Đối với fan nhạc US-UK, những cái tên như Rihanna, Britney hay Beyoncé không còn quá xa lạ. Họ là những gương mặt đại diện cho nền nhạc Pop của thế kỷ 21, nối tiếp kỷ nguyên Diva ở những năm 90. Một sự thật không phải ai cũng biết là để có được 1 Rihanna, Britney và Beyoncé như ngày hôm nay, sự nghiệp âm nhạc của Janet Jackson đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng tới 3 nữ nghệ sĩ đình đám.
Cho ai chưa biết Janet Jackson, bà là một trong những nghệ sĩ biểu tượng nhất của nhạc Pop và R&B, với sự nghiệp kéo dài hơn 5 thập kỷ. Nếu nghe quen quen thì đúng vậy, Janet là thành viên trẻ nhất trong đại gia đình Jackson. Nữ danh ca đã vượt qua cái bóng của anh trai Michael Jackson, sánh ngang hàng những người phụ nữ vĩ đại nhất trong âm nhạc thời bấy giờ như Madonna, Mariah Carey, Whitney Houston, Celine Dion, Paula Abdul….
Dù vậy, Janet không chỉ được biết đến với sự nghiệp âm nhạc khổng lồ mà còn với scandal lộ ngực tại Super Bowl 2024 - sự kiện đã đẩy bà từ đỉnh danh vọng xuống vực thẳm. Cho đến nay, nữ danh ca vẫn chưa thể khôi phục lại vị thế mình từng gây dựng nên. “Janet Jackson hiện giờ đang ở đâu?” là câu hỏi công chúng đang tìm kiếm lời giải đáp.
Âm nhạc mang tính cách mạng, “kèn cựa” danh hiệu “nữ hoàng nhạc Pop” với Madonna
Sinh năm 1966, Janet Jackson, con út trong gia đình 9 người con, lớn lên trong môi trường có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Từng mơ ước lớn lên trở thành, vận động viên đua ngựa hoặc luật sư, bà bị cha định hướng theo sự nghiệp âm nhạc giải trí. Năm 7 tuổi, cô lần đầu biểu diễn tại Las Vegas cùng gia đình, và tham gia chương trình The Jacksons trên đài CBS sau đó 1 năm. Ở thời điểm đó, các anh trai, trong đó có Michael Jackson, nổi bật hơn khi thành lập ban nhạc Jackson 5. Dù vậy, Janet cũng dần ghi dấu ấn qua các dự án truyền hình như Good Times (1977–1979), Diff’rent Strokes (1981–1982) và Fame (1984–1985), khẳng định tài năng với tư cách là diễn viên nhí.
Janet lần đầu chạm ngõ âm nhạc với album Janet Jackson (1982) khi mới 16 tuổi, đạt vị trí 63 trên Billboard 200. Album tiếp theo, Dream Street (1984) thất bại về mặt thương mại, khiến bà bất mãn với sự kiểm soát nghiêm ngặt tới mức vô lý của cha. Sau khi cắt đứt quan hệ quản lý với cha, bà ra mắt Control (1986) và trở thành 1 trong những album hot nhất năm. Control bán được 10 triệu bản, đứng đầu Billboard 200 với When I Think Of You - hit No.1 đầu tiên đánh dấu sự sáng tạo độc lập trong âm nhạc, cho phép Janet tự do “vùng vẫy” cá tính nghệ thuật của mình.
Đến năm 1989, album Rhythm Nation 1814 đưa Janet lên hàng siêu sao nhạc Pop, tẩu tán 12 triệu bản, đứng đầu Billboard 200, lập kỷ lục với 7 đĩa đơn top 5. Đây cũng là album đầu tiên có đĩa đơn No.1 trong 3 năm liên tiếp gồm 5 bản hit Miss You Much, Rhythm Nation, Escapade, Black Cat và Love Will Never Do. Lấy những bất công và thảm kịch liên quan đến người da màu thời bấy giờ, Janet bày tỏ quan điểm chính trị của mình qua những thanh âm Dance-Pop sôi động, lột tả những khía cạnh nặng nề theo một cách mới lạ và đầy tính giải trí. Đúng như tựa đề album, Rhythm Nation 1814 là bức tranh Janet vẽ nên sự thống nhất giữa các chủng tộc cùng niềm đam mê khiêu vũ. Đây là một thế giới không phân biệt màu da, nơi mọi người có cùng lý tưởng sống dựa trên sự bình đẳng.
Nhờ sức ảnh hưởng cực khủng đối với nền âm nhạc, cũng như góp phần mở nhiều cánh cửa dành cho người da màu, Janet được mời chào với hợp đồng 32 triệu đô (1991) và 80 triệu đô (1996) với Virgin Records - con số kỷ lục thời bấy giờ. Những album sau đó như janet. (1993), The Velvet Rope (1997), All For You (2001), Damita Jo (2004)... đều đạt được thành công nhất định về thành công thương mại, đồng thời khẳng định tư duy âm nhạc đa dạng cùng nhiều thể loại như Pop, Dance, R&B, Funk, Hip-hop, Rock…
Bà thành lập hãng đĩa Rhythm Nation Records vào năm 2015, trở thành nghệ sĩ thứ ba có album No. 1 trong 4 thập kỷ liên tiếp. Với 11 album, 78 đĩa đơn, 28 bài top 10, 10 bài top 1, 5 giải Grammy và 100 triệu bản thu bán ra, bà là một trong những nghệ sĩ bán chạy nhất nước Mỹ. Đồng thời, em gái Michael Jackson cũng là một trong những những người phụ nữ vĩ đại nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.
Bà từng được không ít tòa soạn gọi với danh xưng “nữ hoàng nhạc Pop”. Điều này lại trùng với danh xưng tương tự dành cho Madonna. Chuyên gia cho rằng, việc đặt lên bàn cân 2 nghệ sĩ nữ nổi tiếng nhất nhì thời điểm đó, là “chiêu trò” truyền thông để tạo tranh luận. Bởi không có gì hút drama hơn là hướng 2 người phụ nữ nổi tiếng xéo xắt đối đầu nhau, đặc biệt là cả 2 đã luôn bị đặt vào thế cạnh tranh ngay từ thời debut.
Tuy nhiên, câu trả lời có vẻ đã quá rõ ràng. Dù không am hiểu về âm nhạc, cụ thể là US-UK thì chúng ta đều có thể chỉ mặt điểm tên “nữ hoàng nhạc Pop” chính là Madonna, cũng như “ông hoàng nhạc Pop” chỉ có 1 - Michael Jackson. Không biết danh xưng này có từ bao giờ, được ai khởi xướng nhưng Madonna đã in sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ với những di sản nhạc Pop không thể “cân đo đong đếm”. Kỷ nguyên âm nhạc của Madonna không thể nào sao chép lại được và cũng không thể hồi sinh lại được.
Khác với Madonna - 1 người gần như chuyên hẳn về mảng Pop, Janet lại mang nặng R&B hơn xuyên suốt nửa cuộc đời cầm mic. Yếu tố này đã phần nào hạn chế sức tác động của Janet đối với nền âm nhạc đại chúng, thuộc phạm trù quốc tế. Nhạc Pop, bao quát rất nhiều thể loại âm nhạc mainstream được công chúng yêu thích. Tuy nhiên, khi đứng tách riêng theo định nghĩa 1 dòng nhạc cụ thể, Pop nghiễm nhiên “xưng vương” và R&B không có “cửa” đứng “chung mâm” với nó.
Vì thế, lượng người hâm mộ và độ nhận diện của bà vẫn kém vài phần so với “nữ hoàng nhạc Pop” thực thụ. Nếu để chính xác nhất, “nữ hoàng R&B” là cái tên phù hợp nhất đối với Janet, dù danh xưng này vốn chỉ có Mariah Carey xứng đáng nhận được. Nhưng vì “sơn ca tuyệt đỉnh” và “nữ hoàng nhạc Giáng Sinh” đã gắn liền với Mariah nên Janet có thể được tạm “châm trước” là “nữ hoàng R&B”.
Song song với âm nhạc, Janet duy trì sự nghiệp diễn xuất đáng chú ý, mở đường cho các nghệ sĩ nữ như Jennifer Lopez tiến vào thị trường phim ảnh. Vai chính đầu tiên của bà trong Poetic Justice (1993) cùng Tupac Shakur là một bom tấn phòng vé năm đó, mang về đề cử Oscar cho Bài hát gốc xuất sắc nhất (Again). Bà đóng vai Giáo sư Denise Gaines trong Nutty Professor II: The Klumps (2000), thu về 170 triệu USD toàn cầu, và xuất hiện trong các phim của Tyler Perry như Why Did I Get Married? (2007), Why Did I Get Married Too? (2010) và For Colored Girls (2010). Tài vũ đạo,video ca nhạc và thông điệp nữ quyền / tình dục của Janet, như Rhythm Nation hay Scream, mang tính cách mạng hóa, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ kế cận như Britney Spears, Aaliyah và Beyoncé.
Bị cả thế giới quay lưng vì lộ nguyên vòng 1, nhan sắc hiện tại biến dạng gây sửng sốt
Vào ngày 1/2/2004, Janet Jackson vinh dự được biểu diễn tại Super Bowl Halftime Show ở Houston, Texas. Justin Timberlake, đang là gương mặt trẻ sáng giá ở thời điểm đó, có sân khấu kết hợp với Janet đêm đó. Set diễn đều diễn ra thuận lợi cho đến phần cuối tiết mục Rock Your Body. Justin đã vô tình lột một phần trang phục của Janet, phơi trần hoàn toàn bên ngực phải (dù phần nhạy cảm đã được che lại bằng miếng dán hình ngôi sao) của nữ danh ca trước hàng chục nghìn khán giả và hàng trăm triệu mắt xem qua màn hình TV. Sự cố kéo dài chưa đến một giây nhưng đã gây ra một làn sóng tranh cãi dữ dội, được gọi là “Nipplegate” hoặc “sự cố lộ ngực”.
Cả 2 cùng lên tiếng xin lỗi công khai nhưng Janet lại phải là người chịu trận nhiều nhất, trong khi Justin gần như không hề hấn gì. Các nhà phê bình chỉ ra rằng Janet - một phụ nữ da màu, chịu sự chỉ trích nặng nề hơn Justin - nam ca sĩ da trắng. Les Moonves, CEO của CBS, bị cáo buộc cố tình làm tổn hại sự nghiệp của Jackson bằng cách cấm phát nhạc của cô trên các đài thuộc Viacom, bao gồm MTV và VH1, đồng thời rút lời mời dự Grammy 2004 của cô. Ngược lại, Justin vẫn được biểu diễn tại Grammy năm đó, công chúng thì gần như quên sạch sự hiện diện của ảnh tại Super Bowl Halftime Show 2004.
Các album tiếp theo, 20 Y.O. (2006) và Discipline (2008), cũng không đạt được thành công như trước. 20 Y.O., kỷ niệm 20 năm album Control ra mắt, chỉ bán được 1,5 triệu bản và đứng thứ 2 trên Billboard 200. Discipline không khá khẩm hơn, chỉ bán được 1,2 triệu bản, thiếu hụt 1 bản hit lớn gây dựng lại tên tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng sự tẩy chay từ truyền thông sau Super Bowl 2004 đã làm giảm cơ hội quảng bá và phủ sóng, khiến các sản phẩm của Janet không thể cạnh tranh với các nghệ sĩ trẻ hơn như Beyoncé, Rihanna hay Alicia Keys.
Sự cố lộ vòng 1 ở Super Bowl năm nào đã thay đổi cách công chúng nhìn nhận Janet. Từ một biểu tượng trao quyền và sáng tạo, cô bị gắn mác “hám fame”, lợi dụng chiêu trò khoe thân để duy trì sức hút. Sự cố này làm lu mờ đi thông điệp trao quyền phụ nữ trong âm nhạc của cô, biến cô thành tâm điểm của những lời chế giễu và công kích trên báo chí và các trang mạng thời bấy giờ. Áp lực từ công chúng và truyền thông khiến Janet phải tránh xuất hiện công khai, tránh sự soi xét từ dư luận.
Đây là trường hợp điển hình về vấn nạn phân biệt giới tính và chủng tộc trong ngành giải trí. Đáng chú ý, Janet lại chính là người đi đầu trong công tác đẩy lùi thực trạng này, nâng cao nhận thức công chúng qua những di sản bà để lại, rồi cuối cùng lại là nạn nhân của những gì bà đã và đang đấu tranh.
Tham chiếu với Justin, chúng ta càng thấy rõ sự bất bình đẳng hiển hiện tại đây. Anh tiếp thăng tiến với album FutureSex/LoveSounds (2006), giành nhiều giải Grammy và được mời biểu diễn tại Super Bowl 2018. Những bản hit Cry Me A River, Sexy Back, Suit & Tie, Got Me A Feeling… đều gây tiếng vang lớn, góp phần giúp Justin trở thành “hoàng tử nhạc Pop”. Cho đến tận bây giờ, anh chàng chưa hề biện hộ cho Janet rằng tất cả chỉ là sự cố, thay vì là màn kịch “khều drama” giữa 2 người. Dân mạng thì mỉa mai anh là “hến vương”.
Bẵng đi 1 khoảng thời gian lâu, Janet bất ngờ gây sốc với ngoại hình biến dạng đến khó nhận ra. Khuôn mặt đơ cứng, gò má cao vô lý, Janet chính là nạn nhân của việc lạm dụng thẩm mỹ. Không ít người hâm mộ bày tỏ sự tiếc nuối tới 1 nữ danh ca từng xinh đẹp tự nhiên. Truyền thông gọi cô là “thảm họa dao kéo”, đánh mất cả sự nghiệp lẫn nhan sắc.
Dù vậy, những gì Janet để lại cho hậu thế là không thể bàn cãi. Bà là nghệ sĩ nữ da màu tiên phong phá vỡ rào cản chủng tộc, giới tính trong âm nhạc, mở đường và trao quyền cho không tài năng được công nhận. Di sản của Jackson mang tính đa chiều, bao gồm sự đổi mới âm nhạc, tác động văn hóa và hoạt động xã hội. Với sự nghiệp trải dài hơn 50 năm, tiếng nói của Janet vẫn truyền cảm hứng và định hình nền văn hóa đại chúng ngày nay. Bên cạnh anh trai Michael Jackson, Janet vẫn giữ vững vị thế là 1 trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất trong ngành công nghiệp giải trí.
Theo Bạch Khởi (Phụ Nữ Số)