Năm 1992, ông vua làng giải trí Hong Kong Hướng Hoa Cường thành lập tập đoàn Trung Quốc - Tinh.
Ông bắt đầu tạo dựng nên nhóm minh tinh dưới trướng mình và nâng đỡ cho họ nổi tiếng, trong đó có Lưu Đức Hoa, Châu Tinh Trì, Trương Bá Chi,... Trong nhóm các minh tinh này có một người tôi rất quan tâm, đó là Châu Tinh Trì.
Lý do tôi để tâm đến Châu Tinh Trì vì cậu ta từng tự nhận "Lý Tiểu Long là thần tượng duy nhất từ nhỏ tới lớn". Vì thế nên trong phim của cậu có rất nhiều đoạn mô phỏng hình tượng và động tác của Lý Tiểu Long.
Năm 1995, phim Đại thoại Tây Du của Châu Tinh Trì thất bại thảm hại tại phòng vé. Cậu ta lại đóng thêm vài phim nữa mong kiếm vốn tự thành lập công ty điện ảnh Tinh Huy, nhưng không may doanh thu phòng vé giai đoạn đó không được tốt.
Đến năm 2000, công ty Tinh Huy của Châu Tinh Trì bước vào giai đoạn khó khăn, thậm chí có thể nói là đến bước đường cùng. Với tính cách của Châu Tinh Trì, những người khác trong ngành không mấy quý mến nên chẳng nể mặt cậu ta.
Vì thế nên tuy phim của Châu Tinh Trì được khán giả ưa thích nhưng các ngân hàng và giới đầu tư không mấy ưa Châu Tinh Trì, lại thêm doanh thu gần đây không tốt nên tất cả đều từ chối đầu tư cho công ty Tinh Huy.
Thời gian này Châu Tinh Trì chuẩn bị quay Đội bóng Thiếu Lâm. Trong phim cậu ta kiêm cả bốn vị trí sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính. Bộ phim này quy tụ nhiều yếu tố võ thuật, hài, kỹ xảo, là tác phẩm Châu Tinh Trì đã đầu tư rất nhiều tâm sức.
Nhưng sự thực là số tiền cần để làm phim thì chẳng ai đầu tư. Đội bóng Thiếu Lâm dự tính tiêu tốn đến 40 triệu đô la Hong Kong, bộ phim có doanh thu tốt nhất trước đây của Châu Tinh Trì là Vua hài chỉ thu về hơn 30 triệu.
Chưa cần nói đến quan hệ giữa cậu ta và các ngân hàng không tốt, chỉ riêng con số cũng đủ khiến người ta chùn bước.
Chiếc quần của Lý Tiểu Long
Một lần tôi gặp Châu Tinh Trì trong buổi tụ hội của giới điện ảnh Hong Kong. Hôm ấy tôi thấy rõ vẻ buồn bã trong dáng vẻ của cậu ta.
Vừa thấy tôi, Châu Tinh Trì lập tức niềm nở lại gần chào hỏi: "Chị Đinh, chị cũng đến à? Vừa nãy em không thấy chị, nếu thấy em đã sớm đến hỏi thăm sức khoẻ chị rồi".
"Cậu dạo này thế nào? Có kế hoạch quay phim mới chưa?", tôi đáp.
Thế rồi Châu Tinh Trì kể lại một lượt sự tình khó khăn khi quay Đội bóng Thiếu Lâm cho tôi nghe. Tôi ngợi khen ý tưởng dùng một đội bóng là hình tượng biểu trung và ý nghĩa Phật giáo phảng phất trong câu chuyện. Đội bóng Thiếu Lâm theo tôi sẽ là một tác phẩm thành công.
Châu Tinh Trì hào hứng nói thêm: "Bộ phim này em kiêm luôn cả 4 vị trí sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính".
Tôi lắc đầu: "Thế này người ta gọi là tham, tham công, tham danh, tham lợi. Phật giáo gọi đây là không buông bỏ được. Thảo nào hôm nay trông sắc mặt cậu không tốt, chắc do lao tâm khổ tứ quá sức. Cậu hãy bỏ thời gian cùng tôi niệm kinh Phật đi".
"Có gì là không buông bỏ đâu chị, phim này đang chưa có ai đầu tư nên không đủ tiền thực hiện. Bây giờ không muốn buông cũng phải buông thôi. Hay chị Đinh giúp em lần này được không?".
"Tôi sao giúp được cậu?".
"Chị Đinh chỉ cần ra mặt là được rồi. Dựa vào tiếng tăm của chị chắc chắn có người sẽ chịu giúp em. Em xin chị.
Bộ phim này nếu thành công sau đó em sẽ làm một phim tuyên truyền Phật pháp và một phim về Lý Tiểu Long". Hai điều kiện mà cậu ấy đưa ra cũng khiến tôi có chút động lòng.
"Giờ tôi chỉ chuyên tâm niệm Phật nên không tiện ra mặt. Vậy đi, tôi cho cậu mượn một thứ, mong rằng có thể đem lại vận may cho cậu".
"Thứ gì thế ạ?".
"Một chiếc quần".
"Quần ư? Chắc chị Đinh đùa em rồi".
"Không đùa đâu. Là một chiếc quần, nhưng là quần của Lý Tiểu Long".
Châu Tinh Trì chợt khựng lại, im lặng hồi lâu. Lý Tiểu Long là thần tượng mà cậu ấy sùng bái.
Có được một di vật của thần tượng trong tay, cho dù nói là mê tín hay là ám thị tâm lý thì cũng đều là nguồn động viên tinh thần lớn. Hơn nữa trong văn hoá Hong Kong, từ tài khố đồng âm với kho tiền nên cũng có hàm ý rất tốt.
"Nói với cậu, đây là quần tiền tài, là quần của rồng. Hy vọng nó không chỉ đem đến cho cậu số tiền cậu cần, còn đem đến hào khí uy long kinh thiên động địa. Cậu có hiểu ý tôi không? Nhưng nếu cậu thành công rồi đừng quên lời hứa với tôi".
"Em hiểu rồi ạ. Cảm ơn chị Đinh".
"Đừng cảm ơn tôi mà hãy cảm ơn Lý Tiểu Long".
Thế rồi tôi đã đem chiếc quần cho Châu Tinh Trì mượn. Đây là một trong những di vật Lý Tiểu Long để lại ở chỗ tôi. Thực ra chiếc quần này chẳng có quyền lực gì kì diệu mà tôi chỉ muốn động viên tinh thần Châu Tinh Trì mà thôi.
Sau đó không lâu quả thật phim Đội bóng Thiếu Lâm đã được đầu tư. Năm 2001, khi ra mắt, Đội bóng Thiếu Lâm đã phá vỡ kỷ lục phòng vé Hong Kong và đạt thành công vang dội ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Năm 2002, Đôi bóng Thiếu Lâm giành 7 giải lớn trong Lễ trao giải Kim Tượng của Hong Kong. Khi lên nhận giải, người đầu tiên Châu Tinh Trì cảm ơn là Lý Tiểu Long.
Sau này Châu Tinh Trì cũng không trả lại chiếc quần cho tôi, tôi gọi điện cũng không bắt máy. Nghe nói là cậu ấy đang bận bù đầu chuẩn bị làm phim Tuyệt đỉnh kungfu nên không gặp ai.
Năm 2004, Tuyệt đỉnh kungfu phá kỷ lục doanh thu do Đội bóng Thiếu Lâm lập ra. Châu Tinh Trì lại thắng lớn tại lễ trao giải Kim Mã lần thứ 42. Tuyệt đỉnh kungfu còn nhận đề cử phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng tại Mỹ.
Mãi lâu sau tôi mới xem phim này. Tôi xem bởi có người nói với tôi trong Tuyệt đỉnh kungfu có bóng dáng của Lý Tiểu Long, nội dung cũng có liên quan đến Phật pháp.
Châu Tinh Trì đã trở thành đạo diễn, minh tinh màn bạc nổi tiếng thế giới nhưng chiếc quần của Lý Tiểu Long vẫn không thấy trả tôi, chắc do cậu ấy cũng không nỡ trả.
Năm 2003 trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lý Tiểu Long, tôi có tham dự lễ khai mạc và quyên tặng một số di vật của Lý Tiểu Long cho bảo tàng. Trong đó có 3 chiếc quần, nhưng nhớ lại một chiếc vẫn ở chỗ Châu Tinh Trì nên tôi nói chữa lại thành 2 chiếc.
Về sau cũng có người hỏi tôi về chiếc quần của Lý Tiểu Long đã cho Châu Tinh Trì mượn, tôi chỉ trả lời ngắn gọn: "Thôi, coi như tặng cậu ta".
Theo Phương Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)