Trong chương trình Chuyện xưa chưa kể vừa qua, ngoài việc tâm sự về cuộc đời, sự nghiệp của mình, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng lần đầu tiết lộ một số bí mật về Thanh Thảo, Mỹ Tâm, Hoài Lâm, Hồ Ngọc Hà...
Phải chứng kiến thăng trầm tới mức ghê tởm của ba mẹ
Tuổi thơ tôi có quá nhiều điều để nhớ. Tôi nhớ nhiều nhất khoảnh khắc ở cùng ba mẹ và em gái trong một ngôi nhà. Đó là điều hạnh phúc nhất. Thế rồi, biến cố xảy đến, khiến ba mẹ tôi phải bán nhà. Chúng tôi phải ở trong chuồng heo và gặp nhiều khó khăn.
Tôi phải chứng kiến thăng trầm tới mức ghê tởm của ba mẹ mình. Tôi còn không dám đối diện với bạn bè. Mỗi lần đi học về qua quán ốc của mẹ, tôi phải né, giả vờ như không quen biết.
Nhưng mẹ tôi cũng là người bật đèn xanh tối đa cho tôi đến với âm nhạc. Ngay cả ba tôi cũng mở nhạc rất nhiều, nào là Chế Linh, Khánh Ly, Thanh Tuyền.
Đó là những hạnh phúc trong thăng trầm mà tôi có được. Đến khi ở với ông bà ngoại, tôi bị cấm hát, cấm nhạc, nên khó khăn lắm. Tôi phải làm rất nhiều trò để đến được với âm nhạc như lấy khăn tắm làm khăn choàng, lấy nón của ba ra đội, rồi tìm ra giếng để hát.
Hồi nhỏ, tôi còn hát trong trường, xã, rồi lên quận. Mới lớp 6, tôi đã thành ngôi sao trong trường, ai cũng biết.
Đến giờ phút này, tôi cũng chẳng biết vì sao lại đi hát, vì hồi nhỏ được định hướng thành bác sĩ. Mẹ tôi đi coi bói cũng khẳng định tôi sẽ thành bác sĩ. Nhưng vì dòng đời xô đẩy với quá nhiều biến cố nên tôi không thể làm bác sĩ được.
Tôi hay xem nghệ sĩ chửi lộn, có lần còn thấy Thanh Thảo hẹn đánh nhau ngoài quán
Sau Tiếng hát Truyền hình, tôi bắt đầu đi hát ở các quán bar, club, tụ điểm âm nhạc. Họ trả tôi khoảng 40 ngàn ban ngày, 50 ngàn buổi tối, tranh nhau mà hát, vui lắm. Hồi đó, được trả khoảng 150 ngàn tới 200 ngàn như Khánh Du là cao lắm rồi.
Hồi ấy, tôi thường đi hát nhảy tàu, tức là xuống các du thuyền để hát cho thực khách. Nhiều khi may mắn gặp được mấy ông khách nước ngoài mà hát một bài ông ấy thích là được cho cả cục tiền. Thậm chí, họ còn lột luôn nhẫn ra cho luôn mình. Sau 11 giờ là hết show.
Ngày đó ca sĩ chúng tôi không có nhiều trò giải trí. Đi hát xong thường tập trung lại một quán cơm hay quán cà phê nào đó để tám chuyện, chuyện gì cũng kể, tới tận khuya, vui lắm.
Bữa cơm khi ấy chỉ khoảng 6 ngàn tới 7 ngàn đồng một suất thôi nhưng tụ tập đủ thứ, nào make up, nào bê đê hát lô tô… Họ vào ăn liền cởi luôn áo vú giả ra rồi chào hỏi thân mật. Đứa nào ăn trả tiền đứa đó, không có kiểu bao cả bọn hay mời nhau.
Hồi đó làm gì đã có ai thành ngôi sao đâu, nên có gì nói hết. Thậm chí, nếu bực nhau cũng có thể hẹn đánh nhau ngoài quán luôn. Tôi thì chưa đánh nhau nhưng cũng hay đứng nghe chửi lộn, có lần còn chứng kiến Thanh Thảo gọi điện hẹn đánh nhau ngay ngoài quán, vui lắm.
Ca sĩ bây giờ không có được điều này đâu. Vũ Hà là đứa ngồi lì nhất vì nó thích nghe chuyện nghệ sĩ. Trong bàn nhậu đó có nhiều nghệ sĩ lắm, như La Mạnh Cường, Lê Thảo, Quốc Đại, Vũ Hà, Lâm Quang Dũng, Huỳnh Lợi…
Ngày đó, chúng tôi không có antifan. Nghệ sĩ chúng tôi sống thoải mái, vô tư lắm, không chia bè chia phái. Mọi thứ đều rất sạch, rất đẹp.
Anh Hoài Linh thấy tôi đáng tin tưởng nên đỡ đầu và chơi thân với tôi
Tôi cứ đi hát như vậy cho đến khi gặp anh Hoài Linh. Anh Linh là người đỡ đầu tôi. Ngày đó, được đi cùng anh Linh là oách lắm.
Anh Linh khi ấy là nghệ sĩ biểu diễn tăng cường cho Trung tâm ca nhạc nhẹ của thành phố nên ai cũng xum xuê vây quanh. Nhưng anh Linh không thích kiểu đó nên không để ý. Rồi anh Linh nhìn thấy tôi, mới hỏi tôi là ai.
Sau đó, anh Linh mời tôi diễn chung, rồi có cơ hội tâm sự về gia đình các kiểu. Đứa em nào, anh Linh cũng cho quà, nước hoa... được tặng xong thì nhào tới.
Riêng tôi sau khi được anh Linh tặng một chai nước hoa thì chỉ cám ơn rồi lẳng lặng đi về. Điều này khiến anh Linh thấy lạ, mới xin số điện thọai để qua lại nhiều hơn.
Anh Linh thấy tính cách của tôi đáng để tin tưởng, nên đỡ đầu và chơi thân với tôi.
Anh Linh dạy tôi nhiều lắm nhưng để tôi tự bơi. Đôi khi cách xử lý của anh Linh hơi bị "hoa hậu thân thiện" nhưng tôi không làm như vậy, tôi muốn đón nhận mọi thứ theo cách của tôi. Và tất nhiên, anh Linh đồng ý cho tôi chơi theo kiểu của tôi.
Tôi là trường hợp đặc biệt nổi ngược từ Mỹ nổi về, chứ không phải từ Việt Nam nổi đi. Hồi đó, tôi hát mấy năm trời không nổi tiếng nên anh Hoài Linh làm giấy tờ để tôi đi hải ngoại định cư. Tôi phải chia tay một người mình rất yêu.
Tôi còn mong rằng sang hải ngoại sẽ có vinh quang để quay về bảo lãnh người đó. Tuy nhiên, mọi thứ trôi đi quá xa, không như tôi mong muốn.
Cuộc tình đó của tôi đã tan vỡ. Người đó cũng hiểu để tôi được nổi tiếng và chọn con đường tôi muốn. Tôi đã viết hai bài cho cuộc tình đó.
Có những lần, tôi đã về gặp lại người đó, ôm nhau, hôn nhau nhưng dần cũng khác đi. Bây giờ, tôi và người đó vẫn là bạn bè thân thiết.
Hoài Lâm bị ngã xuống sông mấy lần nên hơi có vấn đề
Dương Triệu Vũ là người em tôi rất yêu quý. Tôi thương nó từ nhỏ, như một đứa con. Đên giờ, nó vẫn lâu lâu gửi hình nhõng nhẽo, đòi đi chơi, xin tiền…
Dương Triệu Vũ cũng là đứa học trò đầu tiên của tôi. Tôi đã dạy nó hát, rồi dạy cả các mánh khóe nghề nghiệp, chỉ cho nó những cái ma quỷ nhất của nghề nghiêp này. Mọi biến cố, cách đối phó, tôi đều kể cho nó.
Bây giờ, Vũ có người yêu của nó và với ai nó cũng gửi hình cho tôi xem hết. Nghề này lạ lắm. Ai có hào quang Tổ nghiệp trao cho thì dù có ở trong xó xỉnh, rừng sâu cũng bị lôi ra thôi. Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp như vậy, chẳng hạn như Siu Black.
Bởi vậy, tôi thấy ai có khả năng showbiz thì tôi đưa lên còn việc họ có tỏa sáng được hay không là do họ.
Hoài Lâm là một trường hợp đặc biệt. Nó đúng nghĩa là đứa con của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi kể về những chuyện này.
Tôi nhận nó về từ năm 12, 14 tuổi, cho ăn cho ở, mua xe cho chơi, dẫn đi học hành. Hồi nhỏ, Hoài Lâm bị ngã xuống sông mấy lần nên hơi có vấn đề chút xíu. Tôi còn không dám đem nó ra ngoài học bổ túc văn hóa vì sợ nó xấu hổ, tội nghiệp.
Thế nên, tôi thuê hẳn giáo viên riêng về nhà dạy theo giờ. Trong lúc dẫn nó đi hát, tôi chỉ cho nó từng chút một.
Hoài Lâm là đứa rất có tài, lại được anh Hoài Linh gửi gắm nên tôi thương nó lắm, dạy dỗ các kiểu. Nhưng nó có đi theo showbiz được hay không là do duyên phận của nó thôi, tôi không ép được.
Tôi muốn có 10% của Mỹ Linh, 30% của Whitney
Ca sĩ Việt Nam ai cũng muốn vươn khỏi đất nước mình để ra thế giới. Nếu bây giờ tôi 30 tuổi, tôi sẽ làm được điều đó. Nhưng tôi nghĩ rồi, cứ phục vụ khán giả trong nước là đủ rồi.
Tới giờ phút này, để chọn một ca sĩ Việt Nam đủ sức vươn ra châu Á thì còn xa lắm, mơ đi. Người có khả năng vươn xa ra châu Á hiện nay là Sơn Tùng nhưng vẫn bị chửi bới, antifan điên cuồng.
Bởi vậy, tôi rất tỉnh táo lựa chọn tầng lớp khán giả để hướng tới. Đến giờ, tôi vẫn chưa hài lòng về giọng hát của mình. Tôi muốn có 10% của Mỹ Linh, 30% của Whitney, 20% của Vitas và 20% Mariah Carey. Tôi tin lúc đó mình sẽ hát được mọi thứ. Họ là những tượng đài lớn trong tôi.
Tôi muốn giữ được đỉnh cao mình đang có thêm 10 năm nữa, chứ chẳng muốn cạnh tranh với ai. Giờ mà cạnh tranh với Sơn Tùng, Noo… thì chẳng hay ho gì.
20 năm trước, tôi trẻ trung, mơn mởn và hát bộc phát, điên loạn hơn bây giờ. Bản năng trong tôi khủng khiếp lắm. Bây giờ bình tĩnh hơn, dễ bỏ qua, dễ tha thứ. Cái điên vẫn còn nhưng hạn chế hơn, không quá tăng động như xưa.
Cách hát của tôi chín hơn, không phiêu bừa bãi như trước nhưng đời hơn. Tôi cũng ngày một hiểu chuyện hơn. Tôi vẫn còn bản chất nghệ sĩ trong mình, luôn yêu thương những nghệ sĩ nghèo.
Tôi tự thấy mình là người thú vị. Mọi người có thể không thích nhưng không thể khinh thường tôi được.
Theo Long Phạm (Soha/Thời Đại)