- Trong suốt quãng thời gian đi học cho đến tận bây giờ, kỷ niệm chắc chắn là không thể kể hết. Thời học sinh luôn là thời vô tư, hồn nhiên nhất trong cuộc đời của mỗi người. Nhớ hồi cấp 3, tôi có một nhóm bạn thân 6 đứa con gái, nghịch nhất lớp, lúc nào cũng đi thành một hội ở trường.
Trong lớp, nhóm luôn bày trò trêu các bạn khác. Nhớ nhất là sáng nào cũng qua nhà nhau, chờ nhau đi học. Đến giờ ăn sáng là nhanh nhanh chóng chóng xuống canteen chia nhiệm vụ đứa xếp hàng mua nước, đứa mua đồ ăn, đứa giữ chỗ... Cô chủ nhiệm lúc đó còn trêu "chắc về sau phải lấy chồng chung cho mấy đứa này".
Mỹ Linh là đương kim Hoa hậu Việt Nam. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Việc trở thành một hoa hậu có thay đổi thế nào đến việc học hành của chị?
- Chắc chắn là có nhiều thay đổi. Phải cân bằng giữa việc học và công tác xã hội là điều rất khó khăn với tôi. Có những ngày tôi bắt buộc phải nghỉ học vì trùng lịch, tôi luôn phải nhờ các bạn chép bài, rồi cố học để theo kịp với tiến độ trên lớp.
Hôm nào ở Hà Nội, tôi đều cố gắng đi học đầy đủ. Có những hôm ngày học 4 ca, tối đi sự kiện đó, cực lắm nhưng vẫn phải cố gắng thôi, để còn tốt nghiệp nữa chứ.
- Các thầy cô giáo đối với sinh viên Đỗ Mỹ Linh và hoa hậu Đỗ Mỹ Linh có gì khác?
- Từ ngày trở thành hoa hậu, tôi được thầy cô và bạn bè biết đến nhiều hơn (vì học đại học một lớp rất đông người, cũng nhiều thầy cô hơn). Mọi người rất vui khi tôi đạt được thành tích cao như vậy và luôn luôn cổ vũ động viên tôi rất nhiều trong việc học tập.
Đặc biệt các thầy cô luôn luôn giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi có thể hoàn thành những môn học mà mình bị lỡ trong thời gian đi thi.
- Thầy cô nào mang lại cho chị nhiều kỷ niệm nhất?
- Trong suốt hơn 12 năm học, tôi gặp rất nhiều thầy cô, và mỗi thầy cô đối với tôi lại có những kỷ niệm riêng. Nhưng tất cả thầy các cô đều đã cho tôi những kiến thức, những hiểu biết không chỉ là trong sách vở mà còn là những bài học trong cuộc sống, cách cư xử giữa người với người.
- Chị thấy thầy cô mỗi cấp học giống và khác nhau như thế nào?
- Giống nhau là các thầy cô luôn luôn muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho mình, luôn muốn học sinh của mình mai sau hành người, sẽ là những công dân có ích cho xã hội.
Khác nhau là giáo viên cấp 1 như là người mẹ thứ 2 vậy, các cô chăm non cho tôi từ những bữa ăn, giấc ngủ, làm gì là các cô cũng theo sát, dìu dắt. Lên cấp 2, cấp 3 thì phải tự lập nhiều hơn, tự học nhiều hơn, cô chủ nhiệm luôn là người quan tâm tới học sinh nhiều nhất và cũng hiểu học sinh nhất.
Còn lên đại học thì gần như việc học gần như phải tự bản thân là chính. Trên lớp các thầy cô giảng bài nhưng để hiểu rõ vấn đề thì vẫn phải tự học, tự tìm hiểu. Và các thầy cô cũng không nhớ hết tên từng sinh viên vì một lớp tận hơn 100 người.
Người đẹp muốn gửi lời xin lỗi thầy cô vì lỡ làm họ phiền lòng. |
- Công chúng từng xôn xao vì những dòng trạng thái chị đăng tải trên trang cá nhân từ thời còn đi học với thái độ thiếu tích cực với thầy cô. Chị có hối hận về điều này?
- Có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò’’, tôi nghĩ rằng bất cứ chúng ta khi nghĩ về thời học trò đã qua cũng sẽ hối hận vì một trò nghịch dại gì đó. Tuy nhiên, đó đều là những kỷ niệm đẹp và giúp chúng ta trưởng thành hơn sau những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
Khi đó tôi cũng còn rất trẻ con và cũng như bao bạn khác có những trò tinh nghịch. Tuy nhiên khi nhìn lại tôi rất muốn gửi lời xin lỗi các thầy cô giáo vì đã lỡ làm các thầy cô phiền lòng. Bất cứ thầy cô nào cũng đều có tấm lòng vị tha và yêu thương học trò vô bờ bến, đó là điều mà tôi sẽ nhớ mãi.
- Ngày 20/11 năm nay, chị làm gì để tri ân thầy cô giáo?
- Ngày 18/11, tôi tham dự lễ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Dẫu trở thành Hoa hậu, tôi vẫn là cô sinh viên năm ba và là người học trò nhỏ của các thầy cô. Tôi rất vui khi được các thầy cô đối xử bình thường như bao bạn bè khác, vẫn mong được rầy la, nghiêm khắc để hoàn thiện mình mỗi ngày.
Tôi cũng đến nhà các thầy cô, những người đã dạy dỗ và giúp đỡ mình trong thời gian qua, ngồi trò chuyện và ôn lại những kỷ niệm cũ.
Theo Dương Cầm (Zing.vn)