Quả thực, nhiều người biết tới Nguyễn Ánh 9 với sự nghiệp lẫy lừng, chứ mấy ai biết Nguyễn Quang cũng là một vị nhạc sĩ tài ba, yêu âm nhạc và cây dương cầm vô hạn. Nguyễn Quang bảo kỷ niệm ân tình hai cha con kể sao cho siết, nhưng cảm xúc sâu sắc nhất đọng lại giữa hai cha con lại liên quan đến cây đàn. Cả hai cha con đều chơi đàn, nhưng việc có cùng lúc hai cây piano trong một không gian là rất hiếm, vì vậy Nguyễn Quang ít được chơi đàn cùng cha. Trong cuộc đời, anh ba lần được song tấu cùng Nguyễn Ánh 9, hai lần trước diễn ra ở Mỹ, lần cuối là trong liveshow giữa năm 2015 tại Hà Nội.
« Đêm nhạc ấy, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi song tấu Tình khúc chiều mưa với ông. Hai cha con biểu diễn mà chưa từng tập dượt; chơi đàn trên sân khấu trước nhiều người mà như chơi cho chính mình. Người này chỉ nhắm mắt lại, là có thể hình dung ra người kia sẽ chơi như nào, từ đó cùng tấu. Lúc ấy cả cha và tôi đều hiểu chúng tôi đang nói chuyện với nhau bằng tiếng đàn» - Nguyễn Quang hồi tưởng. Tiết mục song tấu chỉ diễn ra trong ba phút, nhưng tràng pháo tay của khán giả sau đó kéo dài tới 15 phút. Tiếng vỗ tay không dứt như níu kéo tiếng đàn, níu kéo cuộc trò chuyện của hai cha con nhạc sĩ.
Cha con nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Quang trong đêm nhạc tại Hà Nội năm 2015. |
Không trò chuyện quá nhiều, không nhận xét về âm nhạc của nhau, nhưng họ lại có thể thấu hiểu nhau qua tiếng đàn. Nguyễn Quang bảo khi anh học hòa âm, anh đã lấy tất cả những sáng tác của cha để hòa âm phối khí. Cha anh nghe các bản phối đều hài lòng. Thêm nữa, Nguyễn Ánh 9 sáng tác ca khúc trong hoàn cảnh nào, tâm trạng ra sao Nguyễn Quang đều biết, nên con trai hiểu mọi nhạc phẩm của cha. "Mỗi lần sáng tác bài nào, cha đều đàn tới đàn lui ở trong nhà, vì thế mà tôi hiểu rõ từng ca khúc" - Nguyễn Quang nói. Cũng bởi thấu hiểu âm nhạc của nhau như vậy, nên qua tiếng đàn mà họ thấu được tâm tư của nhau.
Giờ đây, khi Nguyễn Ánh 9 đã đi xa nhưng Nguyễn Quang vẫn chưa nguôi ngoai được nỗi đau mất cha. Anh bảo trước đây tác giả Không thường dậy sớm và đàn vào mỗi buổi sáng. "Bây giờ, mỗi sáng thức dậy tôi rất sợ cảm giác không gian yên ắng, không có tiếng đàn của cha". Nguyễn Quang không chọn ngồi xuống tấu lên vài khúc để xua đi không gian lạnh lẽo. Anh kể bình sinh Nguyễn Ánh 9 rất thương cây đàn trong nhà, bởi vậy anh muốn cây đàn cũng chịu tang cha. "Tôi đeo tang cho cây đàn, để nó chịu tang cha. Tôi thà chịu nỗi đau trong im lặng, để cho cây đàn ấy được yên lặng tưởng nhớ tới người từng gắn bó, yêu thương nó".
Trong đêm nhạc "Vàng son một thuở" (diễn ra tối 24/4 tại Hà Nội), Nguyễn Quang thay cha đệm đàn cho các ca sĩ hát. Anh bảo chương trình được lên kế hoạch thực hiện từ lâu rồi, lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn còn, êkip dự tính ông sẽ tham gia chương trình ở Hà Nội. Hai cha con định đàn cùng nhau ở chương trình, nhưng không kịp. "Ông ra đi như một cú sốc nặng với tôi. Giờ đây mọi tiết mục để vinh danh Nguyễn Ánh 9 đều dừng lại, thay đổi" - Nguyễn Quang nói.