Chống đẩy là một động tác tuyệt vời giúp vận động toàn bộ cơ thể, rất tốt để tăng sức mạnh. Tác dụng lớn nhất mà nó đem lại kích thích phần thân trên nở nang đặc biệt là ngực và giúp lưng bạn dầy hơn.
Vì đây là một bài tập thể dục dựa vào trọng lượng cơ thể, nó có thể được thực hiện ở bất cứ nơi đâu – với rất nhiều biến thể để làm tăng cơ ở các vùng khác nhau. Việc chống đẩy cũng có thể tạo ra chấn thương và không hiệu quả nếu bạn tập luyện sai cách.
Bằng cách thay đổi góc của cánh tay trên hoặc chuyển trọng tâm của động tác chống đẩy để tập trung vào các nhóm cơ khác nhau, nó sẽ giúp tác động vào ngực, tay sau hoặc vai của bạn. Bài viết sau đây chỉ ra các lỗi sai thường gặp khi bạn mới bắt đầu tập luyện động tác này.
1. Vị trí đặt tay
Khi thực hiện bài tập này, cánh tay nên được đặt vuông góc với vai để tác động vào các nhóm cơ một cách chuẩn xác nhất. Việc giữ tay không đúng vị trí có thể làm giảm kha khá hiệu quả của bài tập. Tuy nhiên, nếu là người mới bắt đầu, tư thế để tay chính xác này có thể khá khó với bạn, bạn có thể làm quen dần với chống đẩy bằng cách để tay chéo một chút và dần dần điều chỉnh cho về tư thế đúng, không được duy trì vị trí tay chéo như một thói quen.
2. Không giữ vị trí cổ ổn định
Điểm nhìn hướng xuống dưới khi chống đẩy có thể giúp bạn cảm thấy bài tập này dễ dàng hơn một chút. Tuy nhiên, đây lại là một điểm nhìn không chính xác, có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả bài tập của bạn, cụ thể là gây ra nhiều áp lực nhất định lên cổ và tăng nguy cơ đau mỏi, chấn thương. Khi thực hiện chống đẩy, hãy cố gắng giữ cho cổ thật ổn định và nhìn về phía trước.
3. Hông thấp
Trong chống đẩy, tư thế tập chuẩn xác nhất là giữ cho cơ thể bạn thật thẳng hàng, từ đầu đến ngón chân cần nằm trên một đường thẳng duy nhất. Tuy vậy, một sai lầm phổ biến mà nhiều người tập thường mắc phải là để hông quá thấp so với các bộ phận còn lại. Sai lầm này diễn ra chủ yếu bắt nguồn từ cơ hông yếu hoặc bị căng cứng khó điều chỉnh. Luyện tập nhiều hơn nữa vào vị trí cơ hông sẽ giúp sửa chữa và cải thiện lỗi sai này.
4. Hông cao
Cũng là một lỗi sai nữa về vị trí giữ hông, hông cao có thể giúp bạn thực hiện bài tập này một cách dễ dàng hơn nhưng lại giảm độ hiệu quả của bài một cách đáng kể, nhất là không tác động được nhiều vào nhóm cơ lõi.
5. Tập với nhịp độ quá nhanh
Bất cứ bài tập nào cũng cần một khoảng thời gian xác định để trở nên thật nhuần nhuyễn và nhìn thấy rõ hiệu quả mang lại cho người tập. Vì vậy, nếu cố gắng thúc đẩy nhịp độ luyện tập lên quá nhanh so với sức chịu đựng của bản thân, nguy cơ xuất hiện đau mỏi và gặp chấn thương sẽ tăng lên nhiều lần. Vậy, hãy thực hiện chống đẩy với cường độ vừa phải, phù hợp với sức khỏe của bản thân và luôn chú ý thực hiện chính xác về mặt kỹ thuật của bài tập.
Thùy Dương (SHTT
https://sohuutritue.net.vn/5-sai-lam-khi-tap-chong-day-ma-hau-het-chung-ta-deu-mac-phai-d221250.html