Cách đây tầm 10 năm, lúc Victor Vũ còn ở Mỹ, một công ty sản xuất mời anh về Việt Nam làm phim. Hăm hở gác lại công việc đang làm, Victor khấp khởi khát vọng sẽ biến đứa con trên kịch bản thành một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn. Thế nhưng, khi Victor về Việt Nam thì đơn vị sản xuất cố tình tránh mặt.
Lần tìm mãi Victor mới gặp được người ta. Lúc ấy, nhà sản xuất chỉ nói gọn lỏn: "Ngay lúc này tôi chưa sẵn sàng đầu tư cho phim của cậu". Sự việc xảy ra vào những ngày giáp Tết, thời điểm mọi người đang háo hức đón năm mới, Victor Vũ thất vọng não nề, vùi mình trong khách sạn.
Giấc mơ làm phim và người truyền cảm hứng
Victor Vũ không sinh ra tại Việt Nam, anh lớn lên hoàn toàn trong nền văn hóa Mỹ. Dẫu vậy, bố mẹ anh là người gìn giữ cẩn trọng tiếng nói và văn hóa Việt, nên từ nhỏ Victor và em trai bị buộc học Việt ngữ bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Anh.
Năm 7 tuổi, Victor được mẹ dắt vào rạp xem một bộ phim hành động giả tưởng của đạo diễn Steven Spielberg, thần tượng gạo cội của Hollywood. Cậu bé choáng ngợp và mơ mộng một ngày mình sẽ được sống trong thế giới điện ảnh.
Niềm đam mê ấy lớn dần lên theo thời gian. Mẹ Victor thấy con mê phim và chụp ảnh nên mua tặng cậu một chiếc máy quay phim. Có thời gian rảnh, Victor viết kịch bản theo trí tưởng tượng của mình và rủ chị em, bạn bè vào đóng phim do cậu đạo diễn.
Lúc đó, mẹ Victor cứ nghĩ niềm đam mê ấy chỉ là nhất thời của trẻ con. Đến khi Victor mạnh mẽ thông báo cậu sẽ thi vào trường điện ảnh tại California, mẹ càng nhiều lo lắng.
Cách đây 20 năm, rất ít gia đình gốc Việt tại Hoa Kỳ có con em theo ngành nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì vậy, ý định của Victor thực sự gây hoang mang cho cả nhà. Họ thầm nghĩ cậu sẽ gặp nhiều khó khăn vì đam mê cái nghề bấp bênh, không có thu nhập ổn định.
Biết thế nhưng Victor vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Cậu học chăm chỉ và xin việc làm tại một xưởng chuyên về kỹ xảo phim ảnh. Công việc này tuy không cung cấp cho Victor kiến thức và sự trải nghiệm trong vai trò đạo diễn nhưng nó cho cậu một nguồn thu nhập tương đối ổn định.
Sau khi tốt nghiệp, Victor phải thu xếp thời gian chu toàn việc làm và đam mê của mình. Đêm về, chàng sinh viên trẻ vẫn miệt mài viết những ý tưởng của mình xuống trang giấy, biến nó thành kịch bản. Rồi tranh thủ hai ngày cuối tuần, rủ bạn bè tham gia đóng phim. Victor vừa là nhà sản xuất, vừa là đạo diễn cho phim của mình.
Victor Vũ nhớ lại: "Thời điểm đó thực sự là khoảng thời gian vô cùng thử thách. Tôi hoạt động trí não rất nhiều. Có lúc quá mệt mỏi muốn dừng lại nghỉ ngơi nhưng mỗi khi nhớ đến giấc mơ làm phim, tôi bật dậy và lao vào công việc".
Trở về, hụt hẫng vì bị bỏ rơi
Khi học điện ảnh tại Loyola Marymount University, Victor xem bộ phim "Mùa đu đủ xanh" của đạo diễn Việt kiều Pháp Trần Anh Hùng. Vẻ đẹp thi vị như một bài thơ kể về cội nguồn Việt Nam của bộ phim có sức tác động mạnh mẽ vào cảm xúc của Victor Vũ.
Anh đã có thêm động lực để khai thác những đề tài Việt Nam trong khi cả nhà đều thắc mắc tại sao một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ lại không làm phim cho người Mỹ. Nhưng đam mê về đất nước, con người Việt Nam càng ngày càng lớn hơn trong lòng Victor.
Vào những ngày cuối của thời sinh viên, Victor hoàn thành một bộ phim tốt nghiệp có tựa đề Pháo - "Firecracker". Đây là bộ phim ngắn nói về tâm tình của người Việt Nam tại hải ngoại, vào dịp năm mới. Sau đó, anh cũng hoàn thành 2 bộ phim độc lập là "Buổi sáng đầu năm" và "Oan hồn". Cả hai đều đề cập đến giá trị văn hóa Việt.
Hai phim được tham gia nhiều sự kiện điện ảnh tại Mỹ, được giới chuyên môn đánh giá tốt nhưng lỗ nặng về mặt doanh thu. Do chi phí đầu tư được lấy từ tiền tích lũy của Victor và một số người bạn nên anh rơi vào cảnh khánh kiệt.
Có lúc Victor đã phải nhìn lại một cách nghiêm túc con đường mình đã chọn xem nó đúng hay sai. Thế nhưng niềm đam mê bất tận với điện ảnh vẫn luôn thôi thúc anh!
Quan sát thấy làn sóng học sinh Việt Nam du học ở nước ngoài ngày càng đông, Victor Vũ chấp bút viết kịch bản "Chuyện tình xa xứ".
Anh chia sẻ điều này với vài người bạn. Một công ty sản xuất tại Sài Gòn thấy câu chuyện hấp dẫn nên mời Victor về Việt Nam thực hiện bộ phim này.
Vui mừng trước cơ hội không ngờ, Victor xin nghỉ phép tại công ty kỹ xảo điện ảnh và về Việt Nam. Do toàn bộ gia đình nội ngoại của Victor đều định cư tại Mỹ nên anh phải thuê khách sạn lưu trú, chứ không ở nhà người thân.
Anh liên lạc với công ty sản xuất kia ngay trong ngày đầu tiên có mặt nhưng đến hơn 10 ngày sau, đơn vị sản xuất vẫn biệt vô âm tín.
Victor cảm thấy có gì đó bất an. Anh cất công đi tìm khắp Sài Gòn. Cuối cùng, còn 3 ngày nữa phải trở về Mỹ thì Victor mới gặp được những người đã kêu gọi mình trở về. Gặp anh, người ta chỉ nói ngắn gọn: "Ngay thời điểm này, chúng tôi chưa sẵn sàng đầu tư vào phim của cậu"!
Victor bộc bạch: "Lúc đó, tôi như bị một cú đập vào đầu, choáng váng và hụt hẫng. Chính người đó gọi tôi về, rồi chính họ lại nói một câu rất dửng dưng như thế. Tôi chán nản không còn muốn đi đâu, nằm vùi trong khách sạn...".
Tự tìm cho mình lối đi
Khoảnh khắc thất vọng ấy rồi cũng lắng xuống. Victor thấy mình cần phải đứng lên. Anh đổi chuyến bay và quyết định ở lại Việt Nam thêm 15 ngày. Trong thời gian đó, anh gõ cửa hàng loạt các nhà sản xuất, kiềm tìm cơ hội trong niềm hy vọng mong manh.
Sau cùng, anh đã gặp một doanh nhân ngành địa ốc. Người đó không chuyên về điện ảnh nhưng trân trọng giá trị nghệ thuật. Anh đã khuyên Victor trở về Mỹ chuẩn bị và yêu cầu 6 tháng sau trở lại. Lời hứa thứ hai này giúp cho phim "Chuyện tình xa xứ" trở thành mối lương duyên giữa Victor và khán giả trong nước.
Dù phim chỉ hòa vốn nhưng cách làm phim rất hiện đại của Victor được nhiều nhà sản xuất đánh giá cao. Anh được mời vào nhiều dự án khác. Đặc biệt "Cô dâu đại chiến" bộ phim thể loại tâm lý tình cảm rất gần phong cách Mỹ đã trở thành phim bom tấn doanh thu trong năm phát hành.
Từ đó, các phim mà Victor thực hiện như "Thiên mệnh anh hùng", "Quả tim máu", "Scandal", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"… đều thành công về mặt chuyên môn và doanh thu phòng vé.
Victor cho biết: "Có người hỏi tôi, bí quyết để làm một bộ phim thành công doanh thu là gì? Tôi trả lời là tôi không thể biết được.
Tuy nhiên, khi chọn một kịch bản, tôi phải xem xét xem câu chuyện nó có gần gũi với tâm lý người xem hay không. Tiếp đến là bản thân tôi có thực sự cảm thấy kịch bản chinh phục được mình hay không. Kịch bản nào đáp ứng được hai yêu cầu này, tôi sẽ nghĩ đến việc triển khai nó.
Mặt khác, muốn phim hấp dẫn, đạo diễn phải đảm bảo chất lượng từ diễn viên, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, phục trang và kỹ năng dựng phim. Người đạo diễn không cần phải chuyên về những khâu này nhưng cần phải hiểu về nó và biết cách sử dụng nó để kể câu chuyện của mình".
Yếu tố giúp cho phim của Victor Vũ lôi cuốn người xem, một phần rất lớn là nhờ khả năng chọn diễn viên phù hợp, diễn xuất giỏi thay vì những cái tên bán vé. Điều này đã có ví dụ trong phim Người Bất Tử với vai của Quách Ngọc Ngoan.
Nhà sản xuất và nhà đầu tư e ngại chuyện tình cảm của Quách Ngọc Ngoan ảnh hưởng đến "cảm tình" của khán giả. Nhưng Victor quyết liệt chọn Quách Ngọc Ngoan vì anh nhìn thấy ở Ngoan có vẻ đẹp trai cổ điển phù hợp nhân vật và khả năng hóa thân xuất sắc.
Chính nhờ tầm nhìn này mà Quách Ngọc Ngoan đã có một vai diễn vô cùng đặc biệt, được khán giả hết lời khen ngợi.
Hay dàn diễn viên trẻ tạo nên thành công cho phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng chứng minh độ sắc sảo trong cách nhìn người của anh.
Hạnh phúc ngọt ngào
Hiện tại, Victor Vũ đang tiến hành tuyển chọn diễn viên cho phim "Mắt biếc". Cùng lúc này, bà xã Đinh Ngọc Diệp đã hạ sinh cho anh một bé trai kháu khỉnh. Sự xuất hiện của một sinh linh bé bỏng đã làm thay đổi tâm lý và sinh hoạt của Victor.
Vì cả hai vợ chồng muốn tự tay mình chăm sóc con trong khoảng thời gian đầu nên Victor Vũ thức khuya thay tã, cho con bú. Anh làm điều đó bằng tình thương yêu và tự nguyện. Đến giờ Victor Vũ vẫn còn trong cảm giác ngạc nhiên và thích thú.
Anh nhủ lòng: "Cậu bé này hôm qua còn ở một thế giới nào đó, giờ đây xuất hiện trong căn nhà ấm áp của vợ chồng mình bằng hình ảnh quá dễ thương. Rồi thêm một thời gian nữa cậu bé sẽ gọi mình là cha. Cái từ cha nghe sao mà đặc biệt đến thế.
Mình đã chuyển sang một vị trí khác rồi, phải sống gương mẫu hơn, trách nhiệm hơn chính mình trước kia".
Nhớ về tình yêu của mình với Đinh Ngọc Diệp, Victor nói, cô chính là một trong những nữ diễn viên trong nước đầu tiên hợp tác với anh. Sau đó, hai người cũng tiếp tục hợp tác nhiều dự án khác. Thế nhưng chưa bao giờ Victor nghĩ hai người sẽ yêu nhau.
Hai người đều mải mê chạy theo công việc riêng và không gặp nhau một thời gian khá dài. Đến lúc gặp lại nhau trong một dự án mới, Victor Vũ thấy Ngọc Diệp thay đổi nhiều, trưởng thành hơn xưa.
Điều này khiến anh thích thú. Mỗi ngày qua đi, cá tính Ngọc Diệp dần dần chinh phục trái tim anh. Đến một lúc cả hai thấy không thể sống thiếu nhau, thế là họ thành hôn.
Theo Victor Vũ lý do quan trọng khiến anh chọn Ngọc Diệp chính là sự thấu hiểu thật sự. Điều này anh không tìm thấy ở những người phụ nữ trước kia. Và giờ đây họ đang sống trong khoảng thời gian ngọt ngào nhất của hôn nhân.
Theo Nguyễn Huy (Soha/Trí Thức Trẻ)