Khi người đẹp có danh hiệu bán dâm trở thành điều tất yếu, chỉ bẽ bàng chứ không còn nhục nhã
Khi thông tin công an triệt phá đường dây mại dâm với những gương mặt người mẫu, á hậu, diễn viên ãua showbiz với giá cao ngất ngưởng từ 7000-25000 USD đăng tải trên mặt báo, công chúng chỉ thở dài, thay vì bất ngờ. Vì sao? Họ đã nghe quá nhiều thông tin, scandal đại loại như đi khách, bán dâm hàng ngày hàng giờ, lớn có nhỏ có. Vô tình mặc định trong đầu họ suy nghĩ showbiz vẫn còn nhiều người đẹp có nghề tay trái muôn đời là buôn hương bán phấn, tận dụng những gì có sẵn nhưng đầu tư, nâng cấp và gắn cho nó cái mác sang trọng, mĩ miều là hàng tự có giá. Con đường ngắn và dễ nhất há chẳng phải là các cuộc thi sắc đẹp sao.
Hàng loạt cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước được tổ chức rầm rầm. Các cô gái có chút nhan sắc đua nhau thi. Báo chí hay công chúng coi đó là các cuộc thi kém chất lượng, chỉ thuộc kiểu “ao làng”. Vậy cũng có sao, miễn là có danh hiệu hoa hậu, á hậu đã thấy sang, đã thấy danh giá lắm. Các cô nàng cứ đua nhau đổ tiền, mua giải chỉ để có một danh hiệu cho bằng chị bằng em và con đường “kiếm cơm” cũng rộng mở hơn. Bởi các cô đâu có tài năng gì mà mong chen chân vào cái showbiz này ngoài vốn tự có.
Không nói đâu xa, nhìn lại quá trình chinh chiến của á hậu T.D cũng hiểu cái khát khao có danh hiệu mãnh liệt thế nào. Cô nàng đã tham gia nhiều cuộc thi nhan sắc như: cuộc thi Người mẫu thời trang, cuộc thi Hoa hậu sắc đẹp hoàn mĩ, cuộc thi hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế. Cũng là á quân, á hậu như bao người nhưng tính ra số người biết T.D chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi cô mờ nhạt lắm, tài năng không có, khả năng ăn nói diễn đạt cũng kém. Và hơn hết, những cuộc thi cô tham gia cũng chưa được khẳng định thương hiệu hay uy tín gì giữa vô số cuộc thi trong và ngoài nước. Mãi đến khi người đẹp này tung bộ ảnh phản cảm chụp tại Đà Lạt thì cả mạng xã hội mới biết đến cô, nhưng theo hướng tiêu cực nhất. Còn ở thì hiện tại, T.D được nhà nhà người người nhắc tên nhờ là nhân vật chính trong đường dây bán dâm 25000 USD.
T.D không phải là trường hợp hiếm hoi hay điển hình mà chỉ là một nhân vật góp phần thêm cho cái bề dày lịch sử “bán dâm” của dàn hoa hậu, á hậu Việt. Công chúng hẳn vẫn còn nhớ đến hoa khôi Thời trang Việt Nam 2017 Phạm Thị Thanh Hiền. Cô cũng bị bắt khi cơ quan chức năng triệt phá một đường dây bán dâm 2500 USD. Đường dây này do chính Thanh Hiền tổ chức và rủ rê thêm người bạn là Á khôi đăng quang cùng năm, một Á khôi khác của cuộc thi Cuộc chiến sắc đẹp 2017 và một Á khôi sinh viên của trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Hay trước đó nữa, năm 2012, Hoa hậu Nam Mê Kông Võ Thị Mỹ Xuân cũng bẽ bàng không kém khi bị bắt trong đường dây chân dài bán dâm ngàn đô. Trong đường dây của Mỹ Xuân còn có nhiều cái tên người đẹp, người mẫu, hotgirl, tiêu biểu là Hoa khôi Duyên dáng Bến Tre 2010 và Á khôi 3 Miss Shinning Beauty 2012.
Con số 25000 USD có thật sự lớn để những người đẹp Việt tự bán thân xác, bán phẩm hạnh, bán tự trọng? Câu trả lời là có, với những người đẹp chỉ thích hưởng thụ, thích làm ít hưởng nhiều, thích không làm mà tự nhiên có. Những hào quang lấp lánh kia, những đồng hồ tiền tỉ, túi xách phiên bản giới hạn, chiếc đầm trăm triệu, đôi giày ngàn đô, siêu xe đưa rước... không từ trên trời rơi xuống, không phải thích thì chìa tay ra hứng được, không phải cứ có chỗ trong showbiz là quờ tay chạm thấy. Chung quy những người đẹp này ngoài hưởng sắc, cái vốn trời cho là nổi bật nhất. Còn lại họ không có bất kì tài năng nào nổi bật để chen được vào showbiz. Làng giải trí Việt hào nhoáng nhưng cũng đào thải rất khắc nghiệt. Nếu bạn có tài năng hãy phô diễn hết mình để tìm một vị trí xứng đáng. Còn ngược lại, chỉ sau vài lần xuất hiện tại các sự kiện, bạn nhanh chóng biến mất như bong bóng xà phòng. Các nhãn hàng thông minh lắm, họ biết chọn mặt gửi vàng chứ không phải đẹp là tất cả.
Không biết đến bao giờ, các cô gái trẻ mới thôi mê muội khi đối diện với showbiz và bớt suy nghĩ hoang tưởng rằng, một khi đã có danh hiệu hoa hậu, á hậu thì đã là người của showbiz, đã sang chảnh và đẳng cấp hơn. Đừng bao giờ ngây thơ để nghĩ rằng, công chúng không nhận ra đâu là ảo đâu là thật. Họ biết hết. Tuy nhiên, để họ biết đến theo cách của Á hậu T.D và nhiều người đẹp nói trên thì thật sự bẽ bàng. Ba vạn bỏ ra mua danh dù có bán được nhiều lần 25 ngàn đô giờ cũng mất cả chì lẫn chài, cả vốn lẫn lãi rồi.
Một lần sa chân vào chốn lầu xanh thì ngàn năm khó bịt được miệng đời. Nhìn cuộc sống của những người đẹp có danh hiệu như: Thanh Hiền, Mỹ Xuân… sau khi ra tù mà xem. Họ có dám công khai trở lại với showbiz hay phải sống ẩn dật, chỉ mong người ta đừng nhớ đến mình. Những người đẹp ấy giờ đây đâu cầu tiền bạc hay danh tiếng. Điều họ mong muốn duy nhất là yên bình để tìm một tấm chồng, để xây dựng một mái ấm gia đình nhưng nào có được. Họ chật vật và đau đớn nhường nào khi trả giá cho sự hoan lạc, hám danh, hám lợi thời trẻ. Những giọt nước mắt muộn màng nhưng không đáng thương chút nào. Trước đó, có quá nhiều bài học đắt giá chỉ tại những người đẹp như T.D không chịu tỉnh, hay tự huyễn hoặc mình, giờ bẽ bàng, ê chê cũng đáng, bởi tự mình chuốc lấy.
Hoa hậu lại đại hạ giá nhưng không là hồi chuông cảnh tỉnh?
Sở dĩ có hệ luỵ á hậu, hoa hậu ao làng mọc lên như nấm và kiếm sống trên chính danh hiệu đó và thể xác mĩ miều kia cũng từ thực trạng tồn động của vài năm qua.
Gần chục năm trở lại đây, các cuộc thi nhan sắc đua nhau nở rộ khiến khán giả gần như bội thực. Và không phải khán giả nào cũng có đủ hiểu biết để phân biệt đâu là danh hiệu danh giá, đâu là danh hiệu chỉ cần muốn mua sẽ có người bán. Thực tế, cơ quan quản lí văn hóa đưa ra nhiều biện pháp để siết chặt công tác tổ chức sân chơi nhan sắc, quy định một năm chỉ có một cuộc thi Hoa hậu nhằm hạn chế tình trạng danh hiệu hoa hậu xuất hiện như lúa gặt theo mùa. Thế nhưng, nào có hề hấn gì với những người đã muốn tổ chức các cuộc thi nhan sắc chỉ để kiếm lợi nhuận. Không được làm các cuộc thi Hoa hậu, người ta có thể làm Hoa khôi, Nữ hoàng, Người đẹp... miễn sao có danh hiệu, có vương miện thật kiêu để bán cho các cô gái muốn có chút danh tiếng để bước vào cuộc sống phù hoa.
Cũng khó trách những người tổ chức các cuộc thi nhan sắc tham, vì món hời này quá dễ kiếm và lượng khách hàng qua mỗi năm lại dồi dào. Nhiều người hay thắc mắc vì sao một cô gái cứ phải đi hết cuộc thi này tới cuộc thi khác để chứng minh vẻ đẹp của bản thân thay vì chú tâm vào chuyện trau dồi kiến thức, nghề nghiệp? Và khi thất bại tại các cuộc thi nhan sắc, các cô gái lại ấm ức, tru tréo, dùng đủ hoa ngôn xảo ngữ để chứng minh mình mới là người xứng đáng. Con gái ai không muốn mình đẹp nhất. Từ nhỏ, họ đã được nhồi nhét vào đầu cái cụm từ: “Đẹp như hoa hậu”. Họ chỉ biết chạm đến vương miện hoa hậu là đẹp. Trong khi đó, họ hoàn toàn không biết ước lượng cái đẹp ở các cuộc thi danh giá nó bao hàm nhiều yếu tố chứ không riêng ngoại hình sắc vóc. Họ bị ảo tưởng rằng, làm hoa hậu là vào showbiz, kiếm tiền và trở nên giàu có. Đó là sự thật của phần đa các trường hợp, nhất là những cô gái thi đi thi lại để kiếm cái dải băng chứng nhận bản thân đẹp nhất. Họ đâu có ngờ, showbiz tuy thượng vàng hạ cám đầy rẫy nhưng phân cấp rất rõ đâu là đẳng cấp, đâu là hạ cấp. Một người đẹp "ao làng" chen chân vào showbiz đã khó, kiếm tiền từ showbiz càng khó hơn. Thế thì vào showbiz, lấy cái tiếng "người của showbiz" để làm gì?
Ảo vọng và tham vọng của các cô gái khi dấn thân vào các cuộc thi nhan sắc đã khiến danh hiệu và vương miện hoa hậu trong thời đại này “hạ giá” một cách đáng thương. Ngoài hai cuộc thi nhan sắc lớn là “Hoa hậu Việt Nam” và “Hoa hậu Hoàn vũ” có bề dày lịch sử, tạo nên những tên tuổi người đẹp đình đám về sắc lẫn tài. Còn hầu hết, khi nhắc đến các cuộc thi còn lại, người ta sẽ ngay lập tức đặt dấu chấm hỏi: “Có cuộc thi đó sao?”, “Cuộc thi đó tổ chức để làm gì?”… Tất nhiên, những thí sinh dự thi dù có đạt giải cao nhất vẫn không ai nhớ. Dù thế, cứ mỗi scandal bán dâm, hay đi khách, công chúng vẫn đánh đồng cái cụm từ hoa hậu, á hậu.
Công chúng có cảm giác như chiếc vương miện danh giá ngày nào trở thành hàng “sale” để những người đẹp đua nhau mua nó. Họ có cảm giác như bị lừa niềm tin để rồi bị biến thành vốn liếng để nâng giá buôn hương bán phấn. Hồi chuông cảnh tỉnh cứ giống lên liên hồi nhưng nào ai tỉnh. Phải chăng đợi đến lúc hai chữ “hoa hậu” dơ và giả hơn nữa, những người trong cuộc mới biết đau đớn và tủi hổ.
Theo Lam Khánh (Nld.com.vn)