Thập niên 1980, Diễm My được biết là người mẫu chụp lịch nổi tiếng Sài Thành. Gương mặt khả ái, mái tóc dài đen mượt, dáng vẻ sang trọng giúp Diễm My thành danh lĩnh vực điện ảnh rất dễ dàng.
Diễm My được mời đóng vai phụ trong phim Trang giấy mới. Tuy chỉ là vai nhỏ nhưng đã đưa chị đến với điện ảnh như một cái duyên tiền định. Diễm My đến với vai diễn đầu đời một cách quá đơn giản. Sau khi lên phim, chị lại quay lại với trường lớp. Một lần làm diễn viên là quá đủ và cuộc sống cứ thế phải tiếp diễn, chẳng đam mê, chẳng mơ ước cũng chẳng chờ đợi những vai diễn tiếp theo, Diễm My quay lại là mình với chiếc áo dài trắng đến trường.
Khoảng năm 1980-1981, khi Diễm My mới 19 tuổi, mua bánh mì trên đường Trần Hưng Đạo, bên cạnh tiệm chụp hình Phan Bá Đương, chị đứng ngó nghiêng xem hình ở tiệm thì tình cờ ông đi ra và hỏi: "Cô muốn chụp hình không? tôi chụp cho". Mừng quá, chị gật đầu liền vì hồi đó chụp hình còn là cái gì đó xa xỉ lắm. Mấy tấm hình này thỉnh thoảng lên vài tạp chí rồi thôi vì sau đó Phan Bá Đương đi Mỹ.
Thập niên 1980, Diễm My khi đó được coi là một biểu tượng của sắc đẹp. Trước khi xuất hiện hàng loạt mỹ nhân của dòng phim mì ăn liền những năm 1990 như Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Diễm My được mệnh danh là "Nữ hoàng ảnh lịch". Không chỉ đắt sô phim ảnh, Diễm My là gương mặt xuất hiện nhiều nhất trên lịch bấy giờ. Sở hữu nét đẹp thanh thoát, gương mặt rất Tây và mái tóc dài bồng bềnh, chỉ một nụ cười của Diễm My khi đó cũng đủ làm đổ gục bao nhiêu trái tim. Chị thừa nhận khi đó nhiều vai diễn chị có được là vì chị quá xinh.
Năm 1983, đạo diễn Lê Dân một lần nữa lại mời chị tham gia vai chính - cô giáo Dung trong phim Tiếng sóng. Tuy nhiên, bộ phim không mang thành công về cho Diễm My như mong đợi. Xác định nghiêm túc làm việc nhưng qua hai vai diễn ‘để đời’ của mình, Diễm My không thấy cơ hội nào đến với mình nữa.
Thời đó cả Sài Gòn chỉ có nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ có máy chụp hình rửa phim màu và Diễm My cũng như bao cô gái trẻ khác đều muốn lưu lại những khoảnh khắc của tuổi thanh xuân. Chị tìm đến Nguyễn Kỳ không phải với vai trò một diễn viên được mời chụp hình mà đơn giản chỉ là một vị khách bình thường.
Diễm My luôn tự nhận mình gặp may mắn, mọi thứ đến với chị chỉ là cái duyên mà vô tình chị nắm bắt và sử dụng nó rất tốt. May mắn cũng được, và nếu là duyên lại càng quý, mà nếu không có những điều đó, thì chắc nền nghệ thuật Việt Nam đã chẳng có một ‘hoa hậu không ngai’ Diễm My với độ phủ sóng dày đặc.
Cùng trong năm này, Diễm My tham gia phim điện ảnh Hai chị em. Trong phim, chị đóng một vai thứ còn Nguyễn Chánh Tín và Thúy An đóng vai chính. Bối cảnh quay phim lúc đó ở Tây Ninh nhưng do hồi xưa xe cộ đi lại khó khăn nên chị và Nguyễn Chánh Tín phải đi lên Tây Ninh bằng chiếc xe chở than mà vì xe đi ngược gió nên bụi than phả vào mặt nóng rát. Vì là lần đầu tiên Diễm My đi xe than nên kêu ầm lên. Ấn tượng cảnh hai người bị bụi than "tấn công" trong suốt chặng đường dài mấy chục cây số là một kỷ niệm làm chị nhớ mãi.
Theo Hoàng Khôi (VietNamNet)