Căn bệnh tàn phá sức khỏe Châu Hải My

14/12/2023 08:45:36

Diễn viên Châu Hải My qua đời ở tuổi 57 trong sự tiếc thương của người hâm mộ. Cô đã nhiều năm chịu đựng với bệnh lupus ban đỏ.

Hôm 12/12 vừa qua, giới showbiz chấn động khi hay tin diễn viên Châu Hải My đột ngột qua đời ở tuổi 57 sau khi nhập viện cấp cứu.

Theo nguồn tin từ giới giải trí Hoa ngữ, cô mất vì di chứng của căn bệnh Lupus ban đỏ. Nhiều năm qua, minh tinh sinh năm 1966 chống chọi với căn bệnh nhưng giấu người thân.

Căn bệnh tàn phá sức khỏe Châu Hải My

1. Lupus ban đỏ là bệnh gì?

Lupus ban đỏ được chia thành 2 thể chính là: Lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống, Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn. Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể. Hiện, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu.

Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

Cơ chế gây bệnh lupus ban đỏ

Vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus,...). Tuy nhiên, trong cơ thể bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là vật lạ nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, có một số giả thiết tạm chấp nhận là lupus ban đỏ hệ thống là hệ quả của sự tương tác qua lại của nhiều yếu tố.

Trong đó, có một số yếu tố có vai trò nổi bật hơn hẳn như:

Di truyền: Người có tiền sử gia đình anh chị em ruột bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường
Môi trường: Do các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với các loại hóa chất, ánh nắng mặt trời

Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở giới nữ trong độ tuổi sinh sản,... Ngoài ra, một số thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.

2. Biểu hiện của lupus ban đỏ như thế nào?

Do là một bệnh hệ thống, lupus có biểu hiện hầu hết các cơ quan. Đồng thời, các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.

Da: Đây là triệu chứng thường dễ nhận thấy nhất. Có đến 3/4 số bệnh nhân tự thấy các ban đỏ nổi bất thường trên da. Trong đó, hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus. Ngoài ra, thương tổn trên da còn gặp ở những vùng hở khác như cổ, bàn tay,... Các tổn thương này nhìn chung rất nhạy cảm với ánh nắng. Nếu tiến triển lâu dài, sang thương có thể bị teo đi ở phần giữa, do đó, còn gọi là “Hồng ban dạng đĩa”. Một số thương tổn có thể quá sản phì đại. Bên cạnh đó, tổn thương da do lupus còn có dạng các bọng nước, dát xuất huyết. Niêm mạc trong miệng, vùng hầu họng dễ lở loét nhưng không đau. Tóc vàng, dễ gãy và rụng nhiều.

Tim: bệnh nhân có thể biểu hiện đau ngực, khó thở giống viêm cơ tim, màng tim. Đôi khi bệnh đã diễn tiến nặng, gây suy tim.

Phổi: Triệu chứng của viêm phổi, viêm màng phổi cũng hay gặp và có thể suy hô hấp.
Khớp: Viêm khớp là một biểu hiện rất hay gặp, làm cho bệnh nhân khó vận động và đi lại.
Máu: Đa số người bệnh đều có thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng với biểu hiện da xanh, niêm nhạt, môi tái, hạn chế khả năng gắng sức. Xét nghiệm huyết đồ thấy có thể giảm cả ba dòng tế bào máu: Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Thận: Viêm thận do lupus là một chẩn đoán thường gặp trong nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Người bệnh đến khám có thể do tiểu đục, tiểu máu, phù toàn thân, tăng huyết áp. Xét nghiệm nước tiểu thấy bất thường và đôi khi có thể cần xác chẩn bằng sinh thiết thận.

Tâm thần kinh: Một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn phương hướng, giảm tri giác, mất trí nhớ. Đôi khi có đau đầu dữ dội hay co giật toàn thân. Các triệu chứng tâm thần kinh có thể nặng thêm trong trường hợp dùng corticoid liều cao và kéo dài.

Ngoài ra, thực tế trên lâm sàng, phần lớn các bệnh nhân đến khám vì các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ âm ỉ, rụng tóc, viêm loét miệng kéo dài, đau các khớp nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp chỉ vì bị đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Các triệu chứng của lupus thường diễn biến thành những đợt cấp tính, xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi xác chẩn được bệnh thì có thể đã chậm trễ vài năm.

Căn bệnh tàn phá sức khỏe Châu Hải My - 1
Ban cánh bướm xuất hiện trên mặt bệnh nhân lupus ban đỏ

3. Bệnh Lupus ban đỏ nguy hiểm như thế nào?

Bệnh lupus ban đỏ thường có diễn biến rất phức tạp theo từng đợt và đợt bệnh sau thường có xu hướng nghiêm trọng hơn đợt bệnh trước. Nếu không được áp dụng các phương pháp điều trị hợp lý, bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, thậm chí có thể gây tử vong. Dưới đây là một số biến chứng bệnh thường gặp:

- Gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở tim như viêm cơ tim, suy tim mạn tính, thậm chí là trụy mạch khiến bệnh nhân tử vong đột ngột.

- Gây thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu, đông máu, tắc mạch máu và viêm thành mạch.

- Gây khó thở, suy hô hấp cấp và những vấn đề nghiêm trọng tại phổi.

- Gây suy thận.

- Người bệnh có thể bị co giật, rối loạn tâm thần.

- Thiếu máu, xuất huyết não.

- Tình trạng nhiễm trùng tiến triển nhanh chóng gây nhiễm khuẩn huyết dẫn tới sốc, thậm chí là tử vong.

4. Một số thói quen phòng ngừa các biến chứng của bệnh Lupus ban đỏ?

- Người bệnh cần ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý.

- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu phải ra ngoài giữa trời nắng thì nên bôi kem chống nắng, mặc áo chống nắng và đội mũ nón để bảo vệ da.

- Không hút thuốc lá.

- Tăng cường tập thể dục để năng cao sức đề kháng cho cơ thể.

- Thực hiện ăn uống khoa học, ưu tiên những loại thực phẩm như rau củ quả và các loại hạt.

- Bổ sung vitamin D, canxi, dầu cá,...

- Loại bỏ căng thẳng và giữ tinh thần luôn vui vẻ, suy nghĩ tích cực.

- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe theo lịch khám của bác sĩ.

Bệnh Lupus ban đỏ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm, việc kiểm soát bệnh hiệu quả sẽ không quá khó khăn. Do đó, nên thường xuyên thăm khám định kỳ và nếu có biểu hiện bất thường hay đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán bệnh.

Thùy Dương (SHTT)