Mừng vì con gây được cảm tình với nhiều người
Ca sĩ Long Nhật từng nói rằng, anh không được bố ủng hộ theo nghiệp ca hát. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện này được không ạ?
Gia đình tôi 3 đời làm quan lại triều đình Huế nên nặng nếp sống phong kiến. Người xưa nói "sướng ca vô loài" đề chỉ nghề đi hát. Triều đình Huế cũng có quy định, con nhà hát thì không được đi thi.
Khi nói về những người làm nghề này, người ta dùng từ "con hát". Thậm chí tôi còn nói với Long Nhật: "Con muốn người ta sau này gọi con là thằng hay là thầy là bác? Con đã bao giờ nghe ai gọi ông ca sĩ chưa hay đều gọi là thằng ca sĩ".
Nói thế để thấy rằng, những người làm công việc này không được xã hội và người đời quý trọng. Tôi muốn Long Nhật theo nghề truyền thống của gia đình: Thầy thuốc hoặc thầy giáo nhưng Long Nhật thích hát quá, trốn tôi đi hát.
Tôi bắt về, Long Nhật lại trốn đi. Mẹ của Long Nhật thì chiều con, thương con, giấu tôi cho Long Nhật đi hát. Tôi can hoài không được thì đành đất không nghe trời thì trời phải chịu đất.
Còn hiện tại, cảm giác của ông như thế nào khi cái tên Long Nhật được nhiều khán giả biết đến?
Lúc đầu tôi lo nghệ sĩ sống phiêu bạt, long đong nhưng giờ tôi mừng vì Long Nhật sống nghiêm túc, gây được cảm tình cho nhiều người. Tôi rất hài lòng.
Ông có đọc những gì báo chí viết về con trai mình không?
Có. Tôi đặc biệt thích đọc báo giấy. Những bài viết về Long Nhật tôi đều lưu lại. Báo mạng tôi cũng xem và lưu lại trong máy. Long Nhật bây giờ là niềm tự hào của gia đình và tôi yên tâm một điều là con mình không bị người khác xem thường, không xì xào điều tiếng gì.
Vậy còn giai đoạn trước đó, ca sĩ Long Nhật từng khiến báo chí và dư luận ồn ào về tin đồn giới tính. Ông có khi nào la mắng hay giận con về chuyện này?
Người ta đồn Long Nhật bê đê vì Long Nhật đóng vai giả gái quá nhiều. Tất nhiên, khi nghe người ta bàn tán xì xào, tôi cũng bực nhưng Long Nhật là nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì phải làm tròn vai diễn của mình mới là nghệ sĩ giỏi. Điều đó có thể dẫn tới những hiểu lầm và dư luận trái chiều nên tôi không còn bận tâm nữa.
Thời gian đó, tôi không giận nhưng có nhắc nhở con. Tôi dặn Long Nhật làm gì cũng đừng quá đáng. Đừng chăm chút son phấn nhiều, làm đúng vai diễn của mình là được rồi.
Vợ Long Nhật ruột để ngoài da, không để bụng ai bao giờ
Thưa ông, người Huế nổi tiếng khó. Và theo lời kể của ca sĩ Long Nhật thì bố còn là người rất nghiêm khắc nữa?
Do ảnh hưởng nếp sống phong kiến nên gia đình, dòng họ nhà tôi rất nghiêm khắc về tôn ti trật tự. Tôi có một người em họ, năm tôi 17, 18 thì người em đó 80 tuổi.
Mỗi lần gặp, tôi hỏi "khỏe không chú Sáu" vậy mà em họ tôi khoanh tay nói: "Dạ thưa anh, anh mới về". Người 80 tuổi mà khoanh tay thưa anh với người 18 tuổi chỉ vì trong họ, thứ bậc như vậy.
Kể cả người em ruột, kém tôi có 2 tuổi nhưng cũng rất sợ tôi. Tôi nói cái gì chú ấy nghe cái đó.
Vậy điều ông vẫn thường răn dạy con trai mình là gì ạ?
Ra đường phải nghiêm trang, đàng hoàng. Nói với ai cái gì phải giữ lời cái đó. Ai quý trọng mình thì mình phải quý trọng lại, biết nhường nhịn.
Ngày xưa các cụ học nho dạy con cháu, tôi dạy lại con mình. Con người khi ra ngoài xã hội quý nhất chữ tín. "Nhân vô tín bất dụng", con người không có chữ tín thì không dùng được. "Nhân vô tín bất lập", người không có chữ tín thì không thể đứng vững.
Con đừng khinh rẻ ai, dù họ nghèo khó. Giúp được ai điều gì thì giúp, giúp thì đừng nhớ, mang ơn thì đừng quên. Không làm ác. Trong tầm tay làm được hẵng nói, không làm được thì không nói.
Đó là đối với con trai, còn với con dâu thì sao, thưa ông?
Người xưa nói Huế là đất vua chúa nên khó khăn. Họ còn có câu hò rằng "một thương hai nhớ ba tình/ Lấy thầy thì lấy về kinh không về".
Thời xưa, những người Huế ra Ninh Bình, Nam Định làm quan đều năm thê bảy thiếp nhưng không ai muốn theo quan thầy về Huế, sợ mẹ chồng khó khăn, ăn uống bắt bẻ. Nhưng người Huế không khó theo kiểu đó. Người Huế khó ở tôn ti trật tự, nề nếp, thứ bậc trong gia đình dòng tộc, đâu phải ra đó.
Vợ Long Nhật còn trẻ, có những suy nghĩ chưa tới nhưng tâm tốt, ruột để ngoài da, không để bụng điều gì nên tôi thương và rất quý con dâu.
Vợ Long Nhật không làm dâu gia đình tôi. Ngân ở với bố mẹ đẻ tại Hải Phòng vì ông bà thông gia chỉ có mình Ngân vì cô em gái lấy chồng và định cư ở nước ngoài.
Ông bà thông gia nói với tôi: "Anh nhiều cháu, chúng tôi thì chỉ có mình nó. Giờ nó đi thì vợ chồng tôi không có ai cả. Thôi thì anh chị cho nó ở lại ngoài Hải Phòng với vợ chồng tôi".
Tôi suy nghĩ thấy phải. Cháu ngoại của hai ông bà thông gia nhưng là cháu nội tôi. Cháu nội cháu ngoại tôi có 9, 10 đứa nên đồng ý cho con dâu và cháu ở Hải Phòng với ông bà ngoại. Mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết và hè thì vợ Long Nhật lại đưa các cháu vô thăm.
Tình Đời: Long Nhật - Trúc Chi. |
Mỗi lần vợ Long Nhật vô Huế thăm vợ chồng tôi là đều ôm vai ôm cổ bố mẹ chồng. Lúc đi thì khóc lóc, bịn rịn. Các cháu mỗi tuần gọi điện cho ông nội một lần. Người tuy xa cách nhưng tình cảm gắn bó.
Cảm ơn ông đã chia sẻ và chúc bác luôn mạnh khoẻ ạ!
Nhà thơ, nhà thư pháp Nguyệt Đình tên thật là Đinh Khắc Duyệt. Ông sinh năm 1938 và hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp Huế. Ông từng đạt nhiều giải thưởng thơ của Hội Nhà báo, Hội Nhà văn Việt Nam.
Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)