Ngày 16/12 tới Minh Béo sẽ hầu toà Mỹ lần cuối cùng (nếu không có gì thay đổi) để nhận mức án 18 tháng tù cho hai cáo buộc tội danh của mình. Song việc anh bất ngờ nhận tội vẫn khiến nhiều người không hiểu được.
Còn nhớ hồi ngày 10/8, Minh Béo đã cúi đầu nhận hai trong số ba tội là: “Quan hệ tình dục bằng miệng với thiếu niên dưới 18 tuổi” và "Toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi”. Riêng tội thứ ba là “Hẹn hò gặp gỡ với dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên” anh không nhận nên được tha. Với hai tội danh trên, công tố viên đề nghị mức án là 18 tháng.
Trong suốt buổi, bà Mia Yamamoto không có bất cứ động thái nào vì trước đó, ‘siêu luật sư’ và phía công tố đã điều đình với nhau. Nên khi vào phiên xử, hai hoạt động chính chỉ bao gồm đọc cáo trạng và nhận tội mà không có yếu tố tranh biện nào.
Được biết, hoạt động thương lượng là chuyện rất thường bên Mỹ. Luật sư của phía công tố và luật sư của phía bào chữa sẽ luôn có sự thương lượng với nhau. Vì giả dụ phía công tố cáo buộc Minh Béo ba tội danh nhưng ra tòa chưa chắc đã chứng minh được cả ba tội. Ngược lại, phía bào chữa cũng không biết chắc chắn khi ra tòa với chứng cứ đã chuẩn bị có thể cãi thắng hay không. Do đó phía nào cũng có nguy cơ nhất định sẽ thua hồ sơ, lại mất thời gian.
Đặc biệt theo luật Mỹ, thẩm quyền xét xử thuộc về nhân dân. Toà án ở đây là tòa án nhân dân cùng 12 người trong bồi thẩm đoàn sẽ tham gia xử và quan điểm của bên nào hợp lý hơn sẽ thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Điều kiện để quan toà tuyên án cũng khá nghiêm ngặt vì cần sự đồng nhất của cả 12 người trong bồi thẩm đoàn quyết định người đó có tội hay không có tội.
Song vấn đề nằm ở chỗ cả phía công tố lẫn các biện sư đều không biết trước 12 người này là ai nên khả năng “đi cửa sau” lấy lòng họ là vô phương. Hai bên bèn thoả thuận đưa ra những dự đoán của mình để thương lượng. Mỗi bên đều cho rằng mình sẽ thắng những tội nhất định đồng thời nêu ra yếu điểm của bên còn lại trước khi đi đến đồng thuận cuối cùng. Đây là sơ lược quá trình thương lượng đã diễn ra giữa cơ quan công tố và bà Yamamoto sau mỗi lần hoãn phiên xử.
Nói như vậy không đồng nghĩa luật sư này có toàn quyền định đoạt số phận của Minh Béo khi kết quả của việc thương lượng đó phải có sự đồng ý của anh. Luật sư có nghĩa vụ phải đưa ra các phương án để Minh Béo lựa chọn, ví dụ như cãi đến cùng hay chọn kết quả thương lượng; kết quả này tốt hay không tốt; dữ kiện vốn có có khả năng thuyết phục bồi thẩm đoàn hay không; cãi đến cùng mà thua hồ sơ thì mức án phải nhận nặng hơn như thế nào… Nếu nhận thấy khả năng thuyết phục thành công rất thấp, nguy cơ thua hồ sơ cao thì luật sư sẽ đề nghị nam nghệ sĩ nhận tội.
Nói cách khác, cái gật đầu của nghệ sĩ Minh Béo tại phiên tòa hồi tháng 8 cũng chính là sự đồng thuận của anh với mức án 18 tháng tù. Chính vì đặc trưng của hoạt động thương lượng như vậy nên mức đề nghị 18 tháng của công tố viên, nếu không có sự biến pháp lý gì phát sinh thì đây là kết quả cuối cùng. Minh Béo chỉ còn chờ tuyên án chứ không có gì thay đổi nữa.
Cơ chế “chống gài bẫy” tưởng như cứu được Minh Béo
Một số luật sư người Việt ở Mỹ nhận định vai trò của bà Mia Yamamoto trong vụ việc của Minh Béo chỉ bằng một luật sư bình thường chứ không có gì thêm, nếu không muốn nói là hơi yếu. Chẳng hạn như trong hai tội mà nghệ sĩ Minh Béo thừa nhận, thì tội “Toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi” có cơ sở để cãi văng nhưng siêu luật sư đã bỏ qua.
Bởi lẽ ngay từ đầu, khi nghệ sĩ Minh Béo có hành vi cấu thành tội “Quan hệ tình dục bằng miệng với thiếu niên dưới 18 tuổi”, với tố giác và bằng chứng sẵn có, cảnh sát Mỹ hầu như không có lý do chính đáng để gài người bắt Minh Béo. Luật sư cũ của Minh Béo từng cho hay từ chính lệnh trong hồ sơ được phía cảnh sát đưa ra, nói rằng việc gài chỉ để khiến Minh Béo nhận tội đại hình nêu trên. Song cuối cùng, nam nghệ sĩ này bất ngờ bị cáo buộc thêm một tội nữa.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao phía cảnh sát phải lệnh một thanh tra viên làm “chim mồi” để gài Minh Béo khi đã đủ chứng cứ buộc tội, và việc gài như vậy với mục đích gì để cuối cùng anh bị cáo buộc thêm một tội nữa.
Được biết pháp luật Mỹ có một cơ chế là “entrapment defense” (chống gài bẫy). Cơ chế này sẽ hoạt động nếu như có dấu hiệu cho thấy cách cảnh sát Mỹ gài người biến một người dân từ bình thường thành tội phạm. Điều này cho thấy có thể phía cảnh sát đã lệnh gài người trái phép. Từ đó, cơ sở để cấu thành tội “Toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi” không đủ vững vàng và có thể gỡ được.
John DeLorean vui mừng bên vợ khi rời khỏi toà (1982). |
Chưa kể hai tội “Toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi” và “Hẹn hò gặp gỡ với dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên” có liên đới với nhau. Nếu Minh Béo không nhận thành công một tội thì tội còn lại cũng có khả năng cãi thắng.
Trong lịch sử tư pháp Mỹ từng có một vụ kiện tụng động trời đó là cảnh sát cáo buộc thiên tài chế tạo xe hơi đến John DeLorean vì hành vi buôn cần sa, bạch phiến hồi năm 1982. Ông trùm hãng xe thể thao cùng tên đã bị bắt gây chấn động dư luận Mỹ lúc bấy giờ. Song sau nhiều phiên xử, cuối cùng luật sư của DeLorean đã cãi thắng nhờ cáo buộc việc cảnh sát cho người gài ông, thành ra ông không bị tội, quan toà phải tuyên trắng án. Đây cũng là một vụ kiện tiêu biểu của cơ chế chống gài bẫy trong pháp luật Mỹ.
Đáng tiếc luật sư của nghệ sĩ Minh Béo đã bỏ qua chi tiết này mà không thương lượng thêm. Vào ngày 16/12 sắp tới, nam nghệ sĩ sẽ ra hầu toà lần cuối để nghe toà tuyên án nếu không có gì thay đổi. Với mức đề nghị 18 tháng tù thì Minh Béo sẽ phải ở tù thêm 9 tháng (tính từ ngày tuyên án là ngày 16/12) ở tù tiểu bang.
Theo Gia Bảo (VietNamNet)