Không phải người giàu nào cũng đeo đồng hồ Richard Mille. Nhưng ai đã chi tiền để sở hữu và diện món phụ kiện đến từ thương hiệu này thì chắc chắn có khối tài sản đáng kể.
Theo Forbes, việc mua một chiếc Richard Mille tương đương với việc "mua một chiếc ô tô thể thao thu nhỏ để đeo trên tay".
Có giá bán "trên trời", song điều gì ở đồng hồ RM khiến chúng trở thành phụ kiện đeo tay hấp dẫn, đáng mơ ước với các nhà sưu tập?
Thiết kế độc đáo, nhận diện trong tức khắc
Chỉ cần nhìn lướt qua cũng đủ để nhận ra một chiếc đồng hồ Richard Mille giữa đám đông.
Kích thước và hình dạng của một chiếc RM có thể được nhận biết ngay lập tức, ngay cả khi nhìn từ xa. Các sản phẩm của thương hiệu được lấy cảm hứng từ ô tô, có tính thẩm mỹ riêng, đầy màu sắc.
Một trong những điều dễ nhận biết nhất về đồng hồ RM là vỏ có hình dáng tonneau. Đó là phong cách ba tầng, bao gồm các viền mặt trước, sau và giữa với các thành phần cong, không có bề mặt phẳng.
Mặt đồng hồ được thiết kế theo phong cách skeleton (để lộ bộ chuyển động bên trong), bao gồm việc sắp xếp lớp tinh thể sapphire và các chuyển động phức tạp một cách khéo léo. Tất cả đều được hoàn thiện bằng tay một cách công phu, giải thích cho mức giá đáng kinh ngạc.
Hàng khan hiếm
Vậy điều gì đã biến Richard Mille trở thành biểu tượng của địa vị? Chính là tầm nhìn của các nhà sáng lập. Ngoài thiết kế mới lạ, họ chủ động tạo nên sự khan hiếm và đẩy giá sản phẩm của mình.
Năm 2001, lấy cảm hứng từ cỗ máy đua F1 và những siêu xe thể thao, ông Richard Mille cùng nhà đồng sáng lập Dominique Guenat cho ra mắt chiếc đồng hồ đầu tiên là RM 001 Tourbillon, với vỏn vẹn 13 cái trên toàn thế giới.
Ngay lập tức món phụ kiện khiến giới mộ điệu ngỡ ngàng, bởi mỗi chiếc được rao bán với giá 135.000 USD. Mức giá này còn đắt hơn cả nhiều mẫu Patek Philippe thời bấy giờ, một thương hiệu được mệnh danh là “Rolls-Royce của giới đồng hồ”.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn chỉ có không quá 5.000 chiếc Richard Mille được sản xuất mỗi năm. Đối với thương hiệu còn khá non trẻ, đây là con số tương đối cao. Tuy nhiên, nhu cầu về đồng hồ luôn vượt xa sản lượng. Giá gõ búa cao trong các phiên đấu giá liên tục phản ánh xu hướng này.
RM52 Tourbillon Skull là ví dụ khác cho câu chuyện khan hiếm. Thiết kế mang số hiệu "01" (trong 6 mẫu) là phiên bản giới hạn, được làm bằng gốm trắng cực kỳ hiếm và vàng hồng 18K, đặc biệt cho thị trường châu Á. Nó được bán với giá gần 15,5 tỷ đồng tại Hồng Kông (Trung Quốc) trong phiên đấu giá năm 2019. Nó là một trong những chiếc đồng hồ đặc biệt và được thèm muốn nhất của thương hiệu Thuỵ Sĩ.
Đương nhiên, giá bán “trên trời” phải đi kèm với sản phẩm chất lượng rất cao.
Cho đến nay, thương hiệu vẫn tập trung vào độ bền, tiện ích và thiết kế từ trong ra ngoài, cũng như liên tục cải tiến từ vật liệu đến bộ máy chuyển động.
Hãng thường cho ra mắt các dòng sản phẩm độc lạ, phiên bản giới hạn, hay hợp tác cùng nhiều ngôi sao nổi tiếng đa lĩnh vực, cũng như góp mặt tại sự kiện thể thao lớn.
Năm 2004, thương hiệu đã phát triển mẫu đồng hồ cho tay đua người Brazil Felipe Massa. Món phụ kiện nặng 43 gram, có khả năng chống lại những cú sốc lên đến 500G.
Năm 2009, Felipe Massa gặp tai nạn ở vòng loại của Grand Prix Hungary, Felipe Massa đã đeo chiếc RM 006 và lái xe với vận tốc gần 200 km/h. Đáng chú ý, trong khi tay đua bị thương ở đầu, chiếc đồng hồ vẫn còn nguyên vẹn.
Tại US Open năm 2010, Rafael Nadal đã làm rơi chiếc RM 027 được thiết kế riêng (trọng lượng 20 gram, và chịu được lực 10.000 G) xuống đất khi ăn mừng chiến thắng và làm vỡ viên pha lê. Vận động viên quần vợt cho biết thêm mẫu phụ kiện chỉ bị hư hỏng nhẹ.
Thùy Dương (SHTT)