Chân dung người cha nổi tiếng của nghệ sĩ Thành Lộc

20/02/2016 19:02:33

Nghệ sĩ Thành Lộc là con nhà nòi hay nói cách khác, anh được sinh ra trong một gia đình dòng dõi về nghệ thuật. Cả bên nội và ngoại của Thành Lộc đều là những nghệ sĩ nổi tiếng.

Nghệ sĩ Thành Lộc là con nhà nòi hay nói cách khác, anh được sinh ra trong một gia đình dòng dõi về nghệ thuật. Cả bên nội và ngoại của Thành Lộc đều là những nghệ sĩ nổi tiếng.

Con nhà dòng dõi nghệ thuật

Cố NSND Thành Tôn tên thật là Nguyễn Thành Tôn sinh năm 1913 tại làng Trường Thọ, quận Vũng Liêm nay thuộc xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Ông xuất thân trong một gia đình dòng dõi nghệ thuật và ngôi làng có truyền thống theo nghề hát từ thế kỷ 19. Ông cố là Nguyễn Thành Sĩ.

Ông nội là Nguyễn Thành Luông. Thân phụ là Nguyễn Thành Nở đều là những nghệ sĩ hát bội nức tiếng đất Vĩnh Long.

Thành Tôn bắt đầu học hát năm 13 tuổi tại chính gánh hát Phước Long Ban của ông nội là bầu Luông.

Mặc dù là gánh hát của gia đình nhưng ông vẫn phải học hát theo đúng quy trình từ vai quân hầu, quân canh, quân chạy hiệu cho đến năm 17 tuổi mới được đóng kép con.

Theo soạn giả Nguyễn Phương, người từng cộng tác ghi chép tuồng hát bội cho cố NSND Thành Tôn trong Ban Vân Hạc ở Đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, thời gian đầu mới bước chân vào nghề hát bội, Thành Tôn phải chịu rất nhiều cực nhọc.

Gánh hát Phước Long Ban một năm chỉ hát 6 tháng rồi quay về quê quán chia tiền cho anh em trong gánh hát. Họ vừa làm ruộng vừa tập tuồng mới đợi đến "vụ" lại xếp vải bố, tăng, ghế sắt... lên ghe đi hát khắp các vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

Thù lao được chia theo thứ tự cao thấp trong gánh hát. Đầu tiên là bầu Luông đến ông Nhưng, ông biện tuồng (soạn giả), người có nghề giỏi rồi mới đến kép, đào, tướng, quân chạy hiệu…

Chính vì thế, thu nhập của nghệ sĩ đến chủ yếu từ làm ruộng. Chỉ những người yêu nghề lắm mới gắn bó được với nghề hát bội.
 

Cha con NSND Thành Tôn - Thành Lộc.

 
Nhưng rồi hát bội rơi vào thời kỳ mất khán giả, đó là vào những năm sau 1930. Trong khi đó, cải lương bắt đầu được ưa thích. Vậy là, những gánh hát bội phải tìm cách đổi mới mình để thu hút người xem. Phước Long Ban cũng vậy.

Năm 1940, ông nội mất, cha của Thành Tôn là bầu Nở vì quá đau buồn nên không muốn lèo lái gánh hát nữa để cho Phước Long Ban tan rã.

Khi ấy, Thành Tôn đã là kép hát chánh nổi tiếng Vĩnh Long. Không chịu bỏ nghề, ông đi hát cho gánh Thạnh Hưng Ban của ông bầu Hùng ở huyện Trà Ôn, Cần Thơ.

Nhưng không cam làm anh kép hát tỉnh lẻ, Thành Tôn muốn thử sức, thử thời vận ở thành phố nên ông khăn gói tìm đường về Sài Gòn.

Xuất thần trên sân khấu ở tuổi 70

Về Sài Gòn, Thành Tôn hát cho gánh Tấn Thành Ban của bầu Cung ở đình Cầu Muối. 1 năm sau, Thành Tôn "đầu quân" về gánh Vĩnh Xuân Ban của bầu Thắng và nhanh chóng trở thành kép chánh ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Mến tài đức của Thành Tôn, ông bầu Thắng gả người con gái thứ tên Huỳnh Mai cho ông. Bà cũng là một đào hát nổi danh Sài Gòn ngày ấy.

Năm 1947, Thành Tôn cùng một số nghệ sĩ lập Ban hát bội Vân Hạc trình diễn nhiều tuồng hát bội trên Đài phát thanh Sài Gòn giai đoạn 1948 đến trước năm 1975.

Ban Vân Hạc quy tụ nhiều nghệ sĩ hát bội ưu tú lúc bấy giờ như Thiệu Của, Chín Luông, Hữu Thoại…

Do yêu cầu của Đài, trình diễn phải có kịch bản duyệt trước nên ông chịu trách nhiệm ghi chép sẵn một số tuồng xưa cho Ban Vân Hạc.

Từ đó, Thành Tôn bước chân vào nghiệp soạn tuồng. Ông dành nhiều tâm huyết nghiên cứu cách diễn, cách viết, dàn dựng tuồng đổi mới cho phù hợp với cảm thụ của khán giả.

30 năm sau, ông cũng là một trong những thành viên sáng lập Đoàn Hát bội TP.HCM.
 

Cố NSND Thành Tôn cùng vợ, bà Huỳnh Mai và hai con: Bạch Long, Thành Lộc.

 
Năm 1980 khi đã bước sang tuổi lục tuần, Thành Tôn xuất thần trong vai diễn Thái Kiệt và được trao giải Diễn viên xuất sắc. 5 năm sau ông giành huy chương vàng với vai Trần Liễu tại Hội diễn sân khấu toàn quốc.

Năm 1992, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong đợt xét tặng đầu tiên.

Những ngày cuối đời, NSND Thành Tôn bị chứng teo não phải nằm trong viện. Ấy vậy mà khi nghệ sĩ hát bội Kim Thanh đến thăm và nói “Sư phụ ơi, cứu con với. Người ta giao cho con vai Châu Sáng mà con e mình đảm đương không nổi”.

Nghe thế, ông bật dậy đi bài siêu Châu Sáng dạy cho nghệ sĩ Kim Thanh. Còn nghệ sĩ Kim Thanh vừa lĩnh hội đường siêu vừa rớt nước mắt.

Theo lời nghệ sĩ Thành Lộc, sinh thời, NSND Thành Tôn không ép hay ngăn cản con cái theo nghệ thuật nhưng ông dạy các con rằng đã làm nghệ sĩ thì phải là nghệ sĩ giỏi, không được là nghệ sĩ trung bình!

Sau này, mấy người con của ông đều là những nghệ sĩ nổi danh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó phải kể đến những cái tên như Bạch Long, Thành Lộc, Bạch Lê, Bạch Liên, Bạch Lựu, Bạch Lý.

Theo Cao Thanh Hương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)