Đồng lương rẻ mạt còn bị "ăn chặn"
NSƯT Tuyết Thu kể, chị từng đi một đoàn phim mà diễn viên quần chúng bị ăn chặn cát-xê. Họ ở phim trường từ sáng đến tối với mức cát-xê 150.000 đồng đã bao gồm tiền ăn, nước uống cho 1 ngày. Vậy mà trợ lý "ăn chặn" của họ tới 100.000 đồng.
Cuối ngày nhận lương, diễn viên quần chúng bức xúc, chửi đoàn phim làm ăn thất đức. Diễn viên quần chúng "chửi" đúng thủ quỹ, người giữ tiền của nhà sản xuất nên câu chuyện mới bị "lòi ra". Họ ở nguyên ngày mà chỉ được nhận 50.000 đồng.
Bản thân diễn viên Quách Ngọc Tuyên hồi mới vào nghề, đi đóng quần chúng cũng bị người ta bớt xén, ăn chặn từng đồng, từng cắc. Quách Ngọc Tuyên đóng quần chúng xem game show, tiền công mỗi ngày là 40.000 đồng nhưng chưa bao giờ anh được cầm đủ con số đó vì người giới thiệu công việc này cho anh luôn "cắn" mất 15.000 đồng.
Lần đầu tiên được đi đóng phim cũng thế. Anh được gọi đi quay một vai quần chúng có thoại. Đoàn quay ở quận Thủ Đức, 3 ngày liên tục, Quách Ngọc Tuyên và một người bạn phải chạy xe máy xuống đó.
Kết thúc 3 ngày quay, họ trả cho anh 90.000 đồng. Quách Ngọc Tuyên "tức ói máu" nói "anh khỏi trả đi". Anh bảo, 3 ngày đi diễn chẳng những không được đồng nào còn bị âm vào tiền xăng xe đi lại.
Với mức lương như thế, có những diễn viên quần chúng, đóng cả tháng chỉ được 2 tới 3 triệu đồng.
Không được ăn uống chung với đoàn
Những ngày đầu vào nghề, đạo diễn Nguyễn Nguyên Hoàng từng là diễn viên quần chúng. Phim đầu tiên, anh tham gia là của một hãng phim rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Cứ nghĩ đóng phim sung sướng lắm nào ngờ, Nguyễn Nguyên Hoàng bị "vỡ mộng".
Ra phim trường, anh mới biết diễn viên quần chúng không có cơm ăn cũng chẳng có nước uống. Đoàn phim không có kinh phí cho khoản này. Diễn viên quần chúng nhận một mức lương nhất định cho ngày quay đó và tự lo.
Lần đầu đi phim nên anh chưa biết quy tắc này, kịch vụ lại "quên" không nói nên hôm đó anh đã bị mắng cho một trận vì cái tội dám "sà" vào đoàn lấy nước uống. Để rồi sau đó vẫn phải đi rất xa, mấy km để mua đồ ăn thức uống.
Được biết, đây là quy định chung của tất cả các đoàn phim. Nguyên nhân có quy định này là vì từng có rất nhiều tình huống không hay xảy ra.
Có những đoàn phim, diễn viên quần chúng quá đông và không phải là "quần chúng chuyên nghiệp". Tới giờ ăn, họ ra ăn cơm trước tới lúc diễn viên quay xong, không có cơm ăn, nước cũng bị uống hết sạch. Đoàn không kiểm soát được nên mới có quy định đó.
Với những diễn viên quần chúng chuyên nghiệp, mọi người đều biết nhau nhưng nhiều đoàn mời những người không chuyên, có khi tóm đại một ông xe ôm ở đâu đó vào đoàn.
Đoàn phim lại có nhiều đồ đắt tiền nên đã từng xảy ra tình huống, kẻ gian trà trộn vào rồi lấy cắp đồ của đoàn phim. Cho nên các đoàn mới phải đưa ra quy định đó, không cho ăn uống cùng đoàn để tránh rủi ro.
Bị đánh sưng lệch mặt, bị ngược đãi, coi thường
Làm nghề này, diễn viên chưa có tên tuổi đã không được tôn trọng, huống hồ là diễn viên quần chúng. Kim Đào là tay ngang bước vào nghề, qua chương trình Đấu trường tiếu lâm. Hồi mới làm nghề, cô được mời tham gia một vai quần chúng có thoại trong một phim điện ảnh.
Lịch của Kim Đào là quay 5 ngày, ngày cuối phải quay đại cảnh rất lớn, rất đông diễn viên. Đạo diễn yêu cầu diễn viên đứng vào để canh khung hình. Lúc đó, Kim Đào đang cầm điện thoại. Vì không biết để điện thoại ở đâu cho khỏi mất nên Kim Đào nhờ một người trong tổ behind the scenes (tổ hậu trường) cầm hộ bởi hai người khá thân với nhau.
Kim Đào vừa đi ra canh khung hình thì tổ trưởng tổ behind the scenes cầm điện thoại của cô giơ lên hỏi "điện thoại của ai". Vừa nghe Kim Đào nói là của mình, người đó liền nói "chị có biết chị là quần chúng không, sao chị làm phiền người khác quá vậy".
Chẳng nghe cô giải thích, người này nói tiếp: "Tôi nói cho chị biết, chị chỉ là một con quần chúng thôi, đừng làm phiền người ta".
Bị xúc phạm nên Kim Đào phản ứng: "Em không tìm được chỗ cất điện thoại nên nhờ anh ấy cầm giùm. Nếu không được thì thôi, anh cho em xin lại cái điện thoại. Có gì đâu mà anh la lớn vậy. Đàn ông gì kỳ quá".
Vậy là Kim Đào bị "ăn" một cái tát trời giáng vào mặt. Cô bị ù tai, điếng người không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. "Các anh chị diễn viên quần chúng vây quanh tôi hỏi han. Mọi người bảo, quần chúng thì cũng là con người, cũng làm việc mới có tiền chứ có ăn không đâu mà đánh con nhỏ như vậy.
Lúc đó miệng tôi muốn tứa máu. Tôi không khóc nhưng khi nghe mọi người xung quanh vây lại hỏi han thì mình bị tủi thân, kiềm lòng không được, tôi bật khóc nức nở. Hồi đó, chú Lê Bình còn sống, chú cũng đi quay phim đó. Chú bắt anh đó xin lỗi tôi nhưng tôi quá sợ nên cứ né ra.
Mặt tôi sưng vù, không có tâm lý diễn nữa. Đạo diễn để tôi khóc cho đã rồi đi rửa mặt, hóa trang lại và ra diễn tiếp. Quay xong thì đã khuya. Mặt tôi bầm tím, sưng lệch một bên.
Trên đường về, tôi tủi thân khóc rất nhiều. Hàng loạt câu hỏi cứ luẩn quẩn quanh đầu tôi. Tại sao mình lên đây để bị người ta đánh như vậy? Hồi xưa mình ở quê rửa ly mướn thôi, nghèo đó nhưng cũng đâu ai đánh mình?
Bình thường, tôi đi quay về muộn cỡ nào, mẹ tôi cũng chờ cửa. Sợ mẹ biết nên vừa về là tôi chạy vào toilet tắm rồi lên chùm mền ngủ ngay. Sáng hôm sau, mẹ tôi hỏi bị gì. Tôi nói dối là té cầu thang.
Sau này, có lần mẹ ra phim trường với tôi, trong đoàn đó có một số anh chị từng quay chung phim kia. Họ kể cho mẹ tôi nghe chuyện tôi bị đánh. Mẹ tôi khóc bảo "Ở nhà mẹ còn không đánh con. Con cực lắm không? Cực quá thì về quê chứ có gì đâu mà phải chịu", Kim Đào từng kể.
Từ sau chuyện đó, Kim Đào không đóng vai quần chúng nữa. Không phải vì sợ người ta coi thường, bạc đãi mà vì cô sợ mình bị "chết danh" quần chúng, sẽ không thể bật lên được trong nghề.
Nghề nào cũng có vất vả. Nghề nào cũng có những góc khuất. Tuy nhiên vì lòng yêu nghề, yêu diễn xuất, dù cực khổ bao nhiêu thì nhiều người vẫn quyết tâm bám trụ. Thực tế, nhiều ngôi sao hiện nay xuất phát từ diễn viên quần chúng. Những gian khổ họ trải qua đã được đền đáp xứng đáng bằng tình yêu của khán giả.
Theo Nguyễn Hương (Nhịp Sống Việt)