Mụn đầu đen là loại mụn không viêm, xuất hiện khi lỗ nang lông trên da bị bít tắc, khiến tuyến dầu tích tụ và dần chuyển sang đen sậm do bị ôxy hóa khi tiếp xúc với không khí. Mụn đầu đen tuy không gây đau nhức nhưng lại khiến làn da bị mất thẩm mỹ, thậm chí, nếu không được điều trị đúng cách còn dễ chuyển hóa thành mụn bọc, mụn mủ. Nếu nhận diện và thay đổi được 6 thói quen sai lầm mà các chuyên gia chỉ rõ sau đây, bạn sẽ có ý thức hơn trong việc xây dựng một quá trình skincare phù hợp và cải thiện tình trạng mụn đầu đen.
1. Lạm dụng quá nhiều sản phẩm chăm sóc da
Thoa càng nhiều sản phẩm chăm sóc da càng tốt? Đó là quan niệm sai lầm khiến tình trạng mụn đầu đen của bạn trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên giảm bớt sản phẩm chăm sóc da không cần thiết (đặc biệt là các tinh chất đặc trị). Nếu chúng ta dùng quá nhiều, da không những không thể hấp thụ hết mà còn giảm hiệu quả của các sản phẩm. Hãy để da “thở” trong trạng thái dễ chịu nhất và hấp thu sản phẩm một cách tối ưu.
2. Không rửa mặt bằng sữa rửa mặt
Mụn đầu đen là kết quả của sự tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn và dầu nhờn trên mặt. Việc rửa mặt sạch là một yêu cầu tất yếu để “tiêu diệt” mụn đầu đen. Các chuyên gia khuyến cáo cường độ rửa mặt hoàn hảo nhất chính là 2 lần/1 ngày. Bác sĩ da liễu Elaine F. Kung – người sáng lập Future Bright Dermatology – cho biết: “Sau khi hoàn thành quy trình dưỡng da vào ban đêm, nhiều người có xu hướng bắt đầu ngày mới bằng cách không rửa mặt bằng sữa rửa mặt. Khi chúng ta ngủ, da chúng ta vẫn tiết ra bã nhờn, đổ mồ hôi trong đêm. Chính vì vậy, chúng ta nên rửa sạch mặt trước khi đến với các sản phẩm dưỡng da ban ngày”.
3. Sử dụng tẩy tế bào chết với nồng độ cao
Tiến sĩ Alberto de la Fuente Garcia – bác sĩ da liễu được chứng nhận bởi hội đồng quản trị tại VIDA Wellness and Beauty – cho biết: “Cách tốt nhất để loại bỏ mụn đầu đen là sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết và sữa rửa mặt được điều chế riêng cho da của bạn. Bạn nên tẩy tế bào chết nhẹ nhàng 1-2 lần/ tuần để loại bỏ tế bào da chết, bụi bẩn, bã nhờn và các tạp chất khác trên bề mặt da – vốn là nguyên nhân có thể dẫn đến mụn đầu đen. Ngoài ra, sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ và đảm bảo tẩy sạch mọi dấu vết của lớp trang điểm trước khi đi ngủ là những bước quan trọng để ngăn ngừa sự hình thành loại mụn này”.
4. Uống ít nước
Uống nước đúng cách là lời khuyên “kinh điển” cho bạn một làn da mượt mà và tràn đầy sức sống. Nước hỗ trợ tối ưu quá trình trị mụn đầu đen, giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể của bạn. Uống đủ 2 – 2,5 lít nước/ngày giúp làn da sạch sẽ, tươi tắn và khỏe mạnh hơn. Đồng thời, bạn nên hạn chế các loại đồ uống chứa nhiều chất đường, cồn, caffeine… vì có thể gây kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, khiến tình trạng mụn của bạn ngày càng tệ hơn.
5. Tự nặn mụn tại nhà
Việc nặn mụn đầu đen chỉ đơn thuần là giải pháp tạm thời cho da và không điều trị được tận gốc. Tự nặn mụn khiến lỗ chân lông trở nên to hơn, làm tình trạng mụn nặng nề hơn. Thậm chí, hành động này còn giúp “nuôi” vi khuẩn sang những vùng da khác. Tiến sĩ de la Fuente Garcia cho biết: “Một trong những lựa chọn tốt nhất là nặn mụn chuyên nghiệp ở những nơi uy tín giúp loại bỏ mụn đầu đen một cách an toàn. Các bác sĩ da liễu sẽ theo dõi quá trình này và đề xuất một kế hoạch điều trị tại nhà tối ưu nhất cho bạn để loại bỏ mụn đầu đen một cách triệt để”.
6. Tin tưởng tuyệt đối vào hiệu quả của lột mụn đầu đen
Tin tưởng tuyệt đối vào công dụng của miếng lột mụn là một trong những sai lầm nhiều người mắc phải. Việc trị mụn đầu đen theo cách này không trị tận gốc mà chỉ hỗ trợ loại bỏ một phần trên bề mặt da. Không chỉ thế, lạm dụng miếng lột mụn còn khiến lớp dầu tự nhiên của da mất đi, lỗ chân lông to hơn, da trở nên mỏng hơn. Thậm chí, tác động liên tục còn tiềm ẩn nguy cơ rách da, để lại sẹo mụn gây mất thẩm mỹ nếu không được điều trị đúng cách.
Theo Thảo Ly (Tạp Chí Phái Đẹp Elle)