Chàng cận vệ của Lý Hùng tên Ngụy Minh Khang, sinh năm 1989 tại huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp.
Ngụy Minh Khang ôm mộng làm nghệ thuật không phải vì mê nghề, không phải vì muốn nổi tiếng mà mục đích ban đầu là vì muốn trả món nợ tình cảm với một con chó tên Phèn, người bạn tri kỷ từ thuở ấu thơ...
Xách nước cho đoàn phim, cận vệ cho Lý Hùng
Mặc dù thi đỗ Đại học xây dựng Cần Thơ nhưng Minh Khang lại chọn học Cao đẳng văn hóa nghệ thuật TPHCM lớp diễn viên. Ngụy Minh Khang nằm trong top 7 toàn trường những sinh viên có điểm số cao nhất năm đó. Và để giấu gia đình, thời gian đầu Khang vẫn chạy về trường xây dựng nộp đủ học phí... cho đến khi bị cha mẹ phát hiện.
Ở tình thế đã rồi, gia đình buộc phải chấp nhận cho Khang theo nghệ thuật. Và thay vì "mài mông" trên ghế nhà trường học lý thuyết, Minh Khang thích lăn xả vào các đoàn phim.
Làm gì cũng làm, từ những công việc không tên như bê nước cho diễn viên uống, xách đồ đến chuẩn bị máy móc. Vì mải theo đoàn phim nên đến năm cuối, Khang bị đuổi học.
Ngụy Minh Khang |
Đúng thời điểm đó, NSND Hồng Vân – Minh Nhí tuyển sinh khóa đầu tiên lớp diễn viên tại sân khấu kịch Super Bowl. Khang đăng ký và trúng tuyển ngay khóa 1.
Nhưng việc học tại đây cũng bị gián đoạn bởi hễ có đoàn phim gọi là Khang xách túi đi vài tháng mới về. Từ những công việc không tên, vị trí của Khang qua từng đoàn phim được nâng lên thành trợ lý rồi phó đạo diễn...
Cũng trong thời gian này, Khang tìm đến võ đường của võ sư, NSND Lý Huỳnh xin học. Ngay buổi đầu tiên, thầy Lý Huỳnh ném cho Khang đôi bao tay bảo "đấu đi". Vậy là, Khang lao vào giáp lá cà ngay với một vị sư huynh được thầy chỉ định, cứ thế đánh bất chấp.
Thấy cậu học trò "gan dạ", võ sư Lý Huỳnh nhận dạy. Quả nhiên Ngụy Minh Khang học rất giỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, đấu với sư huynh, thắng sư huynh. Đấu với võ sư, thắng võ sư.
Trong số hơn 2000 môn sinh võ sư Lý Huỳnh từng dạy, chỉ có 4 người được ra mắt tổ. Ngụy Minh Khang là người thứ tư và cũng là cuối cùng.
Thời điểm đó, Minh Khang thỉnh thoảng vẫn đi làm phim, đi học lớp diễn viên ở sân khấu kịch Hồng Vân, tối bưng bê phục vụ quán ăn nhà hàng.
Thấy cậu học trò ngay thẳng, gan dạ, NSND Lý Huỳnh nói "con đừng đi bưng bê phục vụ quán ăn nhà hàng nữa, về làm cận vệ cho anh Hùng đi".
Ngụy Minh Khang rất yêu chó. |
Vậy là Minh Khang về ở luôn trong nhà Lý Hùng. Sáng 5 giờ dậy chở NSND Lý Huỳnh đi thể dục, 6 giờ về học võ, 7 giờ đưa Lý Hùng đi đoàn phim, đi hát tới khuya mới về nhà.
Minh Khang được gia đình NSND Lý Huỳnh tin tưởng tuyệt đối. Khang kể: "Nếu tính tôi gian dối thì nhà thầy Huỳnh, anh Lý Hùng đã mất hết rồi. Gia đình giao cả chìa khóa nhà cho Khang.
Khang chỉ cần mở cửa cho người ta dắt xe đi là biết bao nhiêu tiền. Hay mở tủ lấy chiếc nhẫn, đồng hồ của anh Hùng cũng vài trăm triệu... nhưng Khang không có tính đó.
Nhiều lần Khang đi Hà Nội với thầy, thầy xách theo mấy trăm triệu cũng đưa Khang giữ nhưng không mất một đồng. Anh Hùng hay để tiền lung tung trên xe cũng chưa bao giờ hao một xu.
Mà thời điểm đó, Khang rất nghèo, phải đi làm cật lực, kiếm từng đồng mưu sinh. Nhưng cũng nhờ vậy mà Khang được gia đình thầy và anh Hùng rất tin tưởng, yêu quý".
Nhờ làm cận vệ cho Lý Hùng, Minh Khang có cơ hội tiếp xúc nhiều đoàn phim, quan sát và học hỏi cách hoạt động của nó. Song song với làm cận vệ cho Lý Hùng, Khang thi vào lớp đạo diễn trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM.
Một thời gian, Khang biến mất. Khi xuất hiện lại tại nhà Lý Hùng, Khang cầm theo một kịch bản do chính Khang viết và nhờ anh hỗ trợ sản xuất. Đó là tác phẩm điện ảnh đầu tay, bộ phim tốt nghiệp của Ngụy Minh Khang.
Ngụy Minh Khang và ê-kíp làm phim "Kẻ trộm chó" |
Thực hiện phim đầu tay "Kẻ trộm chó"
Ý tưởng câu chuyện phim bắt nguồn từ ký ức của bản thân đạo diễn Ngụy Minh Khang. Do hoàn cảnh, Minh Khang phải xa cha mẹ từ lúc mới lọt lòng và ở với bà ngoại nên ngày nhỏ cậu nuôi và gắn bó với con chó tên Phèn như một người bạn sống chết với mình – vì không có ai chơi.
Một ngày, Phèn bị những kẻ trộm chó bắt ngay trước mặt Khang. Cậu chạy theo nhưng chỉ thấy máu, thịt trên đường và tiếng kêu thảm thiết của người bạn nhỏ.
Khang cảm thấy có lỗi vì không bảo vệ được "bạn tri kỷ". Khang bị tự kỷ suốt 1 năm sau đó, gần như không nói chuyện với bất cứ ai, ngay cả bà ngoại là người gần gũi với cậu nhất.
Điều đó đã ám ảnh trong tâm thức Khang nên ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, Khang đã có ý định học về điện ảnh để kể lại câu chuyện của Phèn cũng như phản ánh về thực trạng trộm và giết hại chó hiện nay.
Đối với Minh Khang, tình yêu thương dành cho Phèn đã trở thành vô thức, nỗi ám ảnh càng trở nên bức bách đã thôi thúc Minh Khang kể câu chuyện bằng cảm xúc, tình yêu và cả sự sáng tạo thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
Để làm bộ phim đầu tay này, cha của Minh Khang đã đem cầm giấy tờ nhà. Anh và cô chú cũng mỗi người góp vào một ít.
Khang cầm 400 triệu lên Sài Gòn bắt tay vào dự án và đầu lúc nào cũng nhớ như in câu nói của cha: "Con hãy nhớ, đây không phải là tiền mà là mồ mả của ông bà tổ tiên".
Hình ảnh Ngụy Minh Khang trên poster phim "Kẻ trộm chó" sẽ phát hành ngày 6-10-2017. |
Dự án đầu tay của Khang gặp muôn vàn khó khăn và trở ngại. Ai cũng ngăn cản không chỉ một lần mà rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ Khang dừng quyết tâm làm phim về câu chuyện của mình.
Để thuyết phục những nghệ sĩ tên tuổi tham gia dự án phim "Kẻ trộm chó", Khang gặp từng người và kể cho họ nghe về câu chuyện của mình.
Nhiệt huyết của anh đã khiến mọi người lắng nghe và không ai "bàn ra" nữa, mỗi người một tay, xúm vào giúp Khang làm phim mà không đòi hỏi cát xê bao nhiêu.
Đó là những cái tên rất nổi tiếng như NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Minh Nhí, diễn viên điện ảnh Lý Hùng, NSƯT Phi Điểu, Phi Phụng, Mạc Can, Linh Sơn, Tiết Cương, Quang Tuấn, Hứa Minh Đạt, Lạc Hoàng Long, Xuân Nghị, Lý Hương, Đinh Mạnh Phúc, Mai Thế Hiệp và cả người đẹp Trương Mỹ Nhân – gương mặt được chú ý tại The Face 2017.
Mặc dù là tác phẩm đầu tay, chủ đề phim lại quá gai góc, phải làm việc với những chú chó và dàn diễn viên có tên tuổi nhưng chàng tân binh đã thể hiện rất tốt vai trò cũng như tố chất đạo diễn của mình.
Ra phim trường, Minh Khang được tất cả dàn diễn viên đình đám răm rắp tuân thủ giờ giấc và tôn trọng sự chỉ đạo của cậu.
Minh Khang bảo: "Đó là sự may mắn của tôi. 65 con người, 65 cái tên, 65 khuôn mặt trong đoàn phim này sẽ mãi mãi không bao giờ tôi quên. Tôi nợ họ một ân tình quá lớn".
Theo Nguyễn Hương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)