Trong dàn diễn viên tham gia phim, người được chú ý nhất không ai khác chính là NSND Hoàng Dũng trong vai ông trùm Phan Quân. Đây là vai diễn đánh dấu sự trở lại của ông sau nhiều năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội.
Nam diễn viên gạo cội có những chia sẻ về vai “ông trùm” cũng như cuộc sống của ông sau khi về hưu.
Nhân vật Phan Quân do NSND Hoàng Dũng thể hiện. |
Bị cấp cứu vì đóng Người phán xử
- Nhiều người vẫn tò mò lí do NSND Hoàng Dũng nhận lời tham gia một bộ phim hình sự, tội phạm như Người phán xử. Trước đó, ông từ chối khá nhiều kịch bản để tập trung vào công việc quản lí tại Nhà hát Kịch Hà Nội?
Có thể nói đây là một cái duyên khi tôi nhận lời đóng Người phán xử. Trước đây, tôi công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội với vị trí Giám đốc nên khá bận rộn, không sắp xếp được thời gian để đóng phim, nhất là trong thời gian dài và ở xa.
Tuy nhiên, với bộ phim Người phán xử, thì tôi may mắn sắp xếp được thời gian tham gia. Nhìn chung, đây là một bộ phim hay và tôi rất tâm đắc.
- Vai ông trùm Phan Quân mang lại cho ông những trải nghiệm như thế nào?
Phan Quân là một vai thú vị, tôi phải đóng nhiều với những loại vũ khí, súng ống. Cũng có cái hay là những loại vũ khí tôi dùng trong phim nhìn thì giống đồ thật nhưng lại không phải là vũ khí chuyên dụng của bên an ninh, quân sự…
Chẳng hạn, súng thì cũng bắn bằng đạn nhựa như súng trẻ con. Nói thật là tôi cũng đã đóng nhiều phim rồi nhưng đây là đoàn làm phim có đội ngũ làm hiệu ứng khói lửa tương đối cẩn thận.
Trong phim có cảnh tôi gài hai quả nổ, hai băng đạn ở trong người, xong khi bị bắn thì quả nổ nổ ra, thủng áo, chảy máu… nhưng cũng không vấn đề gì. Mọi thứ đều được sắp xếp tương đối an toàn cho diễn viên. Các diễn viên được chăm sóc rất cẩn cẩn thận.
Cảnh NSND Hoàng Dũng bị bắt ở cuối phim Người phán xử. |
- Có thông tin ông bị cấp cứu dạ dày khi đóng bộ phim này?
À cái này là chính xác nhưng thực ra, tôi cũng không biết mình bị chảy máu dạ dày đâu. Đợt đó trùng vào dịp 20.11 nên lớp của Hồng Đăng có tổ chức để chúc mừng tôi. Hôm đến đó xong thấy trong người mệt. Hôm sau đến bệnh viện khám thì bác sỹ bảo mình bị thiếu máu. Truyền 3 bịch máu xong tưởng sẽ lành nhưng bác sỹ vẫn bắt phải truyền tiếp. Truyền thêm 3 bịch nữa thì máu trong cơ thể mới lên được “một chấm tám” mà người khỏe thì phải “mười hai chấm”.
Bác sỹ bảo: “Anh không cảm thấy mệt mỏi gì à?”, tôi bảo: “Nếu mệt thì tôi đã đi khám”. Nhưng đúng là khi quay Người phán xử, tôi bị mệt khi phải đóng cảnh cuối cùng, lúc bị công an bắt.
Công an mang những xe chuyên dụng để chở tù nhân, trông bên ngoài rất bình thường nhưng phải mở mấy lớp cửa mới vào được.
Những loại xe đó không lúc nào họ cũng sẵn sàng cho mình mượn để quay bởi đó không phải là đồ chơi. Trên xe quân trang quân dụng súng thật,… đó là những thứ cực kỳ khó khăn để nhờ họ giúp. Tôi hiểu được khó khăn đó nên phải cố gắng để quay cho xong cảnh cuối. Mọi người bảo tôi liều nhưng tôi cũng phải vì việc chung nữa chứ.
- Bây giờ sức khỏe của ông thế nào rồi?
Bây giờ sức khỏe của tôi có thể coi là tạm ổn rồi đấy (cười lớn).
- Những tập đầu của Người phán xử có hiệu ứng rất tốt, cảm xúc của ông thế nào?
Người phán xử là bộ phim mà mang đến cho tôi cái cảm giác tâm đắc, vui vẻ khi xem lại. Từ lâu lắm rồi tôi mới thấy điều này. Mấy ngày gần đây, tôi khá ngại đi ra ngoài vì rất hay bị khán giả vây quanh xin chụp ảnh, nói chuyện và hỏi han về nhân vật. Tôi vì điều đó chứ vì bộ phim và vai diễn của mình được đón nhận. Nhưng cũng không muốn diễn quá nhiều trong đời thực (cười lớn).
- Bây giờ, ông nghỉ hưu, có nhiều thời gian nên sẽ trở lại nhiều hơn với phim truyền hình chứ?
Năm vừa rồi, tôi từ chối nhiều phim. Nhiều người nghĩ tôi bận, cũng có nhiều người nghĩ tôi kén chọn. Thật ra, tôi không thể tham gia được vì thời gian ghi hình phim quá dài, toàn phim nhiều tập mà. Vai ngắn thì không mời vì ngại, còn vai dài thì mình không tham gia được.
Bây giờ về hưu rồi thì tôi có nhiều thời gian hơn nên sẽ trở lại với nhiều phim, tất nhiên là không xô bồ vì xuất hiện nhiều quá cũng không phải là cách hay. Về hưu, tôi bù đắp cho gia đình nhiều hơn.
NSND Hoàng Dũng từng bị cấp cứu dạ dày khi đóng "Người phán xử". |
Bù đắp nhiều cho gia đình sau khi về hưu
- Sau khi nghỉ hưu, cuộc sống và công việc của ông có thay đổi gì không?
Tôi công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã 30 năm, trong suốt sự nghiệp chỉ có một chỗ đó thôi. Tôi xem Nhà hát Kịch Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình nên xa nó thì chẳng ai vui được hết.
Nghỉ hưu nhưng công việc của tôi không giảm đi. Tôi vẫn đi đóng phim, vẫn giảng dạy và thực hiện các dự án khác. Có chăng là bớt đi được phần ký kết, ra quyết định và làm các loại giấy tờ. Cảm thấy có phần nào đó thảnh thơi, đỡ áp lực hơn.
Với lại, thực tế là trước đây tôi đã chứng kiến một số anh chị về hưu nên cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn cho mình. Tôi thấy đấy là quy luật bình thường nên phải chấp nhận nó một cách thoải mái.
- Có thông tin rằng ông là người ham việc đến nỗi nhiều khi quên cả chăm sóc gia đình, thực hư thế nào?
Đúng là nhà tôi chỉ có buổi tối mới tụ tập với nhau được thôi, ban ngày các con đi học, vợ tôi có cửa hàng sửa chữa xe máy ở Phủ Doãn nên ở đấy cả ngày. Hôm nào, tôi về muộn thì ăn bữa cơm muộn hơn một chút. Và vì thời gian đi làm, gia đình bên cạnh nhau ít hơn nên khi về hưu tôi bù đắp cho gia đình nhiều hơn.
NSND Hoàng Dũng vừa về hưu sau nhiều năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. |
- Ở tuổi này, cuộc sống vợ chồng ông có điều gì đáng chú ý không?
Ở tuổi này, cảm giác vợ chồng tôi vẫn rất gần gũi, không xa cách. Lắm hôm vợ chồng tôi nói chuyện đến 2 - 3h sáng mới đi ngủ. Cứ ngồi nói hết chuyện nọ, chuyện kia. Thỉnh thoảng tôi về muộn hoặc ngủ muộn, vợ lại bật dậy nói chuyện rôm rả cả đêm.
Với lại cửa hàng của vợ cũng gần cơ quan nên mỗi khi rảnh rỗi mình lại qua cửa hàng cô ấy. Tôi nghĩ, khi còn trẻ yêu nhau, suốt ngày kè kè còn lắm chuyện hơn chứ đừng nói vợ chồng sống với nhau nhiều năm rồi. Mình không quan niệm tình cảm là phải sát sàn sạt.
- Ông có định hướng cho các con theo nghề của mình không?
Con trai lớn của tôi đang chuẩn bị thi vào Sân khấu điện ảnh đấy. Hồi bé, cu cậu nhiều lần đóng tiểu phẩm rồi và càng lớn càng thấu hiểu về nghề hơn.
- Ông lo lắng, chăm sóc con cái như thế nào, có vướng cảnh "cha già chăm con mọn" không?
Bọn trẻ bây ít thời gian dành cho con nên khi con có những đòi hỏi nho nhỏ thì đáp ứng cho con, coi như một sự bù đắp. Quan trọng là tất cả mọi chuyện đều phải có sự định hướng và sự kiểm soát. Trong gia đình, tôi cũng dành không ít thời gian cho con cái đâu, đôi khi còn bị mang tiếng là chiều con quá.
- Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Theo B.Anh (Dân Việt)