Trong số các Hoa hậu Việt Nam, Thu Thuỷ được đánh giá cao về nhan sắc, sự thông minh. Khi đăng quang vào năm 1994, cô mới tròn 18 tuổi và là sinh viên của Học viện Ngoại giao. Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về ngôn ngữ học, Thu Thuỷ chịu ảnh hưởng lớn từ đấng sinh thành khi có đam mê về sách cùng kiến thức rộng về xã hội. Cô từng đi du học ở nước ngoài về ngành Quản trị kinh doanh trước khi về nước kinh doanh và tham gia một số hoạt động showbiz. Sau 24 năm đăng quang, Thu Thủy chọn cuộc sống khép kín và tập trung làm những công việc mình yêu thích như MC, biên tập viên, viết sách và nghiên cứu. Thi thoảng cô mới xuất hiện tại các event ở vai trò giám khảo hoặc khách mời.
"Tôi già rồi, phải sống khép kín thôi, chứ hơn 20 năm rồi cứ lên báo với những chuyện cũ thì tôi ngại chết đi được. Bây giờ tôi thấy mình phù hợp với công việc MC truyền hình. Tôi vẫn hứng thú với showbiz nhưng là những công việc ở phía sau như viết kịch bản, biên tập. Hiện tại ngoài vai trò MC, tôi cũng đầu tư bất động sản, có công ty truyền thông riêng ở mảng sản xuất, xuất nhập khẩu phim, khai thác bản quyền", người đẹp chia sẻ.
- Các Hoa hậu và đa số nghệ sĩ thường mượn danh hiệu để đánh bóng cho công việc mới như kinh doanh, mở công ty truyền thông... tại sao chị lại không làm như vậy?
- Danh hiệu hoa hậu giúp tôi được nhiều người biết đến hơn nhưng trong công việc, các đối tác lại nhìn tôi với ánh mắt khác. Họ đặt danh hiệu lên trên và không coi tôi như một nhà sản xuất bình thường. Thời gian đầu các đối tác từ chối tôi rất nhiều khi biết tôi là hoa hậu. Họ nghĩ hoa hậu chỉ biết làm đẹp, đứng tạo dáng chụp hình hoặc sợ có nhiều vấn đề rủi ro... Tôi phải tìm cách thuyết phục họ cho tôi có cơ hội thuyết trình và chứng tỏ năng lực. Nếu tôi làm tốt, họ sẽ coi là chuyện nghiễm nhiên, nhưng chỉ cần một việc không tốt họ lại đánh giá, làm ảnh hưởng đến cả êkíp của tôi.
Có những đối tác vẫn gắn bó với tôi rất nhiều năm và không hề quan tâm đến những lùm xùm, thị phi không đáng có. Họ thậm chí còn ngấm ngầm bảo vệ tôi trước dư luận. Tôi hiểu họ làm vậy để bảo vệ sự hợp tác trong công việc nhưng điều đó cũng chứng tỏ tôi có khả năng, chứ không phải mượn danh hiệu để kiếm chác lợi nhuận.
- Chị có thể chia sẻ một số dự án chị tham gia sản xuất?
- Từ năm 2010, tôi đã làm một số phim tài liệu, series phim truyền hình, trong đó có một tác phẩm phim ngắn mà tôi là nhân vật chính từng dự liên hoan phim Hà Nội. Sau này tôi nhận ra, nếu việc gì tôi cũng ôm vào người thì nó khiến tôi không thể trở thành người chuyên nghiệp. Công việc sản xuất đòi hỏi cả một êkíp nên tôi bớt khó tính, bớt ôm đồm để những người khác giúp đỡ mình. Năm 2015 tôi cũng làm một series phim về người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên tôi không muốn công khai bởi công chúng sẽ có cái nhìn soi mói hơn về tác phẩm.
- Còn riêng về niềm đam mê viết lách của chị thì sao?
- Tôi viết được kha khá nhưng chưa đến thời điểm công bố và phát hành. Chắc là trong tương lai tôi sẽ ra mắt một vài cuốn tiểu thuyết. Tôi cũng ấp ủ số dự án làm website để chia sẻ các công trình nghiên cứu của bố mẹ. Họ sống với nghề nghiên cứu bao năm nay, coi nó cao hơn cả 'cơm áo gạo tiền'. Sau nhiều năm tôi nhận ra mình cần làm một việc gì đó để giúp bố mẹ.
Tôi còn đang sưu tập sách, tài liệu, thư tịch cũ... Công việc này rất 'khủng khiếp' nên tôi phải kiên trì làm trong 15-20 năm, chứ không thể 1-2 năm là hoàn thành. Tôi cũng không có chuyên môn về nghiên cứu, chỉ làm theo sở thích cá nhân.
Công việc chính của tôi hiện tại vẫn là chăm sóc con cái. Con trai đầu lòng của tôi đã 16 tuổi, đang ở giai đoạn dậy thì, còn con gái 9 tuổi. Trẻ con lớn nhanh lắm, chẳng mấy chốc chúng rời khỏi vòng tay mẹ.
- Con trai lớn ở tuổi dậy thì, chị gặp những khó khăn gì trong việc dạy con?
- Hai con không sống với bố mà ở với tôi từ nhỏ nên bị ảnh hưởng rất nhiều từ tôi, đặc biệt là cậu con trai lớn 16 tuổi. Con giống tôi ở tính cách hướng nội, rụt rè, nhút nhát khi giao tiếp. Hai năm gần đây là khoảng thời gian khó khăn nhất với tôi khi con trai thay đổi nhiều, sống khép kín, không chịu chia sẻ, không thích ra ngoài.
Ngày xưa tôi cũng có quãng thời gian như vậy nên rất hiểu con trai. Sự chuyển biến về thể chất khiến tôi tự ti và mặc cảm, không thể hoà đồng với mọi người. Biết rõ vấn đề của con, tôi bỏ phần lớn các công việc để gần gũi con trai, giúp con vượt qua. Tôi chạy bộ cùng con, tập thể dục, dạy con môn yoga... Đến bây giờ hai mẹ con đã đi được 80% chặng đường của sự khó khăn, hiểu nhau hơn và không có bất cứ hiểu lầm gì khiến mẹ con tôi đẩy nhau ra xa hơn. Tôi cảm thấy may mắn vì con coi tôi là một người bạn.
- Sau hành trình kiên trì giúp con sống cởi mở hơn, bây giờ con chị thế nào?
- Con rất hoà đồng với bạn bè, tôi cũng không biết con có bạn gái chưa. Tuy nhiên con vẫn sống khép kín với gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng. Những ngày lễ, Tết, ngày giỗ trong gia đình hay họ hàng, con không tham gia. Thậm chí ngày Tết ông bà đến nhà, con cũng không nói chuyện mà bỏ vào phòng.
- Có khi nào chị cảm thấy bất lực với con?
- Nhiều lần lắm chứ. Hai con tôi ở phòng riêng và trước đây thường mở cửa phòng để mẹ có thể vào bất cứ lúc nào. Cuối tuần ba mẹ con hay ngồi cùng nhau trên giường, mỗi người một máy tính, iPad để làm việc, học tập hoặc nghe nhạc. Cũng có lúc ba mẹ con rủ nhau đi bơi... Nhưng bây giờ con trai tôi về nhà là đóng cửa, mỗi lần tôi muốn vào phòng là phải xin phép. Con cũng bắt đầu vỡ giọng. Nhà tôi bao năm nay không có đàn ông nên khi nghe tiếng ồm ồm của con trai tự nhiên tôi lại xốn xang. Cậu bé dễ thương của ngày xưa bây giờ trở thành cậu thanh niên xa lạ. Nhiều hôm tôi ở phòng khách tập yoga vào buổi tối, nghe giọng con trai nói chuyện điện thoại với bạn mà ứa nước mắt. Tôi thấy con như là một người khác và cậu bé con ngày xưa của tôi đã bị đánh mất rồi. Tôi cảm thấy hụt hẫng kinh khủng.
Con tôi đang ở tuổi mới lớn nên có những biểu hiện như dáng đi khuềnh khoàng, đôi khi văng tục hoặc nói những từ ngữ thô lỗ để thể hiện sự nam tính. Tôi khó chịu vì điều đó, nhiều khi chỉ muốn đập cửa, nói với con rằng phải thay đổi ngôn ngữ dù chỉ là trong cách nói chuyện với bạn bè. Tuy nhiên tôi đã dừng lại, không dám gõ cửa phòng rồi ngồi xuống thiền vì cho rằng mình không thể uốn nắn con như vậy. Con phải trải qua giai đoạn 'dở ông, dở thằng', thậm chí là 'thằng dở hơi' thì mới trưởng thành được.
Con có ngoại hình rất ưa nhìn, phong cách như trai Hàn, trai Nhật. Gương mặt đẹp trai như vậy mà giờ con tôi để kiểu tóc che hết nửa mặt và không chịu cắt. Nói ra thì bảo là nói xấu con nhưng thẩm mỹ ăn mặc và nếp sinh hoạt của con trái ngược với kỳ vọng của tôi.
- Chồng cũ của chị can thiệp thế nào vào chuyện chị dạy con?
- Bố của con trai tôi thi thoảng có thăm cháu. Có lần hai bố con đi chơi, khi trở về nhà anh ấy nói có chuyện muốn chia sẻ với tôi. Anh ấy kể rằng, con trai nói tôi không thương con vì tôi toàn mắng, không nói nhẹ nhàng 'I love you' với con nữa. Tôi ngẫm lại thì thấy mình quả thực khá nghiêm khắc, trong khi bố lại rất chiều chuộng con. Nhiều khi con xin tôi mua một món đồ gì đó nhưng tôi không đồng ý, con sẽ gọi cho bố và tất nhiên anh ấy sẽ liên lạc với tôi. Điều đó làm tôi bực bội.
Tôi chấp nhận sự thật rằng dù mình có hy sinh, dành nhiều tình cảm như thế nào cho con mà không được cháu cảm nhận thì cũng phải chịu. Ngày xưa tôi nghĩ khi con lớn thì mình sẽ nhàn nhưng rõ ràng không nhàn chút nào. Tôi thấy mình bận hơn vì phải giúp con tìm hiểu về cuộc sống hay đưa ra những lời khuyên về quan điểm sống. Tôi không áp đặt nhưng sẽ nói chuyện để các con có định hướng đúng cho tương lai. Hơn nữa mỗi người có một cuộc đời, mình không thể can thiệp được.
Ngày trước mỗi lần con hỏi han, vì bận làm việc nên tôi không kiên nhẫn với con, thậm chí còn gắt lên 'Tại sao con hỏi nhiều thế?' Nhưng bây giờ tôi kiên nhẫn, quan sát từng chút một và tôi thấy mình học được ở các con về cách nhìn nhận cuộc sống. Tôi thấy thương bố mẹ hơn bởi tôi cũng 'hành hạ' các cụ không ra làm sao cả. Là cha mẹ, hãy yêu thương con vô điều kiện và chấp nhận với tất cả những gì con trở thành. Đó có lẽ là thử thách lớn nhất của các ông bố, bà mẹ.
Tôi không kỳ vọng gì ở con trai hết. Thấy con đẹp như trai Hàn tôi cũng mong được khoe con để thấy tự hào, nhưng con lại không thích chụp hình, ăn mặc cũng kỳ quái.
- Con gái của chị thì sao?
- Con gái tôi lại đang ở giai đoạn dễ thương kinh khủng, nhưng 2-3 năm nữa tôi tin rằng con bé cũng không hề thua kém anh trai bởi cháu rất cá tính.
- Các con chị đều đã lớn, vậy có bao giờ cả hai đưa ra ý kiến về bạn trai của mẹ?
- Tôi rất giữ chuyện này, đặc biệt là với cậu con trai đầu lòng. 'Giữ' ở đây là tôi cho các con thấy dù bố mẹ không ở với nhau nữa nhưng cả hai vẫn là bạn bè, tôn trọng nhau. Có thể ngày trước chúng tôi mâu thuẫn, cãi cọ, ghen tuông... nhưng bây giờ thì rất vui vẻ, chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống.
Nếu có bạn trai, tôi không sẵn sàng giới thiệu cho các con hoặc cùng bạn trai đi ăn, đi chơi với các con. Khi nào các con lớn hơn nữa, tôi sẽ tìm cách để nói chuyện này, còn hiện tại tôi thấy ổn với mô hình gia đình 'không đàn ông'.
Tôi nghĩ vấn đề không phải ở các con mà là ở tôi. Nếu bây giờ nhà có thêm một người đàn ông nữa thì tôi thấy không quen, thậm chí thấy phiền nếu gặp phải tình huống 'con anh, con tôi'. Tôi là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình nên nếu có một người đàn ông gánh vác cùng, chưa chắc tôi đã thấy thoải mái, có khi còn đau đầu hơn. Bản thân tôi cũng là người khá độc đoán trong mọi quyết định, từ chuyện kinh tế đến những điều nhỏ nhặt trong nhà như cái ghế, cái bàn để ở đâu.
- Nếu cứ mãi sống với quan điểm như vậy thì khi nào chị mới định tái hôn?
- Tôi chưa có ý định này bởi hiện tại tôi có quá nhiều việc để làm. Trộm vía tôi vẫn khoẻ mạnh và không nghĩ cần một bờ vai nào để dựa. Tôi chưa cần chứ không phải là không cần. (cười)
Theo Quỳnh Như (Ngoisao.net)