Những lý do như môi trường ô nhiễm, hút thuốc, sử dụng đồ uống cồn, chế độ ăn uống thiếu chất… đang dần khiến môi bạn mất độ hồng hào vốn có. "Để duy trì làn da môi khỏe mạnh, hãy giữ ẩm tốt cho chúng – Bác sĩ da liễu Marnie B. Nussbaum, thành phố New York, Mỹ".
1. Chú ý thành phần trong son dưỡng
Da môi mỏng, nhạy cảm và không chứa tuyến dầu như các vùng da còn lại nên dễ bị khô hơn. Môi khô do thiếu ẩm là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng môi thâm. Vì vậy, dưỡng môi là bước không thể bỏ qua để dưỡng ẩm cho đôi môi.
Bạn nên kiểm tra kỹ bảng thành phần son dưỡng trước khi quyết định sử dụng. Hyaluronic acid, Glycerol, Vitamin E và bơ hạt mỡ được xem là những thành phần lý tưởng trong sản phẩm dưỡng môi. Bạn nên tránh những sản phẩm chứa hương liệu, cồn, dầu khoáng, parabens…
2. Tẩy da chết
Tẩy da chết là quá trình loại bỏ các tế bào da chết khỏi bề mặt da gồm hai phương pháp phổ biến là tẩy tế bào chết vật lý và tẩy tế bào chết hóa học. Tẩy da chết cho môi có thể giúp loại bỏ tế bào da chết và kích thích tăng trưởng tế bào mới. Điều này có thể giúp làm giảm sự xuất hiện của tình trạng thâm môi đồng thời làm cho môi trông sáng hơn và đều màu hơn.
Tẩy da chết vật lý
ELLE gợi ý nàng cách tẩy tế bào chết vật lý dịu dàng tránh ma sát và tổn thương cho da môi vốn mỏng manh: Thoa lớp dưỡng môi dày trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy, bạn sử dụng khăn mỏng hoặc những sản phẩm tẩy da chết vật lý với các hạt mịn nhỏ, nhẹ nhàng lau đi tế bào chết đã được làm mềm bởi lớp dưỡng.
Các chất hóa học được sử dụng trong sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học thường hoạt động bằng cách phá vỡ liên kết của các tế bào da, loại bỏ tế bào chết theo cơ chế tự nhiên và giúp tăng cường collagen để hình thành tế bào mới. Tẩy da chết hóa học không cần sử dụng lực để massage hay tác động vào môi để lấy da chết. Bạn chỉ cần thoa lên môi, không cần rửa đi và để sản phẩm lấy đi lớp da chết, kích thích sản san collagen, tăng cường hình thành tế bào mới từ đó giúp da môi mềm mịn hơn. Bạn chỉ cần thoa sản phẩm lên môi, không cần rửa lại và không cần sử dụng lực như phương pháp vật lý, sau đó thoa thêm son dưỡng và đi ngủ.
3. Làm sạch sâu đôi môi trước khi ngủ
Làm sạch môi trước khi đi ngủ là thói quen cần thiết để ngăn ngừa môi bị thâm. Dù đôi môi trông có vẻ không có dấu vết của son hay bất kỳ sản phẩm nào trên môi, đôi môi vẫn có thể còn sót bụi mịn do ô nhiễm không khí tăng cao. Vì vậy, bạn nên tẩy trang thật kỹ nhằm hỗ trợ các bước dưỡng môi sau đó hoạt động hiệu quả nhất.
4. Hạn chế liếm môi
Chúng ta thường có thói quen liếm môi trong vô thức, nguyên nhân có thể do môi khô, hoặc tâm lý lo lắng, căng thẳng. Nếu bạn đang gặp tình trạng thâm môi, hãy chú ý xem mình có vô thức liếm môi không. Trong nước bọt có chứa các enzym gây tổn thương lớp trên cùng của da, dễ khiến môi trở nên nhạy cảm và thậm chí khô hơn. Giải pháp là luôn mang theo son dưỡng bên cạnh để sử dụng.
5. Sử dụng lớp lót trước khi tô môi son
Theo bác sĩ Richa Singh – bác sỹ cố vấn tại phòng khám Junoesque cho biết: “Son môi có thể là nguyên nhân tiềm ẩn khiến môi thâm. Vài chất hóa học có trong son môi có thể làm môi tối màu sau một thời gian sử dụng”. Những thành phần đó có thể kể đến như: Acid ricinoleic, Fatty acid esters, Magnesium, Glycerol ester of gum rosin (ester gum), Chromium (Cr),… Vì vậy, sử dụng lớp lót trước khi đánh son có thể ngăn các thành phần trên tiếp xúc trực tiếp với da môi, từ đó giảm thiểu tình trạng môi xỉn màu.
Đầu tiên, thoa lớp mỏng son dưỡng môi để cấp ẩm. Sau đó, sử dụng lượng nhỏ kem che khuyết điểm, tập trung vào phần tối màu. Cuối cùng là đánh son. Son dưỡng ẩm và kem che khuyết điểm ngoài lợi ích bảo vệ đôi môi, còn giúp màu son lên môi chuẩn hơn.
6. Chống nắng kỹ
Bạn nên sử dụng son môi chống nắng có chỉ số SPF 15 trở lên hàng ngày. Theo Healthline, sử dụng son chống nắng có chỉ số từ 15 trở lên mỗi ngày, ngay cả trong những ngày nhiều mây hoặc có mưa giúp làm chậm các dấu hiệu lão hóa và tình trạng thâm môi. Zinc Oxide, Titanium dioxide, Avobenzone hoặc Ecamsule là những thành phần nhiều chuyên gia da liễu gợi ý khi tìm kiếm sản phẩm son môi chống nắng. Vì những thành phần này mang lại khả năng bảo vệ da môi hiệu quả trước tia UV.
7. Uống đủ nước
Ngoài việc dưỡng ẩm cho môi, điều quan trọng là uống đủ nước để cấp ẩm tự nhiên cho môi. Mất nước có thể khiến môi xỉn màu và khô, cũng như làm môi sẫm màu hơn. Bạn có thể uống trà, nước gạo rang, nước ép, sinh tố,… cũng như các loại nước uống lành mạnh khác để giữ cho cơ thể đủ nước.
8. Ăn đủ chất
Sự thiếu hụt vitamin cũng có thể dẫn đến tình trạng môi thâm. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách lựa chọn trái cây, rau củ giàu vitamin và khoáng chất trong bữa ăn.
Các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng bao gồm trái cây, rau củ tươi, thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các loại đậu là những thực phẩm nên ưu tiên trong lựa chọn bữa ăn của bạn. Bữa ăn cần đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng giữa các nhóm chất để nuôi dưỡng đôi môi khỏe mạnh.
9. Hạn chế hút thuốc
Hút thuốc là thói quen kém lành mạnh khiến môi bị thâm nhanh chóng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cơ thể. Nicotine và nhiệt độ khi hút thuốc là những nguyên nhân khiến môi bị thâm, vài trường hợp có thể xuất hiện các đốm màu tím hoặc đen. Vì hút thuốc khiến lưu lượng máu đến môi bị hạn chế nên lượng oxy và chất dinh dưỡng mà môi nhận được sẽ giảm đi, khiến cho môi tối màu.
Theo Lenna (Tạp Chí Phái Đẹp Elle)