Giàu hay nghèo, sang hay hèn, cao hay thấp... Có rất lắm phân cấp trong cuộc đời này, nhưng chung quy thì người vẫn là người.
Cái vui của người nghèo và người giàu chắc chắn rất khác nhau. Vậy, cái đau của kẻ ít của và người lắm của có giống nhau không? Ắt là có. Ai ai chẳng đau răng, chẳng nhức đầu, chẳng quặn thắt dạ dày mỗi khi lo lắng bồn chồn hay khan tiếng ê họng lắm lúc trái gió trở trời. Mỗi tội biểu hiện có khác biệt đôi chút.
Ví dụ như, kẻ mang đôi tay nhẵn nhụi sẽ chỉ biết rên đau rên khổ, họa hoằn lắm là sử dụng ngôn từ để khắc họa nỗi đau bản thân. Người xỏ được một chiếc hột xoàn tầm vài carat lại không như thế. Kể cả khi những đường nét trên khuôn mặt đã nhăn lại vì đau đớn, đôi mắt rơm rớm hoen lệ và bờ môi bấu lấy nhau dằn tiếng than - thì trên ngón tay nõn nà của họ vẫn tỏa sáng một chiếc nhẫn kim cương mà ai nấy nhìn qua cũng ước chừng ngay, chòm chèm vài trăm triệu đến cả tỷ bạc là ít!
Phải chịu đựng một nỗi đau như thế, có ai mà không xót xa cho Lệ Quyên? Nỗi đau này ngự trị dai dẳng đến mức nó hiện hữu gần như mọi hình ảnh chân dung của cô từ trước đến nay. Lúc là đau răng, lúc thì đau đầu, khi lại chuyển xuống đau họng hay đau tay, đau vai. Cơn đau nối tiếp cơn đau, cơn nào cũng nặng chình chịch.
Cuối cùng, thôi thì rộm nghĩ, giá như các đại văn hào Việt Nam như Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Công Hoan mà chưa tạ thế thì ắt cơn đau thường nhật của Lệ Quyên sẽ là chất liệu sáng tác tuyệt vời phải biết? Có khi còn oách hơn cả bản hit "Nỗi đau ngự trị" đã mang lại vẻ vang giàu có cho nữ danh ca ấy chứ!
Theo BOREDOM (Helino)