Sau khi có tin nhắn phản hồi của chồng, các chị em sẽ chụp lại màn hình và khoe với mọi người. Hiện dân mạng không ngừng chia sẻ màn đối đáp giữa hai vợ chồng.
Trong đó, phản ứng phái mạnh rất đa dạng - từ ngạc nhiên, vui vẻ cho đến hoài nghi, lo lắng, sợ vợ đang muốn "cảnh báo" điều gì đó.
Trò chơi nhận được phản ứng rất vui vẻ của mọi người, trong đó có cả nhiều sao Việt.
Ngược hẳn với trào lưu của chị em, Đan Lê lại không ủng hộ trò chơi này. Theo Đan Lê, việc phản ứng của các ông chồng hài hước như vậy là do chị em "quen với sự coi thường" mà họ yêu thương.
Đan Lê cho rằng việc nói yêu thương với người đàn ông của mình nên diễn ra hàng ngày chứ đừng chỉ vì một trò chơi mới nhắn tin cho chồng mình.
"Mấy ngày nay facebook rộ lên mốt nhắn tin cho chồng/ bạn trai "Em yêu anh" để thử phản ứng. Cá nhân mình thấy trò ấy chẳng có gì hài hước, vui vẻ hoặc hay ho gì cả.
Không hiểu sao việc chồng/ bạn trai thiếu trân trọng lời yêu thương của mình (kể cả là trò đùa) lại là thứ buồn cười và được đem ra nhả nhớt (mà người tham gia trò này nhiệt tình nhất lại là các chị em).
Tại sao vậy? Vì chúng ta quen với sự coi thường của người chúng ta yêu thương nhất ư? Hay vì chúng ta đã biết trước kết quả và đang tự trào chua xót?
Ah, vâng "Lời nói chót lưỡi đầu môi" và "Tình yêu thể hiện bằng hành động chứ không phải lời nói".
Nhưng dẫu có nhiều lý lẽ đến đâu mình vẫn tin, nếu được chọn, ai cũng muốn nghe những lời yêu thương chân thành.
Và đơn giản nhất, dễ dàng nhất là thể hiện tình yêu bằng lời chúng ta còn không làm được thì còn mong chờ gì những việc làm lớn lao hơn nữa?
Sở dĩ, khi nhắn "Em yêu anh" và chúng ta nhận được: "Nhầm à?", "Điên à?", "Say à?", "Đòi mua gì à?"...
Là bởi chúng ta đang THỬ, đang tự biến mình thành trò đùa và cho phép người đàn ông của mình đùa cợt, nghi ngờ sự thật hiển nhiên đó.
Hãy làm thật, nhắn thật hàng ngày, hàng tuần nếu cảm thấy yêu chồng/ bạn trai và muốn nói lên điều ấy.
Hãy khiến những lời yêu thương là thói quen cần được chia sẻ và thấu hiểu. Đừng giấu kỹ đến nỗi phải ngại ngùng hay nghi hoặc khi chúng ta nhận được.
Viết những dòng này không phải mình muốn dạy đời, lên lớp ai cả.
Bản thân mình không phải chưa gặp trường hợp như thế bao giờ. Nhưng mình không muốn, 1 hành động đẹp như nhắn lời yêu thương lại bị đem ra cười cợt.
Chúng ta đang vô tình biến 1 trò đùa thành nhận thức xã hội.
Giống như chuyện 1 người đàn ông vào bếp, làm việc nhà, chăm con giúp vợ hoặc đi nhậu và vợ gọi về sớm là bị bêu riếu núp váy vợ, đội vợ lên đầu... đến phát ngượng trong khi đáng ra những người làm ngược lại mới phải xấu hổ.
Theo Ngọc Vô Tâm (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)