Từng là giọng ca ăn khách của các sân khấu đình đám Sài Gòn một thuở, Họa Mi bỗng biến mất. Ngày trở lại, ngôi sao năm nào đã 60 tuổi...
Danh ca Họa Mi sinh năm 1955, tên thật là Trương Thị Mỹ. Bà mất cha năm 11 tuổi, không lâu sau thì mất mẹ, một mình bươn chải cuộc sống.
Họa Mi đến với âm nhạc từ năm 15 tuổi. Khi ấy, bà hát nghiệp dư ở hội đoàn, nhà thờ,... trong 4 năm với cái tên Trường My. Đến khi gặp cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bà mới được ông đặt cho nghệ danh là Họa Mi. Bà và danh ca Sơn Ca là hai học trò hiếm hoi của nhạc sĩ nổi tiếng. Cuộc đời bà chính thức sang trang.
Họa Mi nhanh chóng trở thành cái tên sáng giá của các sân khấu lớn ở Sài Gòn bấy giờ. Thời trẻ, giọng bà trong veo nhưng luôn tải đầy nỗi buồn. Bà ghi dấu ấn qua loạt bài Đưa em qua cánh đồng vàng; Em về thăm lại quê anh; Đưa em xuống thuyền; Tango nhớ; Bên đời quạnh hiu;...
Năm 1975, bà gia nhập đoàn ca nhạc của ông bầu số một thời đó là Ngọc Chánh. Đoàn của bà thường hát chung với đoàn kịch nói Kim Cương. Qua đó, bà làm quen saxophone Lê Tấn Quốc.
Trước đó, thầy Hoàng Thi Thơ đã dặn Họa Mi tập trung cho sự nghiệp, không được cưới trước 27 tuổi. Vậy mà, bà và Tấn Quốc yêu nhau rồi đi đến hôn nhân năm 21 tuổi. Cả hai nghèo đến mức phải làm tiệc cưới tại nhà riêng, đãi bạn bè bằng cơm đĩa. Nhà chồng phải bán bớt bàn tủ để mua nhẫn và hoa tai cho bà.
Hạnh phúc chưa lâu, saxophone Lê Tấn Quốc mắc bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố nên không thấy gì nữa. Họa Mi vừa chăm con, vừa đưa chồng đi khắp nơi chữa bệnh trong bất lực. Năm 1988 sau khi sang Pháp lưu diễn, bà ở lại tìm cách bảo lãnh chồng sang đây chữa bệnh.
Hai năm tha hương, Họa Mi nuốt bao đắng cay, tủi nhục. Bà sống một mình không người thân thích, nhớ chồng con, vừa học tiếng Pháp vừa làm ca đêm tại một nhà hàng Trung Quốc với đồng lương rẻ mạt. Trong khi ở Việt Nam, bà bị công chúng hiểu nhầm, chỉ trích bỏ rơi chồng đau bệnh.
Họa Mi đã viết thư cho phu nhân tổng thống Pháp khi đó để trình bày hoàn cảnh của mình. Được phu nhân tổng thống giúp đỡ, Lê Tấn Quốc đoàn tụ vợ ở Pháp, được các bác sĩ giỏi chạy chữa. Dù vậy, kết quả mà ông nhận được rằng đây là bệnh không thể chữa.
Không muốn làm gánh nặng cho vợ, nghệ sĩ Tấn Quốc đề nghị ly hôn rồi về Việt Nam. Họa Mi ở lại Pháp một mình nuôi 3 con. Bởi bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố có thể di truyền, các con Họa Mi phải ở lại Pháp để kiểm tra mắt hằng năm cho đến khi trưởng thành. Bà bán kem, bánh mì mưu sinh qua ngày vì không có show.
Một năm sau, Tấn Quốc có hạnh phúc mới, Họa Mi chúc phúc cho chồng cũ. Câu chuyện này được cố nhạc sĩ Lam Phương viết thành bài Em đi rồi cho riêng Họa Mi.
Sau đó, Họa Mi cũng tìm thấy người chồng sau là một người Pháp gốc Việt. Cả hai từng về Việt Nam làm đám cưới, Tấn Quốc cũng đến mừng vợ cũ. Vợ mới của ông còn chở Họa Mi đi mua trái cây.
Chồng sau của Họa Mi có một xưởng làm bánh, bà phụ chồng quán xuyến công việc của xưởng. Chồng sau rất tốt với Họa Mi và các con riêng của bà nhưng không muốn vợ đi hát. Tháng ngày ở Pháp, bà "bận đến không nhìn thấy mặt trời". Khi xưởng bánh vận hành tạm ổn, bà có thai con út. Thế là, tiếng hát Họa Mi im bặt tổng cộng 27 năm.
Năm 2009, Họa Mi từng về nước thu âm một lúc 3 album Hoàng Thi Thơ và 1 album cùng tiếng saxophone của chồng cũ Tấn Quốc. Thu xong, bà lại về Pháp lo liệu việc nhà xưởng, gia đình.
Được sự đồng thuận của chồng, Họa Mi chính thức trở lại âm nhạc ở tuổi 60, đi hát đến bây giờ. Bà luôn biết ơn chồng đã giúp mình nuôi dạy các con trưởng thành. Với danh ca, quãng đời nhiều buồn đời đã chấm dứt. Như thể con chim họa mi cất lại tiếng hót tự do, tự tại cho đến ngày không thể hót nữa.
Theo Mỹ Loan (VietNamNet)