Trên sân khấu, trường quay, Hạnh Thúy là một nghệ sĩ đa năng, hóa thân vào nhiều thể loại vai. Ngoài đời thực chị là người trực tính, yêu ghét rõ ràng. Hạnh Thúy nhìn và nói về những chuyện nhạy cảm trong công việc của mình, trong cuộc đời của mình một cách nhẹ nhàng, công tâm...
2 bà buôn cá ngoài chợ còn cạnh tranh nhau, huống chi là cả giới showbiz chuộng hào nhoáng
Showbiz ngày càng phức tạp. Những nhiều chiêu trò, sự bon chen, ganh đua, tỵ hiềm càng lúc càng phới bày trước công chúng. Là người trong giới, chị có suy nghĩ gì?
Thực ra, Thúy thấy showbiz rất dễ hiểu. Vì chiêu trò ai cũng thấy, có gì họ đều show ra hết, có ai giấu được ai đâu mà khó hiểu. Người nào đi lên bằng con đường nào, khán giả và đồng nghiệp nhìn vào là biết hết.
Còn cạnh tranh là chuyện bình thường. Hai bà buôn bán cá ngoài chợ còn cạnh tranh nhau thì huống chi là cái giới chuộng sự hào nhoáng, phô trương như showbiz.
Không bon chen, không ganh đua thì sẽ bị tụt lại. Những người bon chen, ganh đua đều là những người thành công. Người ganh đua thắng thì nói đó là quá trình phấn đấu và thành công trong nghề.
Còn những người than vãn, không phải vì họ không ganh đua mà là họ từng bon chen, từng ganh đua nhưng bị thua.
Cạnh tranh có thể lành mạnh và cũng có thể không lành mạnh. Đi đường thẳng không được thì đi đường tắt, đó cũng là chuyện bình thường nhưng Thúy không đồng ý triệt hạ một ai đó, cô lập một ai đó…
Và để thẳng thắn thì người có khả năng làm việc này trong showbiz không quá nhiều. Trong nghề này cũng từng có những người bị cô lập, bị triệt hạ nhưng vì có tài, họ vẫn đi lên. Chỉ có điều, họ sẽ đi chậm hơn thôi.
Thế nhưng, nghệ sĩ nào khi nói về mình cũng nhận mình tốt, dù đồng nghiệp và công chúng rất nhiều người biết rằng, họ từng hãm hại, trù dập nghệ sĩ A, nghệ sĩ B?
Căn bản là họ không coi đó là việc xấu mà họ nghĩ đó là việc phải làm. Người ngoài nhìn vô thì bảo "con này ác lắm, xấu lắm" nhưng bản thân người đó không coi đó là việc ác.
Giống như những người làm lãnh đạo của một công ty, tập đoàn. Để công ty và công việc chạy tốt thì họ phải đuổi việc gã nhân viên bất tài. Gã nhân viên bất tài đó nói "sao ông đuổi tôi ra đường?". Vợ con gã nhân viên cũng kêu "sao đuổi chồng tôi?".
Trong mắt gã nhân viên, trong mắt vợ con và người thân của gã thì người lãnh đạo công ty kia hẳn là kẻ không ra gì.
Thúy cũng từng làm một việc tương tự. Thúy có ba sự lựa chọn cho vai diễn đó và Thúy chỉ được chọn một. Hai diễn viên bị loại chắc chắn sẽ trách Thúy nhưng Thúy phải và sẽ chọn cộng sự tốt nhất, phương án tốt nhất cho công việc của mình.
Bạn diễn viên không được lựa chọn, tất nhiên sẽ nói từng bị Hạnh Thúy làm thế này, làm thế nọ. Đó là chuyện bình thường đối với bất cứ công việc và nghề nghiệp nào.
Không phải lúc nào người ta cũng đồn sai
Và nhìn kỹ, tôi lại thấy có một nghịch lý, nhiều người nhìn showbiz bằng con mắt không tôn trọng nhưng người ta lại đổ xô vào showbiz bằng mọi con đường, mọi cách, mọi thủ đoạn giống như đó là miếng ăn quá béo bở vậy...?
Tôi cảm thấy nghề của mình đang bị chà đạp một cách gián tiếp thông qua cách nghĩ và cách hành xử của một số người khi nói về showbiz cũng như một số người mang danh là nghệ sĩ.
Từ xưa tới nay, tôi chưa từng tốn bất cứ một chi phí bôi trơn nào cho việc đi học của con hay mọi công việc khác trong nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Nếu có tốn chỉ là tiền ăn chơi với bạn bè và tiền mình đi làm từ thiện. Thích thì ngồi, không thích thì thôi, bất kể người đó là ai.
Bởi vì nếu mình dở thật, mình không xài được thật thì có cho vàng họ cũng không quan tâm. Còn nếu họ cần mình, dù mình không thuộc dạng, thiếu thì không thể được nhưng nếu được việc, họ sẽ tới tìm.
Thay vì chi phí quan hệ, tôi nghĩ nên đầu tư cho vai diễn, quần áo, xăng xe, ăn uống. Tôi không thích kiểu, em phải đi nhậu với anh này anh kia để lấy mối quan hệ.
Nhưng cuộc sống mà, không phải mình ít quan hệ, sống kín đáo, an toàn thì sẽ yên ổn. Đó là chưa kể tới chuyện cách sống đó sẽ khiến bản thân chị bị hạn chế về cơ hội làm nghề?
Thúy nghe người khác nói xấu mình hoài. Khi người ta nói sai, Thúy nghĩ: "Trời ơi, mắc cười quá, chuyện vậy cũng nói được". Còn nếu họ nói đúng thì mình phải coi lại để sửa. Vì đâu phải lúc nào người ta cũng dựng chuyện nói sai đâu, cũng có lúc họ nói đúng mà.
Ví dụ họ nói "con đó chảnh lắm" thì Thúy biết là mình chảnh những chỗ nào, đòi giá chỗ nào nên nghe thấy bình thường.
Thúy không phải theo kiểu hoàn toàn không có mối quan hệ trong nghề. Làm với đơn vị này, họ thích mình thì mối quan hệ đó không cần bôi trơn, nịnh nọt. Đó là quan hệ trong sáng, người cần người.
Nếu nói Thúy không thèm quan hệ với ai, thích gì làm đó thì không phải. Bạn nịnh người ta, người ta có thể thương cho một hai vai nhưng nếu không làm được việc thì họ sẽ không kêu lại. Trừ khi bạn bỏ tiền ra để mua vai đó. Họ chấp nhận dở để có được cục tiền.
Nhưng cũng cực ít nhà sản xuất, đạo diễn nào chấp nhận điều đó. Họ còn có cái tên của mình, đâu thể bán rẻ cái tên của mình mãi được.
Nếu tài năng thực sự bật lên hàng ngôi sao để ai cũng phải cần thì quá tốt nhưng nếu tài năng ở tầm trung, không có mình vẫn còn người khác thì sẽ rất khó để sống khác biệt. Chị có nghĩ như vậy không?
Đúng rồi, cho nên làm nghề này ai cũng cố gắng để có tên. Thúy không phản đối chuyện phải sử dụng một cái gì đó để tăng các mối quan hệ của mình lên. Chỉ là Thúy không làm được việc đó vì không thấy thoải mái.
Có những lúc, Thúy biết làm việc này sẽ được số tiền lớn nhưng để làm thì sẽ phải mất cái này mất cái kia. Thúy không phản đối việc dùng kỹ xảo nhưng Thúy không muốn làm.
Từng bị đồng nghiệp sàm sỡ thô bỉ
Chị đã bao giờ bị dụ dỗ chưa?
Có người từng sàm sỡ thô bỉ với Thúy nhưng Thúy cố gắng coi như không có chuyện gì vì anh em còn nhìn mặt nhau nhiều. Lúc đó Thúy nghĩ, tại sao phải làm như vậy? Thúy giả bộ không biết việc đó, coi nó như là một trò đùa lố tay... rồi thôi.
Nhưng Thúy nói ngay: "Anh giỡn kỳ quá, em không thích giỡn vậy". Hôm sau Thúy vẫn cố gắng bình thường vì thực sự mình cũng chưa tổn thương gì và vẫn có thể kiểm soát được chuyện đó. Nếu đã bị gì đó thì chắc là không bình tĩnh được.
Thúy luôn cho rằng, không có chuyện một người đàn ông cưỡng hiếp được một người phụ nữ, trừ khi gã kia đánh thuốc mê, trói tay trói chân người phụ nữ lại, dí dao vào cổ uy hiếp. Ngoài ra, nếu không chịu thì chẳng ai cưỡng hiếp được ai.
Trong nghề này, chẳng có ông đạo diễn nào dám kề dao vào cổ diễn viên để bắt cô ta lên giường. Anh ta có thể gạ gẫm, nếu cô ta không từ chối thì đừng đổ thừa là bị dụ dỗ.
Anh đạo diễn đòi và cô diễn viên cho thì chắc hẳn cô ấy cũng nghĩ, mình sẽ được gì đó. Nó là sự thỏa thuận giữa đôi bên, đừng đổ lỗi hết cho đạo diễn dụ dỗ gạ tình còn diễn viên vô tội.
Cách đây khoảng 17, 18 năm tôi gặp trường hợp tương tự với một vị đạo diễn. Vị đạo diễn này khi đó nổi tiếng đến mức nhiều người bảo, không đóng phim cho anh ta thì không có phim để đóng.
Anh ta thích mà không nghe lời thì không vô được đài truyền hình. Thúy nói "vậy thôi, Thuý đi tấu hài. Và anh ta đâu thể can thiệp vô lĩnh vực tấu hài được".
Sau khi bị đồng nghiệp nam thô bỉ với mình, chị có giữ quan hệ đồng nghiệp bình thường với người kia không?
Bình thường. Thúy đã cố tình xem nó như một trò đùa lố tay còn họ chắc cũng nghĩ, con này không biết gì đâu. Có thể trong lòng hai người đều không bình thường nhưng đều cố xem nó bình thường.
Cho nên trong nghề, Thúy không mắc cỡ với ai. Thúy không hại ai, không nói xấu ai, không va chạm với ai đến mức không nhìn được họ. Với những người khi gặp, Thúy không có cảm giác an toàn thì sẽ không tiếp xúc gần thôi.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Theo Thanh Thúy (Soha/Trí Thức Trẻ)