Trong lịch sử Hoa hậu Việt Nam, Diệu Hoa là người đẹp nổi bật với vốn ngoại ngữ rất tốt. Diệu Hoa, sinh năm 1969 tại Hà Nội, đăng quang cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc báo Tiền Phong lần thứ 2 năm 1990 (tiền thân của Hoa hậu Việt Nam hiện nay).
Khi đăng quang, Diệu Hoa đang là sinh viên năm thứ 4 khoa tiếng Nga của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Chị đã có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Thái Lan. Hoa hậu Diệu Hoa thông thạo 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Ấn và Thái.
Năm 2006, cô được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam với tư cách "Hoa hậu thông thạo nhiều thứ tiếng nhất".
Nói về chuyện Hoa hậu Diệu Hoa giành vương miện, nhà thơ Dương Kỳ Anh từng tiết lộ trên Công an Nhân dân: "Tôi còn nhớ trước đêm chung kết, ban giám khảo họp bàn suốt ngày mà không thể nhất trí chọn ai là Hoa hậu. Các giám khảo phía Nam muốn chọn Vân Anh, còn các giám khảo phía Bắc muốn chọn Diệu Hoa.
Tôi là Trưởng Ban tổ chức, kiêm Trưởng Ban giám khảo phải đưa ra quyết định: đêm chung kết nếu một trong hai người đẹp là Vân Anh và Diệu Hoa ai trả lời ứng xử hay hơn, người đó sẽ là Hoa hậu. Câu trả lời của Diệu Hoa làm các thành viên Ban giám khảo hài lòng, được dư luận cho là thông minh và chính nhờ câu trả lời thông minh trong phần thi ứng xử mà các thành viên trong Ban giám khảo đã nhất trí chọn Nguyễn Diệu Hoa làm Hoa hậu".
Về gia thế của Hoa hậu Diệu Hoa, nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ: "Trước đây, tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Vỹ - bố đẻ của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa - khi ông còn làm ở Ban Quốc tế Trung ương Đoàn (về sau ông làm Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tham tán Đại sứ Việt Nam tại Pháp).
Gần đây tôi mới được biết mẹ của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa bà Đặng Nguyệt Bích, cháu ngoại của học giả Phạm Quỳnh, trưởng nữ của giáo sư - bác sỹ Đặng Vũ Hỷ - Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên và tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Long Biên, Hà Nội. Em trai của bà Đặng Nguyệt Bích là Giáo sư Viện sỹ Đặng Vũ Minh nổi tiếng, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; em gái bà là Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Kim Chi, được giải thưởng Côvalépxcaia năm 2008".
Ông nhắc đến gia thế của Hoa hậu là vì "muốn nói đến một truyền thống mà ta gọi là gia đình gia giáo, là muốn nói đến việc giáo dục truyền thống gia đình cho con cháu và giáo dục từ trong gia đình là rất quan trọng mà có một thời chúng ta đã coi nhẹ. Là để hiểu hơn vì sao Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa không những thành danh trong sự nghiệp mà còn thành công trong việc giáo dục các con, tạo dựng cho mình một gia đình hạnh phúc".
Nói về người chồng ngoại quốc của mình, Hoa hậu Diệu Hoa chia sẻ: "Thực ra, thời điểm đó, người Việt lấy người nước ngoài rất hiếm. Chồng tôi lại đến từ một đất nước xa xôi là Ấn Độ. Nhưng đúng là tình yêu không ai có thể nói trước được điều gì. Khi đến đăng ký kết hôn ở Sở Tư pháp Hà Nội, các anh chị ở đó rất thích thú.
Nghe các anh chị kể, tôi mới biết cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi là cuộc hôn nhân Việt - Ấn đầu tiên. Tôi còn nhớ, ngày tôi đến nhận giấy đăng ký kết hôn, các anh chị đã tổ chức một lễ kết hôn ngay tại văn phòng ở Sở Tư pháp Hà Nội. Tôi đã vô cùng xúc động vì nhận được rất nhiều sự chúc phúc. Đó là một kỷ niệm mà vợ chồng tôi mãi mãi ghi nhớ".
Sau khi kết hôn, chồng của Hoa hậu Diệu Hoa đã tự nguyện chuyển về Việt Nam sống. Từ bấy đến nay, người bạn đời của Hoa hậu sinh năm 1969 vẫn luôn xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.
Hiện tại chị sống hạnh phúc bình yên bên chồng và các con. Chị cũng có sự nghiệp riêng sau 30 năm đăng quang.
Theo Đỗ Quyên (Giadinh.net.vn)