1. Chăm sóc vệ sinh răng miệng đều đặn
Chắc chắn rồi, cách đầu tiên và cũng là một trong những cách giữa hơi thở thơm tho hiệu quả nhất đó chính là vệ sinh răng miệng đều đặn. Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và sau khi ăn uống. Sử dụng kem đánh răng có chứa chất chống vi khuẩn và chất tạo mát để làm sạch răng và nướu. Đừng quên chải lưỡi và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
Lưu ý không chải răng quá mạnh tránh gây tổn thương cho men răng và lợi. Bạn nên chải răng nhẹ nhàng, nhưng đủ kỹ để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng nên thay mới bàn chải sau khoảng 2-3 tháng sử dụng, hoặc khi lông bàn chải bắt đầu biến dạng, mất đàn hồi hoặc xuất hiện dấu hiệu của vi khuẩn tích tụ. Thay bàn chải thường xuyên giúp đảm bảo rằng bạn đang sử dụng một bàn chải răng sạch sẽ và hiệu quả.
2. Sử dụng nước súc miệng
Sử dụng nước súc miệng là một phương pháp hiệu quả để làm sạch khoang miệng và ngăn chặn hôi miệng. Nước súc miệng giúp giết chết vi khuẩn gây hôi miệng và loại bỏ mảng bám, đồng thời mang lại hơi thở thơm mát.
Khi chọn nước súc miệng, bạn nên chọn những sản phẩm có khả năng giết chết vi khuẩn, không chỉ đơn thuần là khử mùi. Đọc kỹ thành phần trên bao bì để đảm bảo sản phẩm chứa các chất kháng khuẩn hiệu quả. Bên cạnh đó bạn cũng cần lưu ý nước súc miệng có cồn có thể gây khô miệng khi sử dụng lâu dài. Nếu bạn gặp vấn đề về khô miệng, hãy chọn loại không cồn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nha khoa để tìm giải pháp phù hợp.
Nếu bạn muốn tự pha chế nước súc miệng tự nhiên, bạn có thể sử dụng baking soda (bột nở) pha trong một cốc nước ấm và thêm vài giọt tinh dầu bạc hà. Baking soda sẽ giúp làm sạch và làm trắng răng, trong khi tinh dầu bạc hà mang lại hơi thở thơm mát và kháng khuẩn hiệu quả. Đừng quên pha chế và sử dụng nước súc miệng tự nhiên đúng cách để không gây tổn hại cho răng và nướu.
Thực tế, nước súc miệng chỉ là một phần trong việc duy trì hơi thở thơm mát. Bạn vẫn cần duy trì vệ sinh răng miệng đều đặn và định kỳ thăm nha sĩ để đảm bảo sức khỏe răng miệng tốt, ngăn ngừa hôi miệng
3. Nạo lưỡi
Cạo lưỡi là một phương pháp hiệu quả để làm sạch lưỡi và giữ hơi thở thơm mát. Vi khuẩn thường tập trung chủ yếu trên bề mặt lưỡi, và phủ hình thành trên lưỡi chính là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây mùi hôi phát triển. Để loại bỏ mảng bám này, bạn có thể nhẹ nhàng cạo lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng. Làm sạch lưỡi sau mỗi lần đánh răng được cho là có thể giúp giảm tình trạng hơn thở có mùi lên đến 70%.
4. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi, làm tăng nguy cơ ung thư, mà còn có thể gây hại cho nướu, làm vàng răng và gây hôi miệng. Từ bỏ thói quen thuốc lá ngay hôm nay chính là cách bảo vệ sức khỏe và giữ cho hơi thở thơm tho.
5. Nhai kẹo cao su sau bữa ăn
Nhai kẹo cao su sau bữa ăn cũng là một cách giữ hơi thở thơm tho. Nhai kẹo cao su kích thích tuyến nước bọt trong miệng, tạo ra lượng nước bọt nhiều hơn. Nước bọt có tác dụng tự nhiên trong việc loại bỏ axit và mảng bám, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây hôi miệng.
Hành động nhai kẹo cao su cũng giúp làm sạch răng và loại bỏ thức ăn thừa trên bề mặt răng. Từ đó giúp ngăn chặn sự phân hủy thức ăn và hình thành mảng bám. Đặc biệt nhiều loại kẹo cao su còn chứa xylitol, một chất kháng khuẩn tự nhiên, giúp làm giảm số lượng vi khuẩn trong miệng, giảm nguy cơ sâu răng và hôi miệng.
6. Ăn rau xanh
Nếu bạn đang thắc mắc ăn gì để hơi thở thơm tho thì rau xanh sẽ là một lựa chọn hoàn hảo mà bạn không nên bỏ qua trong chế độ ăn uống hàng ngày để duy trì hơi thở thơm mát.
Rau xanh như rau diếp, cải xoăn, rau cải, rau muống và rau xà lách có tính kiềm, giúp tạo môi trường kiềm, làm giảm mức độ axit trong miệng, làm giảm nguy cơ mất men răng và loại bỏ mảng bám vi khuẩn. Rau xanh cũng giàu chất xơ, giúp kích thích sự tiết nước bọt trong miệng, từ đó giúp rửa sạch và loại bỏ mảng bám, giảm nguy cơ hôi miệng.
Ngoài ra, rau xanh còn là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin C, vitamin K, beta-carotene, và canxi, giúp tăng cường sức khỏe răng miệng và hỗ trợ cơ thể chống lại vi khuẩn gây hôi miệng. Tăng cường tiêu thụ rau xanh cũng được cho là có thể giúp giảm nguy cơ viêm nướu gây hôi miệng. Chất xơ và các chất dinh dưỡng trong rau xanh có thể giúp duy trì sức khỏe nướu và giảm tình trạng viêm nướu hiệu quả.
7. Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể
Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể giúp duy trì sức khỏe tổng thể và giữ cho hơi thở luôn thơm mát. Uống đủ nước giúp duy trì môi trường ẩm ướt trong miệng, giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn gây hôi miệng. Uống nước cũng giúp rửa sạch và làm mát-xa răng, loại bỏ mảng bám và thức ăn dư thừa, từ đó giảm nguy cơ mùi hôi miệng và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Lưu ý, soda, đồ uống đóng chai và đồ uống thể thao thường chứa axit citric, có thể góp phần gây hôi miệng và làm mòn men răng. Giảm lượng tiêu thụ các loại đồ uống này và thay thế bằng nước lọc có thể giúp giữ cho men răng khỏe mạnh và hạn chế hôi miệng.
8. Hạn chế ăn thực phẩm có mùi
Hạn chế ăn thực phẩm có mùi như hành và tỏi là một cách hiệu quả để ngăn chặn mùi hôi miệng.
Chất tạo mùi hôi trong hành và tỏi có thể hấp thụ vào máu và đi qua phổi, gây ra mùi hôi miệng khó khắc phục. Tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ những loại thực phẩm này trước khi có các buổi gặp gỡ quan trọng hoặc khi giao tiếp với người khác nếu không muối mùi hôi miệng khiến bạn mất đi sự tự tin vốn có.
9. Ăn thực phẩm giòn, tốt cho sức khỏe
Thay thế thực phẩm có mùi bằng các loại thực phẩm giòn như cần tây, cà rốt có kết cấu cứng, giúp loại bỏ thức ăn mắc vào giữa răng, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mùi hôi miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung vào chế độ ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua, kim chi, kombucha. Lợi khuẩn sẽ giúp duy trì đường ruột khỏe mạnh và cân bằng vi khuẩn trong miệng, từ đó giúp giảm mùi hôi miệng hiệu quả.
10. Giữ nướu răng khỏe mạnh
Bệnh nướu răng là một nguyên nhân hàng đầu gây ra mùi hôi miệng, do vi khuẩn tích tụ trong túi viêm ở chân răng. Do đó, giữ nướu răng khỏe mạnh cũng là điều kiện quan trọng giúp bạn duy trì sức khỏe răng miệng và ngăn chặn tình trạng hôi miệng.
Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và sử dụng kem đánh răng chứa chất chống vi khuẩn. Đảm bảo đánh răng đúng kỹ thuật bằng cách chải răng và nướu theo các đường chéo nhằm loại bỏ mảng bám và vi khuẩn tích tụ. Kết hợp với việc sử dụng chỉ nha khoa hoặc dụng cụ tẩy răng giữa để làm sạch kẽ răng và loại bỏ mảng bám thức ăn mắc giữa răng. Từ đó giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong khu vực này và bảo vệ nướu răng.
Trường hợp bạn bị bệnh nướu răng (nha chu) như viêm nướu, chảy máu nướu hay hình thành túi viêm, tốt nhất nên điều trị càng sớm càng tốt. Đừng quên kiểm tra nha khoa định kỳ ít nhất hai lần một năm, giúp dự phòng và điều trị các bệnh lý liên quan đến răng miệng kịp thời, ngăn ngừa hôi miệng.
QT (SHTT)