Xử lý thế nào với kẻ đâm chết người cha dắt con đi chơi công viên?

22/02/2019 21:37:23

Điền khai do say rượu, đã dùng dao sát hại người cha dắt con đi chơi công viên sau khi nghe tiếng hô bắt cóc. Hành vi côn đồ của Điền đối diện hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngày 22/2, Công an tỉnh Long An đã tạm giữ Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa) để điều tra vụ án mạng xảy ra trong công viên thị trấn Hậu Nghĩa khiến một người tử vong.

Chiều một ngày trước, Điền uống rượu rồi vào công viên đi dạo thì nghe bà bán vé số tri hô “ông này bắt cóc trẻ em”.

Đến nơi xảy ra sự việc, Điền thấy anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, quê Kiên Giang) dắt đứa trẻ và giải thích đó là con mình, bị bà bán vé số hiểu nhầm. Điền không tin anh Bảo nên xảy ra cự cãi. Sau đó, nghi phạm vào quán gần đó lấy con dao xông tới đâm nạn nhân thấu tim. Người cha tử vong trước khi đến bệnh viện.

Xử lý thế nào với kẻ đâm chết người cha dắt con đi chơi công viên?
Nơi xảy ra trọng án gần trụ sở UBND thị trấn Hậu Nghĩa. Ảnh: Ái Loan.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng việc Điền sử dụng hung khí nguy hiểm đâm trúng tim làm nạn nhân tử vong, đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm n, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Theo điều này, người nào giết người thuộc trường hợp có tính chất côn đồ thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

"Hành vi của nghi phạm là lỗi cố ý trực tiếp", luật sư nói và phân tích, pháp luật buộc công dân phải biết rằng, khi sử dụng hung khí tác động vào những vùng trọng yếu trên cơ thể người khác là nguy hiểm đến tính mạng.

Điền khai gây án sau khi đã uống rượu, đang trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Tuy nhiên, theo Điều 123, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật cho phép công dân có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang nhưng phải thông báo hoặc áp giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, kể cả trong trường hợp xảy ra vụ bắt cóc trẻ em thì người dân cũng không có quyền xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nghi phạm.

Nếu bị kẻ xấu chống trả, người bắt giữ tội phạm hoàn toàn có quyền tự vệ nhưng phải hành động tương xứng để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người khác.

Theo luật sư Thơm, khi nghe người phụ nữ hô bắt cóc trẻ em, Điền nên tìm hiểu rõ sự việc hoặc nếu có nghi ngờ thì phải thông báo cơ quan chức năng nơi gần nhất. Tuy nhiên, anh ta đã gây trọng án.

Nói về việc làm của người bán vé số, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định, người phụ nữ đó hô hoán bắt cóc trẻ em vì muốn bảo vệ cháu bé. Việc làm của bà ta có thể do hiểu lầm nên khó có căn cứ xử lý.

Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)