Hình ảnh của một sự kiện không chỉ quan trọng ở khâu tổ chức mà còn nằm ở việc mỗi cá nhân tham dự có văn hóa cư xử ra sao, nhất là khi những khách mời này là nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng, được xếp ngồi vào hàng ghế đẹp.
Trong một lễ trao giải âm nhạc trực tuyến gần đây, nhiều khách mời đã bày tỏ thái độ ngạc nhiên vì số lượng nghệ sĩ ra về khá nhiều trong khi chương trình diễn ra chưa được một nửa. Hay một số người khác lại cho biết, đến cuối chương trình, hàng ghế họ ngồi (một trong những vị trí đẹp của chương trình) các nghệ sĩ bỏ về đến 8 – 9 người, để lại những khoảng trống không đẹp mắt ở những hàng ghế VIP. Vô hình trung, điều này trở thành góc nhìn khá xấu xí, ảnh hưởng đến hình ảnh của một sự kiện lớn. Trong khi đó, lễ trao giải này lại có tính chất vinh danh đến hoạt động nghệ thuật mà họ đang làm việc.
Hình ảnh minh họa các sao đi sự kiện |
Vậy, câu hỏi đặt ra là "Lý do cho văn hóa đi sự kiện chưa đẹp của sao Việt ở đây là gì? Có phải các ngôi sao chỉ chịu nán lại khi họ phải có sự ràng buộc hoặc phải đảm nhận vai trò đặc biệt gì đó trong chương trình?".
Việc một ngôi sao bỏ về trong sự kiện có thể do nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân chính đáng là do ngôi sao kí hợp đồng xuất hiện trong sự kiện với khoảng thời gian cố định, chính vì vậy sau khi hoàn thành thì họ có thể ra về trước khi chương trình kết thúc. Trường hợp này thường chỉ dành cho các ngôi sao đang hot bậc nhất mà nhà tổ chức muốn có sự xuất hiện của họ trong sự kiện của mình.
Các nguyên nhân còn lại thì thường thấy nhất là do nhiều sao phải chạy nhiều show trong một đêm. Đây là điều mà nhà sản xuất và người nghệ sĩ đương nhiên có sự thỏa thuận trước khi nhận lời tham gia. Tuy nhiên ở góc nhìn khán giả, hiển nhiên họ sẽ cho rằng đa phần các nghệ sĩ khách mời chỉ nhận lời tham gia một cách qua loa, xuất hiện trên thảm đỏ cho có hình lên báo rồi ra về; đồng thời đánh giá đây là một hành động ứng xử thiếu văn minh, hoặc gán cho người nghệ sĩ mắc "bệnh ngôi sao".
Một khía cạnh khác, nhiều nghệ sĩ nghĩ rằng việc mình đã đến ở phần đầu sự kiện như một nghĩa vụ đã hoàn thành, không nhất thiết phải ở lại đến cuối vì có thể họ cảm nhận mình không có nhiều vai trò tại sự kiện đó. Nhưng nếu ai cũng nghĩ như vậy, tưởng tượng mọi người đều bỏ ra về trong khi chương trình chưa kết thúc thì uy tín nhà tổ chức, kể cả văn minh ứng xử của khách mời đều sẽ bị đem ra đánh giá.
Quay về với lễ trao giải âm nhạc trực tuyến vừa qua, bên cạnh những nghệ sĩ bỏ về sớm, có thể nhìn thấy những tên tuổi lớn như Hồ Ngọc Hà vẫn đến đúng giờ và nán lại tại sự kiện đến cuối cùng. Cô được nhiều người tham dự đánh giá cao bởi văn hóa tham dự một sự kiện lớn nghiêm túc và có trách nhiệm. Đương nhiên sau phần diễn của mình, cô có thể ra về, nhưng lại không làm thế. Hành động này có thể xem như sự tôn trọng mà một ngôi sao lớn dành cho chương trình mà họ nhận lời trở thành một phần; đồng thời là sự cổ vũ đến các đàn em được vinh danh trong đêm trao giải.
Mỗi nghệ sĩ tham gia vào sự kiện cũng giống như một khán giả, cũng đều mang ý nghĩa đặc biệt và là sự tôn trọng mà nhà tổ chức mong muốn họ góp phần tạo nên thành công cho chương trình. Khi đã quyết định nhận lời, người nghệ sĩ nên dành sự tôn trọng đáp lại sự tin tưởng về mặt hình ảnh mà tập thể chương trình dành cho họ. Bởi đi sự kiện cũng như một công việc, tại đó, mọi hành động của người nghệ sĩ cũng đều mang tính chất công việc, vẫn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của họ nếu cách cư xử sai sót.
Một người làm trong truyền thông nhận định, tình trạng nghệ sĩ đến trễ về sớm nhưng một việc không còn quá xa lạ khi anh tham dự các sự kiện. "Có nên chăng cần tồn tại những hợp đồng ràng buộc cụ thể về thời gian khi mời một nghệ sĩ tham gia một chương trình, đặc biệt với quy mô lớn để đảm bảo cho việc họ sẽ có mặt đến cuối chương trình? Nhưng nếu buộc phải như vậy, những yêu cầu đôi bên đưa ra cũng sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều, đôi khi là sự không thoải mái trong mối quan hệ. Tôi cho rằng, ý thức của mỗi nghệ sĩ tham dự sự kiện vẫn là quan trọng nhất. Họ có thể suy nghĩ trước khi gật đầu đồng ý. Nhưng khi đã nhận lời, nghệ sĩ đó cần ý thức được việc họ đã trở thành một phần hình ảnh của chương trình, tránh để ảnh hưởng đến cái nhìn chung", người này bày tỏ ý kiến.
Hà Hồ là nghệ sĩ vẫn nán lại cuối chương trình dù cô biểu diễn tiết mục mở màn trong sự kiện vừa qua |
Tuy nhiên, bản thân nhà tổ chức sự kiện cũng cần có những tính toán, cân nhắc khách mời ra sao để đảm bảo cho chương trình của họ được diễn ra đúng như mong đợi. Theo đó, đối tượng được mời tại mỗi chương trình nên được chọn lựa kỹ càng về mặt hình ảnh có phù hợp với sự kiện hay không, tránh tình trạng để họ cảm thấy mình "không liên quan" đến nội dung chương trình. Đó là điều tiên quyết.
Bên cạnh đó, nhà tổ chức cũng cần đưa ra chính xác lịch trình về thời gian diễn ra để những nghệ sĩ tham gia có được sự sắp xếp hợp lý nhất. Nếu nghệ sĩ không đáp ứng được thời gian ở lại đến cuối sự kiện như nhà tổ chức mong muốn, thì việc cố "ép uổng" họ tham gia ở phần đầu chương trình để rồi phải ra về giữa chương trình thì lỗi thuộc về cách tổ chức của nhà làm chương trình.
Anh H. - một người có kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình giải trí cho biết, hiện nay, nhiều người vẫn có suy nghĩ chĩa "mũi dùi" vào các ngôi sao, nghệ sĩ tham gia và vội vàng đánh giá hành động bỏ về của họ. Tuy nhiên, anh muốn đặt ra một câu hỏi khai thác góc nhìn khác về sự việc này đó là trách nhiệm của nhà tổ chức ở đâu trong câu chuyện này? "Nghĩa là khi một người nổi tiếng tham dự sự kiện, bạn cần phải cho người đó biết rõ lịch trình và thỏa thuận về trách nhiệm của họ nếu nhận lời. Tôi biết có rất nhiều chương trình lên dự định như vậy nhưng rồi lại bị dịch dời thời gian nhiều, gây ảnh hưởng đến công việc của nghệ sĩ, buộc họ phải ra về sớm là điều không thể trách, miễn sao họ làm đúng như trao đổi đã thống nhất ban đầu", anh nói.
Theo Dã Phong (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)