Nghệ sĩ Tấn Tài – cha của danh hài Tấn Beo được nhiều người yêu mến gọi là “Hoàng đế đĩa nhựa”. Những năm 60, 70 thế kỷ trước, nhà nhà có đĩa Tấn Tài, người người mua đĩa Tấn Tài.
Theo lời kể của danh hài Tấn Beo, ba mẹ anh đều là người miền Tây. Mẹ anh, nghệ sĩ Như Ngọc sinh ra và lớn lên ở tỉnh Đồng Tháp. Ba anh, nghệ sĩ Tấn Tài là người xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, tỉnh An Giang.
Ba của danh hài Tấn Beo vốn là ông giáo làng dạy học sinh ở quê (trường Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang) nhưng vì mê ca hát, ông bỏ dạy học đi theo đoàn hát.
Đoàn hát đầu tiên nghệ sĩ Tấn Tài theo là đoàn của ông bầu Ba Bản, một đoàn nhỏ ở An Giang. Vì có giọng hát đẹp, nghệ sĩ Tấn Tài nhanh chóng trở thành kép chánh và được các đoàn khác mời. Từ đoàn nhỏ, ông hát cho đoàn lớn rồi vào Sài Gòn và thành danh.
Tên tuổi của nghệ sĩ Tấn Tài thực sự nổi như cồn sau khi ông nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963 cùng nghệ sĩ Trương Ánh Loan, Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Kim Loan (Mộng Tuyền).
Giải Thanh Tâm là một giải thưởng danh giá trong nền sân khấu cải lương Việt Nam, tồn tại 10 năm, từ 1958 đến 1968.
Giải được đặt theo bút danh Thanh Tâm của nhà báo Trần Tấn Quốc, cũng là người sáng lập giải thưởng này với hy vọng xây dựng một thế hệ nghệ sĩ cải lương tài đức vẹn toàn, mong muốn xóa bỏ ít nhiều thành kiến đối với nghề ca hát.
Cố nghệ sĩ Tấn Tài (phải). |
Sau khi ra mắt, giải thưởng này trở nên danh giá trong làng sân khấu. Ngoài tiêu chuẩn ca diễn xuất sắc, giải Thanh Tâm còn đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức cho nên người nghệ sĩ luôn phải rèn luyện và phấn đấu.
Việc chấm giải cũng rất lạ, không hề có một cuộc thi nào diễn ra. Ban giám khảo sẽ đi xem tất cả các vở tuồng trong năm và chọn ra tuồng hay, nghệ sĩ giỏi rồi cuối cùng ngồi lại bình bầu.
Chính vì kiểu chấm giải lạ lùng này nên hầu như nghệ sĩ luôn phải trong tư thế “thi đua” cả năm, hết năm này qua năm khác. Thậm chí, họ phải sống thật tử tế, vì chỉ cần có tai tiếng là coi như bị loại khỏi giải.
Nói về ba mẹ mình, danh hài Tấn Beo kể: “Từ khi tôi biết đến giờ, tất cả các nghệ sĩ đều thương ba má tôi. Tới tận ngày ba má tôi mất, tôi chưa từng nghe một điều tiếng gì về hai người. Ba mẹ tôi không ganh tị với ai, chỉ có bao bọc người ta.
Sau này, tôi được hưởng sái từ ba má điều đó. Những người lớn cùng thời với ba má tôi khi gặp tôi, biết tôi là con nghệ sĩ Tấn Tài đều thương tôi, giúp đỡ tôi.
Chưa có người nào nói ba tôi là nghệ sĩ khó khăn. Ai cũng nói ông ấy hiền như cục bột, một nghệ sĩ hiền như bột vậy đó. Lên sân khấu dữ dằn lắm mà ở ngoài đời, ai nói gì ông cũng cười vui vẻ, không lớn tiếng với ai bao giờ”.
Hoàng đế đĩa nhựa, chủ đoàn hát Tân Thủ Đô
Nghệ sĩ Tấn Beo cho biết, mẹ anh vốn theo đoàn hát từ nhỏ và là một đào chánh nổi tiếng ở miền Tây. Hai người gặp nhau xây tổ uyên ương và lần lượt sinh được 3 người con, hai trai một gái.
Thời trẻ của vợ chồng cố nghệ sĩ Tấn Tài - Như Ngọc (ảnh nhân vật cung cấp). |
Năm 1965, nghệ sĩ Tấn Tài – Như Ngọc sinh người con trai đầu lòng đặt tên Phạm Tấn Danh, tức danh hài Tấn Beo sau này. Bên dưới còn có nghệ sĩ Tấn Bo và một người con gái đã lập gia đình, hiện đang sống ở Mỹ.
Năm 1968, ba mẹ anh lập đoàn hát với tên gọi Tân Thủ Đô Tấn Tài - Như Ngọc vang danh miền Nam những năm trước giải phóng.
Đây cũng chính là khoảng thời gian nghệ sĩ Tấn Tài ra đĩa nhiều nhất. Trên thị trường những năm đó toàn đĩa của nghệ sĩ Tấn Tài hát. Nhà nhà có đĩa của ông. Người người mua đĩa của ông. Chính vì thế, công chúng xưng tụng ông là “Hoàng đế đĩa nhựa”.
Trong thập niên 60-70, nghệ sĩ Tấn Tài thực hiện hơn 400 đĩa vọng cổ, tuồng cải lương cùng hàng nghìn bài hát tân cổ.
Cuối thập niên 60, mỗi ngày, ông thu 5-6 đĩa hát và mỗi đĩa được định giá là 12.000 đồng, tương đương với một lượng vàng thời đó.
Tấn Beo kể: “Thời đó chỉ nghe phát thanh thôi không thấy hình. Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn nói với tôi là, chỉ có cái đài mở lên là nghe Tấn Tài hát.
Cố nghệ sĩ Tấn Tài (giữa) cùng đàn em trong nghề, NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương. |
Họ toàn nghe cải lương Tấn Tài không. Họ thích ba tôi. Đó là điều tôi và gia đình rất hãnh diện. Họ chỉ biết tên ba tôi chứ không biết mặt. Đến khi biết mặt họ còn thương hơn.
Bây giờ trên mạng vẫn còn nhiều những bài do ba tôi ca. Chỉ cần gõ cái tên Tấn Tài là ra đầy. Những bài ông ca được liệt vào hàng bất hủ của cải lương Việt Nam”.
Sau này, cuộc sống nhiều thay đổi, biến động và những năm cuối đời của mình, vợ chồng nghệ sĩ Tấn Tài - Như Ngọc phải hoàn toàn trông cậy vào người con trai lớn, Tấn Beo.
Không chỉ lo cho ba mẹ, Tấn Beo còn thay ba mẹ lo luôn cho hai người em.
Năm 2011, nghệ sĩ Tấn Tài qua đời tại nhà riêng ở TPHCM vì nhiễm trùng ống dẫn mật sau ca phẫu thuật trước đó không lâu.
Theo C.Thanh Hương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)