Từ khi Tấn Beo còn rất nhỏ, gia đình đã xảy ra nhiều biến cố khiến anh phải nghỉ học từ rất sớm và gần nửa cuộc đời lưu lạc khắp nơi kiếm sống để nuôi gia đình.
Trong ngôi biệt thự màu trắng ở đường Tú Xương (quận 3, TPHCM), nơi đoàn làm phim sit com "Mạc Gia ký" đang tất bật cho các cảnh quay, danh hài Tấn Beo dành cho tôi chút thời gian nói chuyện ở một góc nhỏ ngoài ban công.
"Ba mẹ tôi làm công tại chính đoàn hát của mình"
Hồi trước năm 1975, ba anh là ông bầu đoàn hát Tân Thủ Đô nổi tiếng miền Nam. Năm 1977 tại sao ba mẹ anh lại trao đoàn cho Sở Văn hóa thông tin Hậu Giang quản lý mà không tiếp tục hoạt động?
Ba má tôi hiến tặng. Cơ chế nhà nước lúc đó là quy hoạch chung. Tất cả các đoàn tư nhân đều phải hợp tác với nhà nước. Nhà nước không tiếp quản đoàn của ba má tôi nhưng ba má tôi tự nguyện hiến tặng.
Lúc đó đoàn có cả trăm người. Nhà nước tuyển chọn những người nhà nước cần còn đâu cho nghỉ. Vì khi hiến đoàn cho nhà nước, nhà nước có quyền. Người khác xuống làm trưởng đoàn, không còn bầu nữa. Ba mẹ tôi làm công tại chính đoàn hát nhà mình.
Ba má tôi rất hiền, cứ cố gắng sống cho qua ngày vì con cái. Nhưng lúc đó tôi sốc. Tôi theo đoàn từ bé. Tôi tận mắt nhìn thấy ba má mình suy sụp nhưng chỉ có tôi biết điều đó thôi. Nghệ sĩ mà, dù có buồn thì để trong lòng, khi ra diễn vẫn vui cười.
Rồi thời gian sau đó như thế nào?
Người ta muốn tạo dựng một ê kíp trẻ, diễn viên trẻ nên những người lớn tuổi bị giảm biên chế. Ba má tôi cũng nhận thức được là mình cũng sẽ bị giảm như những người trước nên hai người xin rút lui, vì lúc đó ba má tôi cũng lớn tuổi rồi.
Một mình gánh cả gia đình
Cả nhà vốn dĩ đều trông chờ vào việc ba mẹ đi diễn để sinh sống. Lúc ba mẹ anh không có việc làm thì gia đình anh sống ra sao?
Lúc đó sống rất khổ, còn nhà bán nhà, còn xe bán xe. Lúc đó tôi khoảng 16, 17 tuổi. Rồi tôi xin ba mẹ cho đi tự lập. Tôi ý thức được rằng nếu không có tôi thì gia đình sẽ rất mệt vì tôi là con lớn.
Thời điểm đó không còn ai gánh ba má, buộc lòng tôi phải đi làm kiếm tiền, kiếm cơm, kiếm thuốc cho ba má lúc ốm đau. Có bao nhiêu, tôi gửi về hết.
Tôi có hai người em, một trai một gái, đứa nào cũng còn nhỏ hết. Hai đứa còn đi học. Tôi bỏ học từ năm lớp 7, lớp 8. Hoàn cảnh không cho phép. Muốn học nữa nhưng hoàn cảnh thế mình buộc phải nghỉ học.
Anh nói anh xin ba mẹ cho đi tự lập là đi đâu và làm gì?
Tôi xin về chính đoàn hát nhà mình. Tôi đi theo phụ khiêng đồ như công nhân chứ không được hát. Tôi làm công nhân lãnh lương chứ không phải đi diễn. Khi thiếu những vai quần chúng thì tôi chạy qua chạy lại như là cầm đao giết giặc vậy đó.
Trong suốt thời gian ở đoàn, tôi học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ các bác các cô các chú. Khoảng 5 năm sau, lần đầu tiên tôi được lên sân khấu thật sự. Tôi đóng vai Thượng sĩ văn, cảnh sát quốc gia, chuyên đi bắt sinh viên biểu tình.
Hồi đó tôi nhỏ con lắm nên phải vẽ râu cho đứng tuổi. Khán giả rất thích. Sau vai đó có đoàn khác mời, tôi trốn đi qua đoàn khác. Tôi làm nhiều đoàn lắm, mỗi đoàn vài năm và ở nhiều tỉnh. Suốt cả nửa cuộc đời tôi là ở các vùng ngoài, không ở Sài Gòn.
Khi mà gia đình gặp hoàn cảnh đó, anh cũng cơ cực như vậy, cả anh và bố mẹ có bao giờ muốn anh không theo nghề chưa?
Không. Tôi vẫn bám trụ.
Điều gì khiến anh làm như vậy?
Cái nghề của ba má tôi nằm trong tâm huyết tôi rồi. Ba má tôi nuôi anh em tôi bằng nghề diễn mà. Khi lớn lên tôi không muốn phụ công ơn ba má, quyết phải đi theo để ba má mãn nguyện, nối dõi tông đường.
Dù khổ cực thế nào thì tôi cũng phải đeo cho bằng được. Cơ hội tới đâu hay tới đó, tôi quyết theo chứ không bỏ. Không có cơm ăn cũng phải theo.
Mà thậm chí đúng như vậy. Nhiều lúc đói cũng không có cơm ăn. Nhiều khi thèm món này món kia chịu không nổi nhưng không dám ăn, phải để dành tiền gửi về lo cho ba má.
Tôi sống vậy cũng mười mấy năm. Mỗi năm ba má thêm 1 tuổi, càng già càng yếu, tôi càng cật lực hơn.
Bộ đồ mắc nhất của tôi là bạn mua cho
Anh lo cho ba má như vậy, đến khi lập gia đình thì sao? Không phải người phụ nữ nào cũng chấp nhận ở cùng bố mẹ chồng lại còn nặng gánh chăm lo như vậy?
Tôi không bỏ ba má tôi được, bất cứ giá nào. Khi lập gia đình cũng vậy. Nếu chấp nhận ở chung nhà với ba má tôi, lo cho ba má tôi thì lấy không thì thôi.
Vợ tôi chấp nhận, vì nếu không chấp nhận thì tôi không lấy. Nếu tôi bỏ ba má tôi được thì tôi đã đi Mỹ lâu rồi chứ.
Cơ hội đi nước ngoài của tôi rất lớn. Lúc tôi còn nhỏ đã có người muốn lãnh, bao bọc tôi qua Mỹ rồi nhưng tôi không đi. Họ nói tôi qua đó làm để lấy tiền gửi về cho ba má nhưng tôi cũng không đi. Lúc ba má tuổi già sức yếu thì làm thế nào...
Và khi lấy vợ thì vợ anh có chăm sóc ba mẹ anh được như anh muốn?
Vợ tôi ở nhà chăm sóc cho ba má, tôi đi làm. Tôi không muốn cô ấy đi làm. Tôi nói cô ấy ở nhà lo cho gia đình cho tròn nghĩa đi, xong đi rồi tính.
Nhưng vợ anh vẫn có thể vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình chứ?
Ai cũng tính thế nhưng lúc đó thì tôi nghĩ mình tôi cũng có thể lo cho gia đình rồi. Tôi gánh nổi.
Tất nhiên điều đó đồng nghĩa với việc gánh nặng kinh tế đè lên vai mình nhưng nếu vợ tôi cũng đi làm thì tôi lại phải mướn người khác chăm ba má cũng vậy. Người khác thì làm sao mình yên tâm bằng người nhà.
|
Tấn Beo trên sân khấu hài với Hoàng Sơn, Hữu Nghĩa.
|
Có vẻ như vợ anh cũng chịu hy sinh. Nhưng hai người đã bao giờ mâu thuẫn về chuyện này?
Vợ chồng tôi cũng chưa bao giờ mâu thuẫn về điều đó. Giờ tôi muốn bà ấy làm bà ấy cũng không làm nữa. Quen rồi. Giờ bung ra làm không biết làm gì.
Trước bà ấy làm cùng gia đình, đổi tiền đô thành tiền Việt rồi đem tới nhà cho người ta. Công việc đó là đổi tiền, bán thôi chứ không phải kinh doanh. Bản thân cô ấy cũng không có nghề chính thức.
Từ những điều anh vừa kể, anh có nghĩ mình gia trưởng không?
Không. Tôi sống rất giản dị bình thường. Tôi muốn sao cho gia đình sống vui vẻ với nhau. Tôi không bắt nạt, trịnh trọng cái gì.
Ra đường nhiều khi tôi còn không biết bộ đồ đó mặc hồi nào nữa mà. Tôi ra đường se sua thôi, miễn không làm điều gì bậy là được rồi.
Chắc cái tính này của tôi cũng ảnh hưởng từ những năm tháng khó khăn hồi nhỏ. Tôi đã trải qua bao nhiêu khó khăn như thế giờ có ăn có mặc đã là hạnh phúc quá rồi.
Lấy nhau từ lúc nghèo khó, bây giờ anh đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng. Vợ anh có bao giờ thấy mình thiệt thòi hơn so với vợ của những người nổi tiếng khác, đòi phải có cái này, cái kia khi chồng đã có tên tuổi, sự nghiệp?
Cũng vậy thôi. Vợ tôi chưa bao giờ kêu ca về điều đó. Lấy nhau từ lúc khổ đến bây giờ có hơn thì phải thấy đủ rồi. Lo được cho con đi học tới nơi tới chốn là đủ rồi. Không đòi hỏi gì hơn.
Đừng có nhìn bên ngoài rồi so sánh. Bà ấy hiểu tôi chứ ở núi này trông núi nọ là không được.
Ví dụ sống với tôi không được, tìm người khác hơn tôi thì sống. Nếu tìm người giàu thì ở ngoài có biết bao nhiêu người nhưng sống biết đối nhân xử thế, biết tình biết nghĩa, biết lo cho gia đình, kiếm được người đó hơn tôi thì tôi mới sợ.
Tôi bảo, em kiếm được người nào hơn anh cái đó anh mới sợ. Còn kiếm người giàu hơn anh, anh nói thật, anh không sợ thằng nào giàu hết.
Để kiếm được nghệ sĩ lúc nào cũng hướng về gia đình, bảo bọc gia đình còn mình thì đơn giản, xuề xòa... không lo cho nhu cầu cá nhân như anh chắc bây giờ không nhiều?
Không có đâu. Giờ người ta lo cho bản thân trước, từ đôi dép, đôi giày, cái áo, cái xe... hàng hiệu trước đi để ra đường ai cũng thấy mình xài hàng mắc tiền.
Làm nghệ thuật mấy chục năm, anh có đồ đắt tiền không? Có xài hàng hiệu không?
Tôi mang đôi dép có trăm ngàn. Bộ đồ mắc nhất của tôi là do bạn cho chứ tôi không đi mua. Đồ hiệu tôi còn không biết đồ gì mắc.
Bạn tặng thì tôi mặc cho bạn vui. Mặc vô những người khác nói cái này mắc lắm thì tôi mới biết là mắc chứ còn chính mình cũng không biết nó bao nhiêu.
Với tính cách của anh, chắc để rung động với một bóng hồng nào khác ngoài vợ hẳn là... khó lắm?
Đúng. Không có ai mà khiến tôi suy nghĩ để xa rời vợ được. Tôi không dòm xa dòm gần gì hết. Tôi là người đàn ông của gia đình.
Cám ơn anh đã chia sẻ và chúc anh luôn thành công!
>> Hồ Ngọc Hà khiến Tấn Beo sợ run rẩy vì quá... quyến rũ
Theo N.Hương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)