Tôi gặp danh hài Bảo Chung tại một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ giữa buổi chiều khá nóng của Sài Gòn.
Trước mỗi câu hỏi của tôi, anh đều nhấp một ngụm trà, rít một hơi thuốc lá rồi mới trả lời nhưng gọn ghẽ và vào thẳng vấn đề...
"Anh em hải ngoại về nước không phải vì bên đó không có chỗ diễn"
Vài năm trở lại đây, nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn ồ ạt. Là người trong cuộc, anh lý giải điều này như thế nào?
Anh em hải ngoại về nước không phải vì bên đó không có chỗ diễn. Ở Mỹ, người nào hot lắm thì mỗi tuần cũng chỉ diễn hai show cuối tuần, những ngày còn lại nằm chơi. Trong khi ở Việt Nam, anh em được làm hàng đêm.
Người ta nói "văn ôn võ luyện", khi mình không luyện thường xuyên thì đầu và nghề sẽ bị mòn, không sáng tạo được. Hầu hết những anh em nghệ sĩ ra nước ngoài đã quen cuộc sống rồi thường không muốn về Việt Nam nhưng đã về thì ai cũng thích làm nghề trong nước bởi công việc nhiều hơn.
Riêng cá nhân tôi, 8 năm trước qua Mỹ định cư. Suốt 4 năm liền không về nước. Qua năm thứ 5, tôi mới về Việt Nam quay Vân Sơn 49. Khi về, thấy mình được mời nhiều quá nên tôi quyết định đi lại giữa hai nước luôn.
Năm trước, tôi diễn ngoại quốc nhiều nhưng năm nay, tôi gần như chỉ làm trong nước. Một năm chỉ có 2 tuần diễn ở Mỹ.
Tôi chưa bao giờ nhận mình là danh hài hải ngoại như một số bầu show quảng cáo. Hoài Linh, Bảo Liêm, Vân Sơn, Chí Tài nổi lên từ hải ngoại sau đó về Việt Nam hoạt động thì mới là danh hài hải ngoại. Còn tôi sinh ra, lớn lên, làm nghề và được khán giả biết tên tuổi là từ Việt Nam, chẳng qua sau này tôi qua Mỹ định cự thôi.
Sau 8 năm trở về, anh thấy khán giả ngày xưa và bây giờ đón nhận mình như thế nào?
Đương nhiên là thay đổi nhiều. Bây giờ là đương thời của những cái tên như Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành... Khán giả vẫn đón nhận tôi nhưng với tư cách là một nghệ sĩ tên tuổi ngày xưa thôi.
Ngày xưa một đêm diễn 2.000, 3.000 khán giả. Cả thành phố hàng chục tụ điểm sáng đèn. Họ đến để thưởng thức nghệ thuật, để được gặp thần tượng mà mình yêu mến trên phim ảnh.
Còn bây giờ, tụ điểm không còn. Cả thành phố chỉ sân khấu Trống Đồng hoạt động mà đêm nào nhiều nhất cũng chỉ 1.000 khán giả trở lại. Họ gặp Bảo Chung vẫn yêu mến xin chụp hình, ôm ấp nhưng họ đến không phải để xem mình diễn như trước.
Thời đại công nghệ, internet phát triển quá mạnh, trên youtube, tivi cái gì cũng có. Họ chỉ cần ngồi nhà là đã xem được đầy đủ nên không có nhu cầu xem nghệ sĩ diễn trực tiếp như trước. Chỉ những khán giả yêu thích nghệ sĩ, yêu thích sân khấu lắm và có tiền mới đến sân khấu.
Chưa kể gameshow, livestream quá nhiều. Ngày xưa một tiểu phẩm tôi diễn từ 3 đến 5 năm khán giả vẫn thích xem nhưng bây giờ chỉ 3 tháng là nhàm.
Lý do rất dễ hiểu là mình diễn ở trên, dưới khán giả ngồi livestream. Diễn hài phải có yếu tố bất ngờ thì khán giả mới cười. Nay mình diễn điểm này, khán giả livestream chia sẻ trên facebook. Qua tới điểm sau, mình chưa nói, đám nhỏ ở dưới đã thuộc rồi thì làm sao cười.
Cách thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày nay buộc nghệ sĩ phải lao động và sáng tạo liên tục. Nhưng cũng chính điều đó dẫn tới tình huống "quá tải". Nghệ sĩ không đáp ứng kịp ý tưởng, tiểu phẩm nên đa số các tiểu phẩm được hình thành sơ sài, diễn cương, làm kiểu chộp giật...?
Bạn nói đúng. Cách thưởng thức của khán giả thay đổi thì buộc nghệ sĩ phải lao động không ngừng. Lười là chết.
Ngày xưa, diễn một tiểu phẩm mấy năm khán giả vẫn thích nên mình lười sáng tạo. Thậm chí có những tiểu phẩm tôi xin đổi mà bầu show và khán giả không chịu, bắt diễn đi diễn lại.
Nhưng bây giờ, một tiểu phẩm mà diễn 3 buổi là khán giả nói có đó mà làm đi làm lại hoài. Bây giờ là thời mì ăn liền. Xu hướng của khán giả là thích cười liền.
Hồi mới về nước, làm việc với các diễn viên trẻ tôi bị khớp. Thế hệ chúng tôi từ xưa đến giờ làm gì cũng phải có kịch bản. Đọc kịch bản, tôi biết vai mình như thế nào. Tôi không thể nói sơ sơ, ráp sơ sơ với nhau rồi nhảy lên sân khấu diễn cương được.
Không chỉ sân khấu mới có kiểu kịch bản vài trang rồi diễn viên tự xây đắp cho ra nhân vật của mình đâu, quay ti vi bây giờ cũng vậy. Kịch bản chỉ là khung sườn thôi.
Hồi mới về, mỗi ngày quay 5, 7 tiểu phẩm khiến tôi đau đầu lắm vì mình phải nghĩ liên tục. Họ đưa ra kịch bản mà không có gì để diễn, lại phải nghĩ sao cho có cái làm. Nhưng cũng chính vì thế mà diễn viên trẻ ngày nay khá đa năng, các bạn có tư duy về kịch bản rất tốt.
Tôi mất 3 tháng để làm quen với xu hướng mới này. Tôi phải vận dụng hết kinh nghiệm, chất xám ra để làm. Như tôi vừa nói với bạn, mấy năm ở Mỹ, ít hoạt động nên đầu mình bị "mòn". Tôi không suy nghĩ nhanh nhạy được nên phải làm quen lại.
Cũng may tôi tiếp thu lẹ nên mình chỉ chậm chứ chưa đến nỗi. Khi làm việc quen, hiểu ý nhau thì diễn trơn tru và ăn rơ.
Thời hoàng kim, một đêm cát xê mấy cây vàng
Bên cạnh đàn anh lẫy lừng như Bảo Quốc, Duy Phương thì Hồng Tơ, Bảo Chung là những cái tên đình đám một thời. Anh có thể giúp khán giả trẻ bây giờ hiểu hơn về thời hoàng kim trong sự nghiệp của mình?
Thời điểm đó tấu hài rất thịnh. Cả thành phố hàng chục sân khấu đêm nào cũng sáng đèn như sân khấu Trống Đồng, 126, Chăm Pa, Điểm hẹn Sài Gòn, Nhà hát Thành phố, Đầm Sen, Sở Thú, Mai Vàng, 135 Hai Bà Trưng, Lan Anh, rạp Hòa Bình...
Thế hệ đi trước có anh Bảo Quốc, Duy Phương. Tôi và Hồng Tơ nổi lên sau đó. Ngày thường chạy 3, 4 show. Cuối tuần 7-8 show, dịp lễ Tết thường gấp đôi.
Có những ngày biểu diễn ở Sở Thú Thảo Cầm Viên, tôi đi xe máy mà phải đậu cách 200m để chạy bộ vào vì quá đông và đường kẹt xe. Tài xế ngồi giữ xe, diễn xong tôi lao ra là chạy tiếp điểm khác cho kịp giờ.
Đương thời, nghệ sĩ nào cũng tiêu tiền như nước. Còn anh?
Người khác tôi không biết nhưng Bảo Chung không biết đến tiền. Tôi làm được bao nhiêu đưa vợ giữ hết. Tôi chỉ biết làm nghệ thuật thôi.
Ngày đó tôi làm một đêm cát xê mấy cây vàng nhưng tiền xài mỗi ngày chưa hết 100.000 đồng. Đi diễn, ăn uống có gia đình lo. Xăng xe có tài xế lo. 100.000 đồng là để dằn túi uống nước mà nhiều khi cũng không uống vì đi phim, cơm nước có đoàn phim lo.
Tôi đi làm vì ham việc, ham nghề chứ không phải ham tiền. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi cát xê thế này thế kia. Thời đó, tôi nổi tiếng ngang Hồng Tơ nhưng quay phim xong, họ trả tôi 200.000, trả Hồng Tơ 700.000, tôi cũng không nói.
Tôi không dám nhận mình dễ thương nhưng dễ chiều người ta. Thế nào cũng được. Tôi chưa bao giờ nói lương với bầu show. Nhờ mình làm rẻ lại dễ thương nên có show hoài. Người này mời, người kia mời, việc làm không có thời gian nghỉ.
Sau video quay với anh Bảo Quốc, Duy Phương, tôi được bầu show bên Mỹ chú ý. Họ gọi về đặt hàng và yêu cầu phải có Bảo Chung. Bầu show tự nâng giá lên 400.000 rồi 600.000, 800.000, 1 triệu lúc nào tôi cũng không để ý vì được mời quay là mừng lắm rồi.
Từ từ, cát xê của tôi lên 3 triệu, Hồng Tơ vẫn 700.000 đồng. Anh Bảo Quốc quay một tuồng 1.5 triệu nhưng Rạng Đông trả tôi 3 triệu, tương đương 6, 7 chỉ vàng.
Giờ anh còn giữ thói quen làm được nhiêu đưa vợ hết còn mình chỉ cầm 100.000 đồng nữa không?
Không. Giờ tôi tự quản lý tiền của mình. Thứ nhất là vì bây giờ show không còn được như xưa. Bây giờ một tháng mình chỉ làm nửa tháng thôi. Ví dụ, hôm nay nhận show này 20 triệu. Ngày mai mình nghỉ thì phải tính tiêu xài thế nào cho hợp lý.
Ngày xưa chưa có ngân hàng, nghệ sĩ nào cũng nhận tiền mặt. Diễn xong, bầu show bỏ bao thơ cát xê rồi về. Còn bây giờ có tài khoản ngân hàng, bầu show trả thẳng cát xê vô đó, không sợ ai giật nợ. Nhưng nhiều khi hát xong đi về, cảm giác buồn buồn như mình không có lương dù họ đã trả đầy đủ vào tài khoản của mình rồi.
Lúc đương thời, anh có bị bệnh ngôi sao không?
Lúc đương thời việc không hết thì làm gì có thời gian mà bệnh ngôi sao. Hồi đó, Việt Nam lần đầu tiên có video ca nhạc, cải lương nên ai cũng làm say mê. Càng tên tuổi lớn, càng làm cật lực.
Nhiều khi cầm bánh mì ăn, nuốt chưa tới họng đã phải quẳng bánh ra để chạy lên sân khấu diễn, nước cũng không kịp uống. Chạy xe honda ngoài đường, tài xế chở vừa đi vừa ăn. Ăn xong, mình ngồi trước chở cho tài xế ăn.
Diễn tiểu phẩm xong là 12 giờ khuya, chạy vô phòng thu, thu tới 2, 3 giờ sáng rồi lăn ra ngủ luôn, 6 giờ sáng lại dậy chạy ra đoàn phim.
Cứ như vậy. Có những ngày, chạy ngang qua nhà mấy lần mà không tạt được về nhà vài phút. Điểm diễn và nhà cách nhau một đoạn mà phải chạy đi ngay. Diễn lẹ điểm này rồi sang điểm kia. Diễn nhanh quá, bầu show cự không chịu.
Có những đêm chạy 5 show, từ tỉnh này qua tỉnh kia. Chạy nhanh tới nỗi mình nghĩ chỉ cần đụng cục đá là xe có thể lật bánh tai nạn. Mà hên, không có chuyện gì xảy ra.
Công việc hiện tại của anh vẫn là tấu hài nhưng anh có dự định diễn kịch dài không?
Tôi từng diễn ở sân khấu Hồng Vân nhưng cảm thấy tốn thời gian quá. Tôi lớn tuổi rồi, có thể chỉ diễn được 5, 10 năm nữa là phải nghỉ.
Tôi thích đi diễn tỉnh, gặp trực tiếp khán giả ở xa hơn. Ngày trước tôi đi diễn, còn bây giờ là vừa đi diễn vừa đi du lịch. Tôi tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương để tư duy viết kịch bản cho những dự án tiếp theo.
Hiện tại, tôi chủ yếu diễn tỉnh và sự kiện. Ngoài ra tôi đi phim, quay MV ca nhạc cho đàn em. Sắp tới, tôi sẽ làm sitcom hài trên kênh youtube của tôi. Tôi tự viết kịch bản, đạo diễn và đóng chính luôn. Dự án này gồm 50 tập, mỗi tập từ 5-7 phút. Tháng 11 tôi sẽ bấm máy.
Cảm ơn anh đã chia sẻ và chúc anh sức khỏe, đắt show!
Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)