Suốt một thời gian dài, Vũ Thu Phương gần như né tránh báo chí. "Hồi xưa, tôi có quá nhiều thứ phải gánh gồng, phải xây dựng, tôi không thể gồng lên ở bên ngoài nữa.
Mà số tôi như thể số thị phi, cái gì cũng có thể trở thành đề tài cho người ta bàn tán. Có rất nhiều thứ từ trên trời rơi xuống, đó cũng là một phần lý do tôi quyết định dừng lại để chuyên tâm cho công việc kinh doanh", cô nói.
Nhưng bây giờ, khi đã tạo dựng được một Vũ Thu Phương trong cương vị nhà thiết kế thời trang, giám đốc sáng tạo một công ty đồ hiệu của riêng mình chứ không chỉ là một cô diễn viên, siêu mẫu - Vũ Thu Phương đã có thể thoải mái chia sẻ mọi thứ về mình, cả những thăng trầm, biến cố, buồn vui, hạnh phúc đã qua.
Biến cố khủng khiếp năm học lớp 9
Sinh ra ở Nam Định, rồi suốt những năm tháng tuổi thơ của Vũ Thu Phương cũng gắn với miền quê Nam Định. Tại sao đùng một cái, cả nhà lại chuyển vào Nam?
Khoảng năm 1995, gia đình tôi gặp biến cố lớn về tài chính. Bố mẹ tôi là những người rất hiền lành, bị người ta lừa mất hết tiền bạc. Bố vào Vũng Tàu làm ăn rồi lên Sài Gòn. Tới năm 1999, bố đón mấy mẹ con vào. Tôi vào trước, năm sau mẹ và anh trai vào sau vì lúc đó, anh còn đang học đại học ở Hà Nội.
Phương và gia đình đã sống cuộc sống mới ở Sài Gòn như thế nào, khó khăn nhiều không?
Gia đình tôi thuê một căn nhà trọ để ở nhưng không đủ giường, phải ngủ cả trên ghế. Mẹ tôi mở một quán ăn nhỏ, cứ học xong tôi lại tranh thủ chạy về rửa bát, phụ mẹ nấu nướng. Cuộc sống khó khăn vô cùng. Đó thực sự là quãng thời gian kinh khủng khiếp với một con bé đang học lớp 8 chuẩn bị lên lớp 9 như tôi.
Ở ngoài Bắc tôi học chuyên tiếng Nga. Vào trong Sài Gòn các bạn lại chuyên tiếng Anh nên tôi giống như kẻ lạc loài. Tôi học giỏi nên cô giáo cho làm lớp trưởng.
Ở trường, tôi bị tổn thương rất nhiều. Về nhà, thì bố mẹ không hạnh phúc. Thời điểm đó, gia đình tôi gặp rất nhiều biến cố, cả tiền bạc lẫn tình cảm.
Khi bố vào Nam làm, bố có người phụ nữ khác. Mẹ tôi rất buồn. Bà là người tảo tần lam lũ. Ngày nào cũng làm 20 tiếng đồng hồ, từ 3, 4 giờ sáng tới 12 giờ khuya trong suốt một thời gian dài.
Mẹ có tiền sử bệnh tim, khớp, lại thêm chuyện của bố, rồi làm việc quá vất vả, suy nghĩ nhiều nên ảnh hưởng dây thần kinh dẫn tới bán thân bất toại. Mẹ bị liệt nửa năm, đó cũng là thời điểm tôi học lớp 9, chuẩn bị thi tốt nghiệp lên cấp 3.
Hôn nhân không hạnh phúc, tiền bạc cũng không có, mẹ lại bị liệt nửa người nên hay nghĩ quẩn. Thậm chí nhiều lần tôi tìm thấy mẹ ở bờ sông, may mà tôi ra kịp không thì mẹ nhảy xuống tự tử rồi.
Nhưng mẹ tôi cực kỳ nghị lực. Mẹ tập và đứng lên, đi lại được. Khi mẹ con tôi vượt qua được giai đoạn khủng khiếp ấy thì không gì có thể quật ngã được nữa. Đó cũng là lý do mà lúc nào tôi cũng phải nỗ lực vươn lên.
Sau này khi có điều kiện, tôi mở một nhà hàng cho mẹ quản lý, đó là món quà tôi tặng mẹ. Tôi cũng đưa được rất nhiều họ hàng nhà ngoại vào làm nên mẹ vui và tự hào về tôi lắm!
Đằng sau sự vĩ đại là nỗi đau tột cùng của mẹ
Lúc đó, bố của Vũ Thu Phương ở đâu khi cả vợ con đang cần ông?
Bố vẫn ở đó nhưng hơi lạnh lùng và thiếu trách nhiệm với mẹ và anh em tôi. Bố tôi không phải là người sáng suốt trong chuyện tình cảm cá nhân nhưng riêng với con cái, cụ thể là tôi, bố có những suy nghĩ, tư tưởng và gien hình thành nên tôi của ngày hôm nay.
Tôi vô cùng trân trọng điều đó. Rất nhiều giá trị đạo đức sống của tôi ngày hôm nay vẫn dựa trên ảnh hưởng của bố rất nhiều... còn với mẹ là một câu chuyện khác.
Hồi đó, tôi giận bố rất nhiều nhưng khi đủ lớn, có tình cảm cá nhân, tôi hiểu được rằng, có những thứ, bố không vượt qua được. Tính cách cũng quyết định hành động của bố nên tôi không còn giận nữa. Tôi hỉ xả hết. Và trên hết, dù chuyện gì xảy ra thì ông vẫn là cha của tôi.
Tôi chọn cách tha thứ để bước tiếp và mẹ tôi cũng vậy. Giờ bố mẹ tôi rất tôn trọng nhau.
Dù vậy thì cuộc hôn nhân ấy, hạnh phúc ấy cũng không còn trọn vẹn?
Mẹ tôi rất vĩ đại. Khi bố có đứa con riêng đầu tiên, mẹ tính đón nó về nuôi để cô ấy đi lấy chồng vì cô ấy còn quá trẻ.
Nhưng khi bố có tới đứa con thứ hai thì tôi thấy mình cần phải trả người bố của mình cho hai em và yêu cầu bố phải buông tha cho mẹ.
Tôi là người yêu cầu và ép mẹ ký vào đơn ly hôn với bố. Khi xé được tờ hôn thú, cả bố và mẹ tôi đều vui vẻ, tôn trọng nhau. Sau khi ly hôn, mẹ tôi vẫn ở vậy. Mẹ tôi rất thương hai đứa con riêng của bố.
Câu nói của Vũ Thu Phương làm tim tôi thắt lại "trả lại người bố cho hai đứa em", vậy ai trả lại bố cho Phương?
Từ nhỏ tôi đã không được gần bố mẹ nhiều. Học lớp 6, tôi đã phải sống một mình. Bố vào Nam, mẹ và anh trai sống ở Hà Nội. Một mình tôi ở trong ngôi nhà 3 tầng suốt một năm rưỡi.
Khi bố mẹ bán nhà, tôi ở nhờ nhà bác nửa năm rồi ở nhờ nhà bạn nửa năm sau đó mới vào Sài Gòn. Chính vì vậy, tôi hiểu cảm giác thiếu cha thiếu mẹ là như thế nào. Tôi không muốn hai đứa em mình bị cảm giác đó. Còn tôi, dù sao cũng đã lớn rồi, đã trải qua hết rồi.
Bố đã sinh các em ra thì phải có trách nhiệm với các em ấy. Gia đình tôi còn tờ giấy hôn thú thì nó cũng không trọn vẹn nữa. Nhưng nếu xé tờ giấy hôn thú đó thì các em tôi sẽ có cơ hội có được một gia đình thực sự.
Lúc đầu bố cũng giận tôi lắm nhưng sau đó thì chính ông cũng phải công nhận là sự chia tay đó tốt hơn cho tất cả mọi người. Giờ bố mẹ tôi rất quý và tôn trọng nhau, không còn dày vò nhau như trước. Giờ tôi chỉ mong mẹ có được tình yêu mới nhưng mẹ vẫn chưa đón nhận ai...
Bi kịch gia đình của Vũ Thu Phương cũng chính là một phần lý do sau này, cô yêu và cưới một người đàn ông đã từng gẫy đổ trong hôn nhân gia đình, lại một mình nuôi hai con nhỏ - anh là doanh nhân Trần Thanh Hải. Vũ Thu Phương tin rằng, đây là người đàn ông sẽ khiến mình hạnh phúc. Cô cũng tự tin sẽ là người mẹ tốt cho hai đứa con của chồng.
Nhưng chẳng có hạnh phúc nào mà không lớn lên từ chông gai, chẳng có thành công nào mà không đi qua gian khó...
(còn tiếp...)
Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)