Nam diễn viên và con trai hứng chịu nhiều bình luận ác ý trước khi xuất hiện tại 'Bố ơi, mình đi đâu thế?' mùa ba.
- Tôi từng xem chương trình trên tivi và thấy các bố con đi chơi rất vui vẻ. Tôi cho rằng đó là cơ hội để 2 cha con có thêm thời gian bên nhau, giúp con được dạn dĩ hơn thông qua các thử thách. Ngoài ra, con sẽ vui vì có bạn bè đi cùng, còn bố thì được giao lưu với các đồng nghiệp trong lĩnh vực giải trí.
- Anh nghĩ sao khi việc anh hé lộ cuộc sống sung túc cùng con trai trong một bài báo bị cho là “chiêu trò” để gây sự chú ý trước khi tham gia chương trình?
- Theo tôi hiểu, bài viết muốn cho thấy gia đình khá giả cũng có áp lực nhất định trong việc nuôi con nhưng vì một lý do nào đó mà thông điệp ấy không được truyền tải đến độc giả một cách trọn vẹn. Bài viết đã tạo ra một cơn bão dư luận khi cho rằng tôi khoe con, khoe của. Tôi cố gắng không quan tâm đến dư luận, những khen chê, bới móc trên mạng xã hội vì ở đó có rất nhiều thành phần mà mình không thể chiến đấu. Tôi biết có người chơi với mình, hiểu rõ về mình nhưng cũng chia sẻ bài viết ấy theo phong trào. Tôi khuyên vợ không nên đọc những bình luận đó để khỏi ám ảnh vì người ta dùng những từ ngữ cực kỳ sốc nói về gia đình mình.
Lúc ấy, có rất nhiều lời mời phỏng vấn nhưng tôi đều từ chối để tránh gây ra những luồng dư luận mới và để mọi chuyện lắng xuống. Gia đình tôi đã vượt qua cơn bão đó một cách rất bình tĩnh vì kiên quyết không đọc những dòng chữ ác ý.
Gia đình Hải Anh vượt qua dư luận vì không đọc các bình luận ác ý trên mạng xã hội. |
- Sự việc đó ảnh hưởng như thế nào đến anh và con trai?
- Đó là một thiệt hại rất lớn về mặt hình ảnh với Híp trong Bố ơi, mình đi đâu thế khi một bộ phận khán giả đã có ác cảm với cháu. Thế nên, việc Híp khóc nóc ỉ ôi ở những tập đầu tiên càng trở nên mất điểm. Tôi nghĩ Híp được ít khán giả yêu quý nhất trong 4 bé tham gia chương trình vì xuất phát điểm đã gây ra những ấn tượng không hay trong mắt người xem.
- Anh từng chia sẻ con trai có tư tưởng “cậu ấm”, vậy làm cách nào để giúp con làm quen với điều kiện sống khó khăn ở các chuyến đi?
- Khi rủ Híp tham gia Bố ơi, mình đi đâu thế, tôi chỉ nói với cháu là đi chơi chứ không hề đề cập đến chuyện sẽ khổ hơn ở nhà. Trong suy nghĩ của cháu, đi chơi với bố là đến chỗ lung linh, sạch sẽ. Vì vậy, khi nhìn thấy ngôi nhà trong chuyến đi đầu tiên, ngay cạnh chuồng bò có mùi rất hôi, cháu rất ngạc nhiên và nằng nặc đòi về khách sạn. Híp là một đứa sợ bẩn nên có thể bị choáng và khó làm quen với khung cảnh như vậy.
Trong 1 - 2 ngày đầu tiên, tôi nói chuyện, chia sẻ với con về mục đích đến với chương trình để cháu hiểu đó là thử thách mà hai bố con phải vượt qua. Sau chuyến thứ nhất, tôi hỏi ý kiến Híp về việc chơi tiếp hay dừng thì cháu hào hứng nhưng khi nhìn thấy bẩn thì vẫn ngại. Phải đến hết chuyến thứ ba, Híp mới thực sự quen với nhóm và các nhiệm vụ. Dần dần cả hai bố con đều thích thú với các chuyến đi vì con có bạn bè chơi cùng còn bố thì được làm những việc chưa từng trải nghiệm.
- Tình cảm giữa hai bố con anh có biến chuyển gì sau những chuyến du lịch?
- Tôi cảm nhận rõ ràng tình yêu thương và sự gắn kết bền chặt hơn giữa 2 cha con. Trước đây, tôi rất ít nói chuyện với con vì nghĩ rằng, mình chẳng có gì để nói với một đứa trẻ 5 tuổi và cháu cũng chẳng thể nói gì với mình. Nhưng những chuyến đi giúp tôi hiểu mình cần chủ động gợi mở, hỏi han con về những câu chuyện trên lớp, ở nhà. Cháu cũng dần coi bố như một người bạn.
Có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được. Đó là lần tôi bị ốm rồi ngủ thiếp đi trên giường. Thấy vậy, Híp lấy chăn đắp cho bố và nói với mẹ: “Bố ốm đấy, phải đắp chăn để bố đỡ ốm”. Vợ tôi vô tình quay được cảnh đó bằng điện thoại. Sáng hôm sau, khi được vợ cho xem video và nhìn thấy con trai loay hoay với cái chăn để đắp cho bố, tôi đã khóc.
Trước đây, khi mẹ hỏi yêu ai nhất nhà, Híp sẽ nói “yêu mẹ nhất nhà” hoặc đùa rằng “chỉ yêu mẹ, không yêu bố”. Thế nhưng, bây giờ khi được hỏi vậy, cháu sẽ trả lời “con yêu cả bố lẫn mẹ”. Vợ tôi thỉnh thoảng cũng ghen tỵ với chồng và trách “Tại sao giờ nó quấn anh thế nhỉ, đi đâu cũng chỉ hỏi đến anh thôi?” (cười).
Diễn viên Hải Anh và bé Híp trong một chuyến đi của "Bố ơi, mình đi đâu thế?" |
- Các bé khác trong chương trình ảnh hưởng như thế nào đối với Híp?
- Tất cả các bé trong mùa ba đều có anh chị em nên bạo dạn, hoạt ngôn và giao tiếp tốt hơn so với Híp. Ở mỗi bé đều có những ưu điểm riêng. Nhím bạo dạn và ngoan ngoãn còn Châu Chấu mới 3 tuổi nhưng rất dũng cảm. Trong một lần quay ở nhà bè, Châu Chấu bị ngã rồi chảy máu toe toét nhưng không hề khóc to. Nhìn thấy vậy, tôi nói với Híp: “Con nhìn em bé như thế, ngã đau vậy mà không khóc trong khi con chỉ hơi xước măng rô đã khóc bù lu loa rồi”, cháu chỉ im lặng. Có thể Híp không nói ra nhưng nhìn nhận và sửa đổi một cách ngấm ngầm nên tôi thấy ở cháu có nhiều thay đổi tích cực.
- Anh nhận thấy Híp thay đổi như thế nào từ khi tham gia “Bố ơi mình đi đâu thế?” ?
- Híp dạn dĩ hơn nhiều, không còn sợ bóng tối như trước. Cách nói chuyện, giao tiếp với những người xung quanh cũng tự tin hơn. Vì là con một nên trước đây Híp không biết thế nào là nhường nhịn. Ấy vậy mà từ khi tham gia chương trình, Híp hiểu được là mình phải biết chia sẻ, đoàn kết và không được đánh các em nhỏ hơn kể cả khi các em đánh mình thì cũng không được đánh lại. Khi nghe bố đọc truyện cho nghe, cậu cũng phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.
- Anh học hỏi được gì trong cách dạy con của các ông bố ở mùa này?
- Hồng Đăng thì rất nhẹ nhàng, ngọt ngào với Nhím, Anh Khoa nghiêm khắc nhưng rất tình cảm với Châu Chấu. Thành Được thì lúc cương, lúc nhu. Ở mỗi ông bố, tôi học được một chút trong cách dạy con vì dù ít tuổi hơn nhưng các bạn đều có con sớm hơn và nhiều kinh nghiệm làm bố hơn so với tôi. Đặc biệt, tôi thấy bé Nhím, con gái của Hồng Đăng là người được giáo dục rất toàn diện. Tôi chưa thấy một đứa trẻ nào vừa ngoan ngoãn vừa biết phân tích tình huống thế nào là đúng, thế nào là sai như cô bé.
Bé Híp thân thiết với bé Nhím trong "Bố ơi, mình đi đâu thế?". |
- Cách giáo dục con của anh bây giờ có khác gì so với trước đây?
- Sau chuyến đi đầu tiên, tôi nhận ra mình phải điều chỉnh chứ không thể tiếp tục nuôi con chỉ theo bản năng. Tôi bắt đầu nghiên cứu sách vở, Internet và quyết định sẽ giáo dục Híp theo cách nhẹ nhàng, không quát tháo hay bắt ép con làm theo ý mình mà chia sẻ, phân tích để con hiểu thế nào là đúng - sai. Tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của con và giải quyết một số sự việc theo kiểu trẻ con để thuyết phục cháu.
Trước đây, mỗi lần đi mua sắm vợ chồng tôi đều mua đồ chơi cho cháu. Điều đó khiến Híp coi việc nhận quà là chuyện rất bình thường, dù lễ tết cháu cũng không vòi vĩnh hay tỏ ra hứng khởi khi được bố mẹ tặng quà. Cuộc sống đầy đủ quá cũng có thể là cái dở vì khiến cháu không có ước mơ và cùn về tư duy. Hiểu điều đó nên tôi và vợ đồng ý với nhau phải bớt mua sắm cho con để Híp biết khao khát một cái gì đó và để có được nó, Hip phải biết phấn đấu.
- Anh nghĩ như thế nào về việc con trai có thể mắc bệnh nổi tiếng vì xuất hiện trên truyền hình và được nhiều người biết đến?
- Híp và các bé trong “Bố ơi, mình đi đâu thế?” mùa thứ ba hầu hết chỉ 4 - 5 tuổi. Các cháu còn quá nhỏ, vẫn rất hồn nhiên và chắc chắn chưa có khái niệm về sự nổi tiếng. Bản thân Híp cũng không hứng thú với việc xem mình trên trên tivi. Thế nên, tôi không có gì phải lo lắng về chuyện cháu có thể sẽ mắc bệnh nổi tiếng vì tham gia chương trình.
- Nếu tiếp tục được mời, anh có ý định tham dự “Bố ơi, mình đi đâu thế?” mùa sau?
- Nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ chơi tiếp vì nó giúp ích cho con. Tôi và tất cả các ông bố khác đều bỏ công bỏ việc để đi vì các con chứ thực sự chẳng mong nổi tiếng thêm. Dù từ khi xuất hiện trong chương trình, chúng tôi được nhiều người nhận ra hơn . Nhưng tôi hiểu rằng điều đó chỉ là phù phiếm thôi, quan trọng nhất vẫn là mang đến cơ hội rèn luyện và hình thành tính cách cho con.
Theo N.Anh (Ngoisao.net)