Mới đây, tại phần 3 chương trình The Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã chia sẻ về những thành công đầu tiên của mình khi đặt chân đến thị trường hải ngoại.
Lúc đó, tình nghệ sĩ thật sự đáng quý, không như bây giờ
Năm 1975, sau khi sang hải ngoại, tôi tự thu cuốn băng Khi tôi về. Đó cũng là cuốn băng đầu tiên tại hải ngoại. Năm 1976, tôi thu tiếp cuốn thứ hai. Lúc thu cuốn này có thêm anh Sỹ Phú.
Cũng trong năm 1976, tôi được đón cái Tết đầu tiên tại hải ngoại. Lúc đó, tôi ở trong hội nghệ sĩ tại Los Angeles, do ông Hoàng Thi Thơ đứng đầu. Tết năm 1976, ông Hoàng Thi Thơ đứng ra tổ chức một đêm nhạc cho các anh chị em nghệ sĩ tại hải ngoại.
Khi ấy, nghệ sĩ chúng tôi đều không có xe để đi, cũng không có tiền trong người, nên được người bảo trợ đưa xe chở đến rạp. Rõ ràng là tới đại nhạc hội, nhưng anh chị em nghệ sĩ chúng tôi nhìn thấy nhau chỉ có khóc thôi.
Tuy khóc là vậy, nhưng tôi lại nghĩ đó là khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người, tôi không bao giờ quên được. Nước mắt chảy ra như thế nhưng rất đáng quý, vì còn khóc được là còn thương nhau. Cái khoảnh khắc người Việt xa xứ gặp lại nhau ở nơi đất khách quê người xúc động lắm.
Lúc đó, tình nghệ sĩ thật sự đáng quý, không như bây giờ. Chúng tôi không biết sau này thế nào, chỉ cần nhìn thấy nhau là quý rồi.
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ công của ông Hoàng Thi Thơ khi tổ chức được buổi gặp mặt đó. Đấy thực sự là một buổi gặp mặt đáng nhớ, đến ngàn đời cũng không quên được.
Tôi là người Việt Nam duy nhất có mặt tại đại nhạc hội tại Nhật và cũng là ca sĩ nữ duy nhất
Tôi cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên sang Pháp hát cho cộng đồng người Việt nghe. Tôi đi cùng cô Hoàng Oanh. Một ngày tôi hát 4 show liền, hát xong tắt tiếng luôn.
Tôi gọi điện về cho ông Đoan (chồng Khánh Ly sau này) mà ông ấy tưởng người đàn ông nào gọi. Sau đó, tôi tới Canada biểu diễn.
Năm 1979, người Nhật bỗng nhiên đi tìm tôi để mời tôi biểu diễn. Tôi chẳng hiểu họ tìm kiểu gì mà cũng tìm ra tôi rồi mời tôi sang Nhật để hát trong một buổi đại hội dân ca Á châu, gồm Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan…
Tôi là người Việt Nam duy nhất có mặt tại đại nhạc hội đó và cũng là ca sĩ nữ duy nhất. Tôi được đứng hát với những danh ca hàng đầu của Hàn Quốc, Thái Lan…
Người Nhật cho xe Limousine tới đón tôi rồi đưa lên phòng thu
Sau đó, tôi thu cho người Nhật một đĩa nhạc Trịnh Công Sơn bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt. Tiếp đó, tôi thu tiếp đĩa Diễm xưa và đĩa Ca dao mẹ, cũng cho người Nhật luôn. Hai đĩa này rất thành công.
Lúc thu các đĩa này, hãng đĩa và đài truyền hình Nhật còn cho người bay sang Mỹ để thu cho tôi. Chúng tôi thu ở phòng thu nổi tiếng nhất của Mỹ lúc bấy giờ, nhưng người Nhật không để người Mỹ bấm máy mà chính tay họ phải bấm. Họ còn ngồi nghe xem tôi hát có đúng không để sửa giọng cho tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là xe Limousine. Người Nhật cho xe Limousine tới đón tôi rồi đưa lên phòng thu, oai lắm.
Người Nhật mà hòa âm thì không thể chê được. Họ hòa âm nhạc Việt Nam hay tuyệt vời, đi vào lòng người. Tôi vô cùng khâm phục họ vì có thể viết được những bản hòa âm hay như thế cho nhạc Việt. Người Nhật thực sự đáng để chúng ta khâm phục, học hỏi.
Ông Trịnh Công Sơn hầu như không gửi sang cho tôi bài nào hết
Khi tôi ở hải ngoại, ông Trịnh Công Sơn hầu như không gửi sang cho tôi bài nào hết. Bài đầu tiên của ông Trịnh Công Sơn tôi nhận được khi sang hải ngoại là Em còn nhớ hay em đã quên. Nhưng bài này ông ấy không gửi cho tôi mà tôi nhận được từ một người Việt khác.
Sau đó, tôi tìm được một cuốn băng cát xét của ông Thanh Hải (bạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và nghe thấy vài bài mới của ông Trịnh Công Sơn trong cuốn đó, nên thu lại. Bản thân ông Trịnh Công Sơn không gửi cho tôi bài nào hết.
Nhiều người cứ nói bài Em còn nhớ hay em đã quên ông Trịnh Công Sơn viết cho tôi, nhưng không phải. Ông Sơn là kiểu người mà viết bài gì cũng sẽ viết cho mọi người.
Bài hát đó, ông Sơn viết ca khúc ấy cho tất cả mọi người xa nhà, xa quê chứ không riêng gì tôi. Nếu nhận ông Sơn viết bài đó cho riêng tôi là không nên.
Theo Tùng Ninh (Trí Thức Trẻ)