muốn kiếm thêm tiền gửi về cho các em nên đi làm lợp tôn. Tôi làm lợp tôn 2 tháng thì tay chân nát hết, đành phải nghỉ.
Xưởng may chỉ làm các ngày trong tuần nên tới thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, tôi tiếp tục đi làm nhà hàng, tranh thủ học thêm tiếng Anh. Tôi phải đi lau dọn, cọ rửa mọi thứ cho nhà hàng.
Tôi sống quá cực khổ, khổ đến cùng cực, khổ không thể tưởng tượng được.
Tôi đi làm vất vả, kiếm từng đồng một để trả tiền nhà, tiền xe. Đến cái chén ăn cơm tôi cũng phải bỏ tiền ra mua. Tiền đó ở đâu mà có? Đó là tiền tôi phải đi làm cực nhọc kiếm ra, chứ đâu được ai cho.
Thậm chí, ngay cả đi sinh con, tôi cũng phải tự động lái xe một mình. Sinh con xong, tôi lại phải lái xe một mình về. Tôi đặt con bên cạnh, cứ thế lái xe về nhà, không có bất cứ ai ở bên chăm sóc, cha mẹ không, chồng cũng không".
Thanh Hà thì phải làm đến tận 13 nghề, với mức lương 3 đô một giờ. Cô chia sẻ:
"Tôi đã từng trải qua 13 nghề nghiệp khác nhau trước khi trở thành một ca sĩ, từ những nghề phổ thông tay chân như phụ bếp, sản xuất bật lửa, đến công việc tại một hãng kính áp tròng. Tôi phải đi phụ việc bếp trong các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald, Burger King…".
Ngọc Lan phải đi chạy bàn, bán đồ ăn nhanh để kiếm tiền, Linda Trang Đài thì đi phát tờ rơi, Hoài Linh phải đi rửa bát thuê ngoài chợ, không biết đến ngày mai là gì. Dương Triệu Vũ nhớ lại:
"Thời điểm ấy chưa ai có công việc nên anh Hoài Linh cùng mọi người đều ra chợ làm giúp một người bác, còn tôi đi học.
Cũng may, anh tôi được cho tài năng để có được ngày hôm nay, chứ không thì giờ này anh ấy còn đang ngồi rửa chén ngoài chợ".
Nghệ sĩ hải ngoại không được phép chảnh chọe hay mắc bệnh ngôi sao mà phải rất chịu khó, làm những việc không ai ngờ tới.
Ở Việt Nam, khán giả không bao giờ nghĩ tới việc đi mua băng đĩa sẽ được gặp thần tượng. Nhưng tại Mỹ, việc nghệ sĩ phải đứng bán đĩa ở quầy là chuyện hết sức bình thường. Ca sĩ Phi Nhung kể lại:
"Tại Cali, cứ sáng đến tôi đi bán CD, tối vào phòng thu của chị Trizzie để thu âm.
Lúc bán, tôi còn cố tình đẩy CD của mình lên trên các CD khác để khách hàng chú ý nhiều hơn. Tôi thậm chí còn mở cả CD ra cho mọi người thấy hình tôi bên trong. Thế là tôi bán được nhiều đĩa lắm".
Không chỉ ca sĩ chưa nổi, ngay cả những nghệ sĩ có tiếng vẫn đứng bán băng đĩa như bình thường. Các quầy băng đĩa thường mở lưu động trước mỗi sự kiện âm nhạc lớn. Cách làm này sẽ giúp nghệ sĩ bán được nhiều băng đĩa hơn.
Điều này lí giải vì sao nghệ sĩ hải ngoại thường có tính cách thân thiện, gần gũi và hòa đồng.
Show diễn ít ỏi, nghệ sĩ phải làm thêm nhiều nghề khác
Cuộc sống tại Mỹ không giống với Việt Nam. Tại Việt Nam, các show diễn có thể tổ chức quanh tuần, từ thứ hai đến chủ nhật và luôn có khán giả đến xem.
Nhưng ở Mỹ, khán giả chỉ đi xem show vào hai ngày cuối tuần là thứ 7 và chủ nhật. Các ngày trong tuần, họ phải lao vào làm việc đầu tắt mặt tối để lo trang trải cuộc sống.
Chính vì thế, số show diễn của nghệ sĩ bị hạn chế rất nhiều. Chưa kể, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước thường xuyên sang hải ngoại lưu diễn, tạo nên sự cạnh tranh khá khốc liệt.
Không những vậy, các sự kiện giải trí của cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng ít hơn và không đa dạng như trong nước, thường chỉ có ca sĩ và diễn viên sân khấu là có đất sống.
Bởi vậy, rất nhiều nghệ sĩ tại Mỹ phải làm thêm những công việc khác ngoài đi diễn ngay cả khi đã nổi tiếng. Ca sĩ Tâm Đoan, Linda Trang Đài, Trizzie Phương Trinh… đều có công việc kinh doanh riêng của mình.
Ca sĩ Vân Quang Long cũng chỉ đi hát vào hai ngày cuối tuần. Thời gian còn lại, anh làm đủ nghề trong lĩnh vực xây dựng như làm điện, làm mái nhà, làm tường… rất vất vả, nặng nhọc.
Sự ra đi vừa qua của Vân Quang Long là một sự kiện đáng buồn, hé lộ phần nào những cơ cực trong đời sống của nghệ sĩ Việt tại Mỹ.
Hay, việc ca sĩ Kim Ngân hóa điên, đi lang thang ngoài đường cũng khiến công chúng không khỏi xót xa cho số phận nghệ sĩ Việt nơi đất khách quê người.
Nỗi cô đơn thường trực nơi đất khách quê người
Không những vất vả, cực nhọc, nghệ sĩ hải ngoại còn phải đối mặt với nỗi cô đơn tột cùng khi sống trong cảnh xa xứ, nơi đất khách quê người. Ca sĩ Minh Tuyết tâm sự:
"Trong 3 năm đầu qua Mỹ, tôi khóc nhiều vô cùng vì cô đơn tột độ. Tôi chỉ sống một mình, không có bất cứ ai bên cạnh.
Tôi vừa cô đơn, vừa lẻ loi khi phải sống một mình ở nơi đất khách quê người, lại không được hát như mình muốn.
Tôi không có nhà riêng, phải mướn một phòng trong nhà người ta để ở. Ví dụ, nhà họ có 5 phòng thì sử dụng 4 phòng, còn lại một phòng cho mình ở. Tôi không có tiền nên buộc phải sống như vậy.
Tôi phải đón Tết một mình, chỉ có mình tôi ngồi lặng bên cửa sổ nhìn người ta bắn pháo bông. Tôi buồn lắm.
Tôi tuyệt vọng, còn gọi điện về hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con có nên quay trở về không".
Danh hài Việt Hương cũng từng chia sẻ về khoảng thời gian cô đơn của mình khi mới sang Mỹ, nhìn ra cửa sổ, thấy mưa rơi mà nhớ nhà da diết.
Có lẽ, chính nỗi cô đơn và cơ cực này đã khiến nhiều nghệ sĩ từ bỏ đất Mỹ để về lại Việt Nam ở hẳn như Hoài Linh, Chí Tài, Giao Linh, Thái Châu, Long Nhật, Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ…
Ngay cả những nghệ sĩ trẻ như Tóc Tiên, Mai Tiến Dũng cũng trở về nước sau một thời gian lập nghiệp tại Mỹ.
Rõ ràng, cuộc sống của nghệ sĩ Việt tại Mỹ không hề hào nhoáng như người ta vẫn nghĩ. Đằng sau đó là trăm ngàn nỗi vất vả, cực nhọc, gian truân, phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Họ chấp nhận xa quê hương, lập nghiệp nơi xứ người chỉ để mong có một cuộc sống tốt hơn cho gia đình, người thân.
Theo Long Phạm (Pháp luật & Bạn đọc)