Làn da sáng trong, đều màu và không tì vết là đích đến trong việc chăm sóc dưỡng da của mọi cô gái. Với hiểu biết về tác hại của tia UV đối với sức khỏe và sắc màu của làn da, việc che chắn và bảo vệ làn da với kem chống nắng, áo chống nắng, khẩu trang, mũ và găng tay đã trở thành thói quen của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có không ít cô gái hiện đại và phóng khoáng hơn lại yêu thích làn da nâu bánh mật với hình ảnh khỏe khoắn, gợi cảm. Vì thế, nhiều người thường chọn phương pháp tắm nắng hoặc thoa dầu làm nâu da (tanning oil) để nhuộm nâu làn da.
Những lợi ích cho sức khỏe của việc tắm nắng
Chúng ta thường nghe về tác hại tiêu cực của tia UV đối với vẻ đẹp của làn da nên thường quên rằng, tia UV có trong ánh nắng mặt trời còn là chất xúc tác để cơ thể tự sản sinh ra lượng vitamin D cần thiết. Khi làn da tiếp xúc với ánh nắng hay khi bạn chủ động tắm nắng, đồng nghĩa với việc bạn đang để cơ thể thực hiện quá trình tự tổng hợp vitamin D. Ngoài giúp tổng hợp vitamin D, tắm nắng còn mang lại những lợi ích cho sức khỏe tinh thần.
1. Giảm nguy cơ trầm cảm
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tắm nắng sẽ giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Đó là vì ánh sáng mặt trời kích thích não bộ giải phóng hormone Serotonin giúp cải thiện tâm trạng, mang đến cảm giác bình tĩnh, thư thái hơn. Ngay cả khi không gặp các vấn đề về trầm cảm hay không thích tắm nắng, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời lượng vừa đủ cũng giúp bạn cải thiện tâm trạng đáng kể.
2. Dễ ngủ và ngủ ngon hơn
Tắm nắng là cách giúp cơ thể tự điều chỉnh được nhịp sinh học tự nhiên. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ thấy tỉnh táo hơn vào buổi sáng và dễ ngủ hơn vào ban đêm.
3. Giúp xương chắc khỏe
Vitamin D được cơ thể tổng hợp ở da nhờ ảnh hưởng từ bức xạ tia cực tím mặt trời (tia UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% được tổng hợp từ chế độ ăn uống hằng ngày. Vitamin D giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật như bệnh tim, xơ cứng cơ, cúm, một số bệnh tự miễn và ung thư. Vitamin D cũng có vai trò trong quá trình chuyển hóa canxi, giúp cho xương chắc khỏe và giảm nguy cơ chấn thương do té ngã.
4. Hỗ trợ quá trình mang thai
Vitamin D được cơ thể tổng hợp ở da nhờ ảnh hưởng từ bức xạ tia cực tím mặt trời (tia UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% được tổng hợp từ chế độ ăn uống hằng ngày. Vitamin D giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật như bệnh tim, xơ cứng cơ, cúm, một số bệnh tự miễn và ung thư. Vitamin D cũng có vai trò trong quá trình chuyển hóa canxi, giúp cho xương chắc khỏe và giảm nguy cơ chấn thương do té ngã.
5. Tắm nắng đúng cách
Tắm nắng mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe như đã kể trên, nhưng chúng ta vẫn không thể bỏ qua những nguy cơ và vấn đề đối với làn da và cơ thể do tia UVA, UVB gây ra. Tia UVA là nguyên nhân gây ra lão hóa và các vấn đề về sắc tố; trong khi đó, tia UVB khiến da bị bỏng rát, tấy đỏ. Để làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt thường xuyên và liên tục trong khoảng thời gian dài cũng tăng nguy cơ ung thư da. Đặc biệt, ở một số khu vực gần đường xích đạo như ở Việt Nam, nơi có chỉ số UV thường xuyên ở mức báo động đỏ, việc tắm nắng cần được thực hiện một cách thận trọng và khoa học.
Bạn cần bôi kem chống nắng 15 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dựa trên lời khuyên của các chuyên gia da liễu, bạn nên chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng ít nhất là SPF 30 và PA+++ trở lên. Hãy đảm bảo rằng lượng kem chống nắng được dàn trải đều trên bề mặt da, đặc biệt là những khu vực không được che chắn bởi quần áo. Để tối ưu hóa khả năng bảo vệ da, bạn cần bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ. Nếu trong quá trình phơi nắng khiến bạn đổ mồ hôi, hay sau khi tiếp xúc với nước biển hoặc nước hồ bơi, bạn cần bôi lại kem chống nắng sớm hơn 2 giờ.
Một số bác sĩ da liễu cho rằng, tắm nắng mà không cần thoa kem chống nắng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, thời gian tiếp xúc với ánh mặt trời chỉ khoảng 5 đến 10 phút và tối đa không quá 20 phút/ngày.
Trong những năm gần đây, nhiều loại thuốc là thực phẩm chức năng có tác dụng chống nắng được giới thiệu. Bạn cần tìm hiểu kỹ công dụng của những thành phần có trong các sản phẩm này, và lưu ý rằng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng viên uống chống nắng có thể thay thế cho kem chống nắng. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho làn da, bạn vẫn không thể bỏ qua kem chống nắng khi tắm nắng.
Ngoài ra, trong điều kiện nắng gắt và oi bức, bạn có thể dễ rơi vào tình trạng say nắng. Thế nên, khi cảm thấy cơ thể nóng lên và không thoải mái, bạn nên tìm bóng râm để nghỉ ngơi. Đồng thời, bổ sung nước liên tục để làm mát cơ thể trong quá trình tắm nắng cũng là điều quan trọng. Thay vì chọn thời điểm có chỉ số UV đạt đỉnh, bạn có thể tắm nắng vào sáng sớm trước 10 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều, khi ánh nắng không quá gay gắt.
Tắm nắng và nhuộm nâu da
Ngoài những lợi ích về sức khỏe hay vì sở thích, nhiều người chọn tắm nắng như một cách để nhuộm nâu làn da (tanning). Làn da rám nắng tạo nên dáng vẻ rắn rỏi, gợi cảm và tràn đầy sức sống. Sau đây là một số thắc mắc thường gặp khi tanning bằng phương pháp tắm nắng.
1. Sử dụng kem chống nắng có ảnh hưởng đến hiệu quả làm nâu da không?
Tác dụng của kem chống nắng là chống lại những tác hại của tia tử ngoại. Ngoài việc ngăn lão hóa, tránh cháy nắng thì kem chống nắng còn ngăn chặn nguy cơ tăng hắc sắc tố cho da. Điều đó có nghĩa là khi sử dụng kem chống nắng, hiệu quả làm nâu da bằng việc tắm nắng sẽ giảm đáng kể.
Nên nhớ rằng, dù kem chống nắng có chỉ số bảo vệ cao thế nào thì khả năng chống UV cũng chỉ ở mức 98%. Thế nên, bạn sẽ vẫn có được làn da rám nắng khi thoa kem chống nắng nhưng sẽ cần khoảng thời gian dài hơn để thấy được hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không dùng kem chống nắng, bạn sẽ đối diện nguy cơ bị cháy nắng kèm theo hàng loạt vấn đề khác trước khi có được làn da bánh mật mong muốn.
2. Sử dụng dầu tanning oil có hiệu quả khi muốn làm da nâu không?
Các sản phẩm dầu tắm nắng hoạt động bằng cách tăng kích thích để da sản sinh thêm sắc tố. Thế nên, tắm nắng và kết hợp tanning oil sẽ giúp bạn nhanh chóng có được làn da ngăm ưng ý hơn. Tuy nhiên, hầu hết các loại dầu tắm nắng có chỉ số bảo vệ tia UV rất thấp (đôi khi SPF bằng 0). Vì vậy, làn da sẽ không được bảo vệ khi sử dụng tanning oil.
3. Dùng giường nhuộm da có phải là giải pháp thay thế lý tưởng cho việc tắm nắng?
Giường nhuộm da (tanning bed) thường có thiết kế như phi thuyền, trong đó được gắn các bóng đèn huỳnh quang chứa hỗn hợp Phosphor nhằm tạo nên tia UVB để làm tăng lượng melanin trên da. Tanning bed là lựa chọn thay thế cho những cô nàng mê làn da rám nắng nhưng điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc tắm nắng ngoài trời.
Tuy nhiên, giường nhuộm da khó đo lường và điều chỉnh được lượng tia UVB phát ra. Trong nghiên cứu tại Anh với 402 người trải nghiệm tanning bed cho thấy: 9/10 giường nhuộm da có lượng tia cực tím vượt mức tiêu chuẩn đề xuất. Ngoài ra, nguy cơ ung thư da sau một phút sử dụng giường nhuộm da cao gấp 6 lần so với việc tắm nắng tự nhiên.
Tắm nắng là hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, đừng quên rằng trong điều kiện cho phép, bạn chỉ nên tiếp xúc tối đa 20 phút mỗi ngày. Nếu mục tiêu là làn da bánh mật rắn rỏi, bạn nên dùng kem chống nắng và hãy theo dõi mức chịu đựng của cơ thể trong suốt quá trình tắm nắng.
Theo Aaron Nguyen (Tạp Chí Phái Đẹp Elle)