Năm 1990, có một vụ án từng gây chấn động cả nước khi số nạn nhân lên đến con số triệu người. Thủ phạm vụ án lừa đảo kinh điển ấy không ai khác chính là đại gia số 1 Sài Gòn, chủ hãng nước hoa tiếng tăm Thanh Hương - Nguyễn Văn Mười Hai.
Và trong số hàng triệu người bị lừa, có gia đình ca sĩ Đoan Trường. Cũng như tất cả những nạn nhân khác, gia đình anh không lấy lại được 1 đồng 1 cắc nào trong số gần 50 cây vàng đem đi gửi. Chính biến cố đó đã khiến gia đình anh rơi vào tận cùng khó khăn.
Bố mẹ suýt chia tay vì bị lừa mất gần 50 cây vàng
Đoan Trường nhớ lại, hồi mới giải phóng, nhà anh có khoảng gần 50 cây vàng là tiền dành dụm, của cải ông bà để lại. Thời đó, người dân Sài Gòn đa số còn đi xe cup, nhà cao tầng như bây giờ cũng chưa có, internet lại càng không, nhà nào có chiếc điện thoại bàn đã là giàu lắm chứ đừng nói tới điện thoại di động.
Lúc đó, ông Nguyễn Văn Mười Hai đã đi xế hộp, có cả đoàn vệ sĩ mặc comple đi theo. Vào giờ vàng trên truyền hình còn phát cả quảng cáo nước hoa Thanh Hương do ca sĩ hát. Nước hoa Thanh Hương được người dân thời bấy giờ rất ưa chuộng.
Bởi thế, uy danh của ông Nguyễn Văn Mười Hai được người người biết tới. Đầu những năm 80, đại gia Nguyễn Văn Mười Hai "huy động vốn" từ nhân dân để mở rộng sản xuất nước hoa Thanh Hương với lãi suất lên tới 15% 1 tháng.
Chính vì con số lãi suất quá lớn nên hàng triệu người dân, những người có chút của ăn của để đều đổ xô đi gửi tiền tại cơ sở nước hoa Thanh Hương. Thời điểm đó, chưa có kênh đầu tư để tiền sinh lời nên đa số các gia đình ở miền Nam đều gửi vào cơ sở nước hoa Thanh Hương của ông Nguyễn Văn Mười Hai.
Đoan Trường kể: "Họ lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Bố mẹ tôi cũng gửi. Được chừng vài năm thì công ty phá sản. Vụ việc vỡ lở, số tiền mà đại gia Nguyễn Văn Mười Hai đã lừa đảo, chiếm đoạt từ người dân lên tới 37 tỉ đồng. Thời đó, 1 tỉ đồng có thể mua được mấy nghìn lượng vàng.
Lúc đó luật kinh tế chưa có nên gia đình tôi cũng như tất cả các gia đình khác ở miền Nam gửi tiền đều mất trắng, không được đền 1 đồng.
Vì chuyện này mà bố mẹ tôi suýt chia tay. Hai ông bà giận nhau lắm. May mắn là lúc mẹ tôi đem vàng đi gửi thì bố bằng mọi giá giữ lại số nữ trang của bà nội để lại.
Đó là đồ gia bảo nên có nghèo đói cũng nhất định không cầm, bán mà để lại cho con cháu. Hiện giờ, tôi vẫn đang giữ số trang sức đó".
Quyết tâm đổi đời
Theo lời Đoan Trường thì từ khi mất hết gần 50 cây vàng, gia đình anh rơi vào tận cùng khó khăn. Bố anh vốn là giáo viên dạy thể dục, từng tốt nghiệp ở Pháp về.
Còn mẹ là công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm ở công ty thuốc lá. Với đồng lương công nhân viên chức ít ỏi lại nuôi 2 đứa con nên gia đình anh rất túng thiếu.
"Tôi nhớ hồi đó, muốn ăn 1 miếng thịt gà cũng khó. Hầu như ngày nào cũng chỉ cơm với rau muống, nước luộc rau. Lâu lâu có miếng thịt mỡ ăn cùng và cả nhà đều ở ngôi nhà cấp 4.
Ngoài công việc ở công ty, mẹ tôi thức đêm thức hôm để làm bánh bông lan, bánh bò, bánh xà phòng đem bỏ mối các chợ để cải thiện kinh tế. Mẹ tôi học nữ công gia chánh ở trường Tây ra nên rất khéo tay. Nhưng có cố gắng bao nhiêu thì cũng không thể cải thiện được kinh tế trong nhà sau biến cố đó.
Còn bố là giáo viên thể dục nên không dạy thêm được. Nhiều lúc bố muốn mua 1 điếu thuốc cũng phải đắn đo, suy nghĩ xem với số tiền đó, mình có thể mua được cho con 1 chiếc bánh hay không.
Chính vì trải qua những ngày tháng sống cực khổ đó, chứng kiến sự vất vả của bố mẹ nên tôi quyết tâm mình phải thành đạt, phải khá giả để lo được cho bố mẹ. Và chỉ có tri thức mới giúp mình đổi đời. Thế là tôi lao vào học.
Tôi là top 10 những sinh viên đỗ điểm cao nhất Đại học Bách Khoa năm đó và được nhận học bổng du học ở Nga. Qua đó học, tôi nỗ lực kiếm tiền, đi hát và tổ chức chương trình, làm bầu show đón các nghệ sĩ Việt Nam qua biểu diễn.
Cứ 3 tháng tôi lại gửi tiền về nhà 1 lần, vừa đỡ đần kinh tế trong nhà, vừa lo cho em gái đi học. 6 năm ở Nga, trong khi các bạn ở ký túc xá, tôi thuê được nhà bên ngoài ở và có xe hơi riêng", Đoan Trường tâm sự.
Ở nhà 2.000 cây vàng vẫn đi dép lê, chạy honda cà tàng
Khi Đoan Trường về nước, song song với công việc là phó giám đốc 1 công ty đa quốc gia, anh vẫn tiếp tục theo con đường nghệ thuật và khá thành danh vào cuối thập niên 90 đầu những năm 2000.
Mặc dù đã có tiền tiêu rủng rỉnh nhưng Đoan Trường vẫn đau đáu về 50 cây vàng của gia đình từng bị lừa mất và những năm tháng cực khổ của cả nhà nên anh lo cho bố mẹ không thiếu thứ gì, sắm sửa từ tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện, bàn là.
Anh cất lại ngôi nhà khang trang thành 4 tầng lầu trên chính căn nhà cấp 4 của cha mẹ để lại. Xây nhà xong, trong túi anh chỉ còn đúng 100.000 đồng nhưng chưa bao giờ Đoan Trường than thở hay vay mượn bạn bè.
Ngôi nhà này hiện tại được định giá gần 2.000 cây vàng vì nằm trên mặt tiền con đường huyết mạch ở trung tâm Sài Gòn.
Đoan Trương chia sẻ: "Năm 70 tuổi, bố tôi bị tiểu đường, cao huyết áp và đau tim. Theo yêu cầu của bác sĩ, tôi phải kiểm soát chế độ ăn uống của bố lại, không ăn ngọt, không rượu bia, thuốc lá, không ăn mỡ...
Tới năm 80 tuổi, bố gọi tôi lại và bảo "Bố thấy 80 tuổi là quá dài của 1 đời người rồi. Con cho bố được hưởng thụ trở lại". Tôi đồng ý. Từ đó, bố thích uống bia thì uống bia, thích uống rượu hay cà phê thì uống, thích ăn thịt mỡ thì ăn và 5 năm sau, bố tôi mất.
Mẹ tôi giờ đã hơn 90 tuổi và cũng đang phải kiêng cữ y như bố hồi xưa nhưng may mắn là tôi vẫn có mẹ ở bên để thấy cuộc đời mình ý nghĩa".
Hỏi Đoan Trường, có phải vì ám ảnh tuổi thơ nghèo khổ nên giờ ở nhà 2.000 cây vàng nhưng anh vẫn tiết kiệm không. Anh thành thật tâm sự:
"Hồi xưa tôi từng thắc mắc, tại sao bố không chuyển qua làm công việc khác mà chấp nhận làm giáo viên với đồng lương ít ỏi như vậy. Nhưng sau này thì tôi hiểu. Bố tôi thích cuộc sống an toàn, bình lặng. Và cách sống đó của bổ đã ảnh hưởng rất rõ lên cuộc đời tôi.
Đúng là bây giờ tôi ở nhà trị giá 2.000 cây vàng với đầy đủ tiện nghi, đi du lịch nước ngoài thường xuyên nhưng tôi vẫn chạy xe máy cà tàng, mặc áo thun chợ, không xài hàng hiệu, đi du lịch thì sẵn sàng lê la khắp nơi, trùm mền ngủ sân bay...
Bởi tôi quan niệm, ăn gì cũng được, mặc gì cũng được, đi xe gì cũng được vì tất cả những thứ đó chỉ là phương tiện cho tôi đạt được hạnh phúc trong cuộc đời này. Và cách nghĩ này của tôi y chang bố. Tôi hạnh phúc vì được thừa hưởng nhiều điều từ bố mẹ".
Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)