|
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Trong số tiền vay, Cty Phương Nam đã nâng khống số lượng kho tôm đông lạnh và dùng nó thế chấp với 5 chi nhánh ngân hàng để vay tiền. Giá trị hàng nâng khống lên khoảng 1.900 tỷ đồng, thực tế hàng tồn kho sau khi vụ án khởi tố, bán chỉ hơn 40,6 tỷ đồng.
Đại diện công tố kết luận, có 4 người ở Cty Phương Nam “thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền” gần 785 tỷ đồng của 5 ngân hàng. Trong đó, ông Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân đã trốn đi Mỹ, nên truy tố 2 người còn lại là PGĐ Trịnh Thị Hồng Phượng và kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn.
Phần tranh luận, các luật sư cho rằng đại diện công tố xem xét vụ án chưa toàn diện, đầy đủ nên chưa rõ tội trạng của các bị cáo. Bởi vì, theo cáo trạng, Cty Phương Nam kinh doanh lỗ hơn 996 tỷ đồng, trong khi 5 ngân hàng mất gần 785 tỷ đồng, vậy Cty Phương Nam cũng đã mất (996-785=) 211 tỷ đồng, thì không thể kết luận các bị cáo chiếm đoạt tiền.
Bên cạnh, cáo trạng chưa làm rõ số tiền lãi thu được của 5 ngân hàng, để xem so với vốn cho vay “lời hay lỗ?”.
Luật sư Nguyễn Trường Thành bảo vệ cho 3 bị cáo của VCB Sóc Trăng còn lập luận, Cty Phương Nam hiện nay không phải Cty Phương Nam trước kia; mà được tái cơ cấu từ giữa năm 2013, với các cổ đông mới. Trong đó, LPB Hậu Giang và ABbank Bạc Liêu là cổ đông lớn. Và Cty Phương Nam hiện nay đã cam kết trả nợ cho các ngân hàng. Nên tư cách nguyên đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan của Cty Phương Nam hiện nay cùng một số ngân hàng theo xác định của đại diện công tố là chưa chính xác.
Các luật sư cũng phân tích, nếu chứng minh được các bị cáo ở Cty Phương Nam phạm tội “lừa đảo...”, thì các bị cáo ở các chi nhánh ngân hàng không phạm tội “vi phạm quy định về cho vay...”. Bởi vì, theo kết luận giám định tư pháp, các chi nhánh ngân hàng cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách. Các bị cáo ở 5 chi nhánh ngân hàng chỉ có thể phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Năm chi nhánh ngân hàng cho vay tiền liên quan kho hàng khống là: Ngân hàng Phát triển VN - Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng (VDB Sóc Trăng), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Sở giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang), Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN - Chi nhánh Sóc Trăng (VCB Sóc Trăng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank Sóc Trăng) và Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bạc Liêu (ABbank Bạc Liêu). Các ngân hàng này bị mất gần 785 tỷ đồng. |