Hòa Thân là một kiểu quan tham điển hình, từ tướng mạo, tính cách đến lối sống. Tuy nhiên, có lẽ thế hệ sau sẽ chẳng ấn tượng với ông đến thế, nếu không có sự hóa thân xuất thần của nam diễn viên Vương Cương.
Vóc dáng thấp, gương mặt béo tròn, ánh mắt xu nịnh, gian xảo, diễn xuất của Vương Cương khiến cho Hoà Thân như bước ra thế giới thật, để cho hậu thế chiêm ngưỡng toàn bộ con người ông từ vóc dáng đến bản chất. Hòa thân chính là vai diễn để đời của Vương Cương.
Sự nghịch ngợm và nỗi ám ảnh về sự nghèo khó
Vương Cương sinh năm 1948 tại Trường Xuân, Cát Lâm, trong một gia đình công nhân nghèo. Từ nhỏ Vương Cương đã thể hiện là một cậu bé có tố chất thông minh, học rất tốt. Tuy nhiên, Vương Cương lại có bản chất cực kỳ hiếu động, nghịch ngợm.
Ở trường, Vương Cương thường hay quấy rối, bắt nạt bạn bè. Cậu rất hay bày trò để chọc phá các bạn, thậm chí cả thầy cô. Vì quá nghịch nên Vương Cương được xem là học sinh cá biệt, bị tất cả mọi người xa lánh, kể cả thầy cô cũng không chịu nổi. Đến mức, dù cậu đang là tiền vệ của đội bóng, nhưng sau đó, người ta dần gạt cậu ra, không cho đá nữa. Trong lớp, dù cậu có cố gắng gây chú ý, có giơ tay phát biểu thì thầy cô cũng bỏ qua. Vì bị phân biệt đối xử, cậu bé chẳng biết làm gì khác ngoài việc nghĩ ra nhiều trò nghịch ngợm khác để quậy phá.
Năm 10 tuổi, cậu bé "lập thành tích" suýt đốt trường học. Một lần, sau khi làm xong bài thi học kỳ và ra trước, cậu chui xuống hệ thống lò sưởi ở trường, vốn được chôn ngầm dưới đất, định bụng men theo đường hầm đến các lớp học rồi chui lên dọa mọi người.
|
Diễn viên Vương Cương
|
Vì hầm quá tối nên cậu thắp nến dò đường, không may té ngã. Lửa bén vào giấy và rác mà học sinh thường ném xuống, sau đó lan ra. Khói đen bốc lên khiến giáo viên và học sinh hốt hoảng chạy tán loạn ra khỏi phòng.
Một thời gian sau, Vương Cương lại gây ra trọng tội khác. Khi cùng bạn bè đi bơi giữa tiết trời lạnh 10 độ C, cậu bé nghịch ngợm đẩy một người bạn xuống hồ. Không ngờ người bạn bị chuột rút và suýt chết đuối. Từ đó, các giáo viên và học sinh đều tìm cách tránh xa học sinh “có vấn đề” này.
Bố mẹ Vương Cương cũng cảm thấy bất lực với đứa con bất trị, nên họ cũng thờ ơ. Cậu bé 10 tuổi khi đó gần như bị bỏ rơi. Sau này, khi nhớ lại, Vương Cương cho rằng, việc người lớn cô lập một đứa trẻ thực sự rất độc ác. Cảm giác bị bỏ rơi rất khó chịu.
Năm 11 tuổi, sau một thời gian dài bị hắt hủi, cậu bé Vương Cương bỗng vụt sáng trở thành người hùng, thành ngôi sao được cả trường và thầy cô nể phục.
Đó là một ngày, sau một thời gian bỏ học vì bị phân biệt đối xử, thầy giáo chủ nhiệm gọi cậu đến trường. Lúc ấy, cậu tin rằng đây chẳng qua là lời “tuyên án” chính thức buộc cậu thôi học. Nhưng đến trường, cậu được thầy trao cho một bức thư từ Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vương Cương rất đỗi ngạc nhiên và vui mừng. Khi đó, cậu mới chợt nhớ ra, sau một thời gian bị cô lập, cậu cảm thấy bứt rứt, khó chịu, muốn nói chuyện với ai đó để giãi bày.
Đột nhiên, cậu nghĩ đến thần tượng của mình, chủ tịch Mao Trạch Đông. Cậu bé tin rằng chủ tịch Mao chắc chắn sẽ lắng nghe mình. Nghĩ là làm, tối hôm đó, cậu hì hụi cả đêm viết thư cho Chủ tịch. Trong thư, cậu bày tỏ tình yêu với Chủ tịch và lòng trung thành với đất nước. Cậu còn vẽ 2 bức tranh, một bức là hình con thỏ ăn củ cải, một bức là hình anh chiến sĩ giải phóng. Bên cạnh đó, cậu còn gửi kèm một bức ảnh của cậu và em gái nhỏ.
Viết và gửi thư xong, mọi buồn bực như được giải tỏa hết. Tuy nhiên, vài ngày sau cậu học trò nhỏ cùng quên bẵng đi. Không ngờ cậu nhận được thư phúc đáp từ văn phòng phủ Chủ tịch. Bức thư cảm ơn cậu bé về món quà, đồng thời động viên cậu cố gắng học tập, rèn luyện, chuẩn bị cho nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.
Lá thư này không chỉ khiến cậu bé được nhận lại vào trường, mà còn khiến cậu trở thành một “anh hùng” của toàn trường. Bức thư cũng giống như một bước ngoặt khiến Vương Cương gần như thay đổi hoàn toàn. Cậu trở thành một học sinh ngoan ngoãn và thành tích học tập thường xuyên đứng nhất trường.
Sự nghèo khó cũng ám ảnh trong suốt tuổi ấu thơ của Vương Cương. Vương Cương còn nhớ mãi câu chuyện về vườn rau của gia đình. Khi chúng đang lớn lên và cả nhà chỉ trông chờ vào vườn rau để lấy cái ăn qua ngày, thì một ngày đẹp trời, kẻ trộm đã lẻn vào và nhổ hết sạch.
|
Vương Cương nổi tiếng với vai Hòa thân |
Một vườn rau, khi đó có thể là cả gia tài, là nguồn thức ăn giúp gia đình vượt qua cơn đói, là nguồn thu nhập giúp gia đình có thêm ít gạo nấu cháo. Vụ trộm giống như người ta đã nhẫn tâm cắt mất con đường sống của gia đình, khiến gia đình đã nghèo khó lại càng thêm bi đát. Dù còn nhỏ tuổi, cậu bé Vương Cương đã thấy thấm thía cảm giác căm giận và oán hờn.
Các mẩu chuyện thú vị này được Vương Cương kể lại trong tự truyện Wo Ben Wan Chi (Tạm dịch: Tôi sinh ra nghịch ngợm và ám ảnh) vừa ra mắt vào đầu năm 2015.
Vai diễn để đời Hoà Thân trong Tể tướng lưu gù
Vào tuổi 20, cậu bé Vương Cương ngỗ nghịch ngày nào đã trở thành một chàng trai trưởng thành. Từ năm 1969 đến 1995, ông phục vụ trong Đoàn Nghệ thuật Quân khu Cát Lâm và Đoàn Nghệ thuật Quân khu Thẩm Dương. Năm 1995, ông được chuyển đến Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Suốt thời gian này, ông là phát thanh viên chuyên đọc truyện dài kỳ trên radio.
Ông đã phát sóng hơn 30 tiểu thuyết trong những năm 1980. Giọng đọc truyền cảm của ông đã đến với mọi gia đình,mang đến món ăn tinh thần ý nghĩa trong suốt thời kỳ đất nước còn khó khăn và được thính giả khắp Trung quốc yêu mến. Năm 1984 được bình chọn là một trong top 10 phát thanh viên xuất sắc nhất Trung Quốc.
Ngoài ra, từ năm 1986, ông cũng là người đứng sau hàng trăm chương trình văn hóa hấp dẫn cho đài CCTV và các đài truyền hình địa phương.
Tuy nhiên, đỉnh cao sự nghiệp và sư nổi tiếng của Vương Cương là khi ông bước sang vai trò diễn viên. Năm 1994, ông được mời tham gia bộ phim Tể tướng lưng gù. Nếu xem Tể tướng lưng gù là một trong những kiệt tác của phim truyền hình Trung Quốc, thì Vương Cương với vai Hòa Thân chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của bộ phim. Khả năng nhập vai xuất thần của ông đã lột tả chân thực và sinh động chân dung nhân vật tham quan khét tiếng nhất lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Được biết, để vào vai diễn này, Vương Cương đã đầu tư rất nhiều thời gian. Một mặt, ông tích cực đọc, tìm hiểu lịch sử phong kiến thời nhà Thanh cũng như nhân vật Hòa Thân, mặt khác, ông cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu về tâm lý tội phạm.
"Tôi là người luôn luôn muốn làm tốt nhất mọi công việc được giao," ông nói, "Trong quá trình quay phim, tôi đọc tài liệu lịch sử của triều đại nhà Thanh hầu như mỗi ngày."
Nói về vai diễn đã trở thành thương hiệu của mình, Vương Cương cho biết, thành công của bộ phim một phần là do các chấn thương tâm lý mà ông đã trải qua từ thủa nhỏ: “Khi đóng phim, tôi ám ảnh bởi một các giác muốn trả thù thủa bé. Tôi diễn với một cảm xúc bừng cháy”.
Việc quá nhập vai cũng khiến đôi khi ông tự hỏi: “Mình đang đóng vai Hòa Thân, hay bản thân mình có một phần nào giống như Hòa Thân?”.
Và sau đó, ông tự kết luận: “Tôi cho rằng mỗi người bình thường đều có một con quỷ ẩn sâu trong huyết quản của mình”, và “Đóng vai một kẻ xấu là cách bạn nhả con quỷ vẫn thường ẩn khuất trong chính con người mình”.
Với đồng nghiệp, Vương Cương là một con người hết lòng vì công việc mà ông theo đuổi. Nhận xét về người đồng nghiệp đặc biệt của mình, nam diễn viên Trương Quốc Lập, người đóng vai Hoàng Thượng trong phim Tể Tướng Lưu gù kể: "Khi chúng tôi đang quay một bộ phim truyền hình trong năm 1990, Vương Cương đã mua một máy tính xách tay từ nước ngoài và gõ từng giây phút mỗi khi rảnh rỗi. Anh không hài lòng với kịch bản và muốn viết lại nó. Chúng tôi không thể hiểu tại sao Vương lại phải dành quá nhiều thời gian vào một công việc không phải của mình, nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận thấy kịch bản mới của anh hấp dẫn hơn nhiều".
|
Vương Cương cùng người vợ thứ 3 và con trai của hai người |
Với nhiều diễn viên, họ thường chọn đóng vai phản diện khi đã tạo tạo dựng thương hiệu từ cac vai diễn chính diện. Nhưng với Vương Cương, ngay vai diễn đầu tiên, thành công đầu tiên và cả thương hiệu của ông đều gắn liền với vai phản diện. Song Vương Cương không hề lấy điều đó làm phiền muộn. Ông không ngại người khác nghĩ xấu về mình, thậm chí ông còn cảm thấy thích thú mỗi khi sắm vai nhân vật bị ghét nhất Trung Hoa này. “Tôi rất thích vai Hòa Thân”, ông nói “bởi qua đó tôi có thể mượn vai diễn để phê phán cái xấu, giúp con người trở nên tốt đẹp hơn”.
>> Cuộc sống hiện tại của “cặp bài trùng” trong bộ phim Tể tướng Lưu gù
Theo Tuyết Trinh (VietNamNet)