Xót xa sau vụ thảm sát làm 5 người thương vong ở Bắc Ninh

19/01/2015 08:44:15

Đến giờ người dân địa phương vẫn không hiểu vì sao Cường lại có hành vi tàn độc như vậy, bởi trước khi xảy ra vụ án, giữa hung thủ và các nạn nhân không hề có mâu thuẫn.

Đến giờ người dân địa phương vẫn không hiểu vì sao Cường lại có hành vi tàn độc như vậy, bởi trước khi xảy ra vụ án, giữa hung thủ và các nạn nhân không hề có mâu thuẫn.

Chúng tôi trở lại thôn Giới Tế nơi Nguyễn Ngọc Cường sinh sống và là nơi đã xảy ra vụ thảm sát mà TAND tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra xét xử. Một vùng quê yên bình như bao vùng quê khác nhưng cách đây 4 năm thôn Giới Tế đã từng rúng động với vụ thảm sát chưa từng xảy ra ở địa phương. Chỉ trong thời gian ngắn, lúc nửa đêm về sáng 17/8/2010, hung thủ đã dùng dao sát hại 3 mạng người và làm 2 người khác trọng thương.

Tại nhà, ông Ngô Văn Doãn (50 tuổi) - một trong những người may mắn thoát chết trong thảm án đã nhắc lại vụ thảm án mà ông là một trong 2 người may mắn thoát chết.

Ngôi nhà của Nguyễn Ngọc Cường giờ trở thành ngôi nhà hoang.


Kể lại chuyện cũ, ông vẫn cảm thấy rùng mình. Ông nhớ như in chuyện ông và ông Ngô Văn Thực (52 tuổi) đang làm lòng lợn giúp gia đình ông Bốn trong thôn chuẩn bị cho đám giỗ của gia đình sáng ngày hôm sau.

“Lúc đó, anh Ngô Văn Thực và tôi đang mải làm lòng nên không hề hay biết sự xuất hiện của Cường. Thấy anh Thực hét lên đau đớn, tôi cứ nghĩ anh ấy bị chó cắn. Anh Thực vừa nói “anh bị thằng Cường nó đâm”, tôi chưa kịp phản ứng gì thì Cường đã lao đến đâm vào ngực tôi. Tôi chỉ kịp lùi lại, ôm ngực rồi vừa bỏ chạy vừa kêu cứu”, ông Doãn thất thần kể lại.

Sau đó, ông Doãn được mọi người đưa đi cấp cứu và sau hơn 1 tháng nằm viện trở về, ông trở thành tàn tật với tỉ lệ thương tật 43%. Theo lời kể của người dân địa phương, ngày xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng diễn ra vào lúc hầu hết các gia đình còn đang ngủ.

Chỉ một số người có công việc mới thức dậy giờ này. Đầu tiên, Cường ngủ dậy đi loanh quanh trong làng rồi đến quầy bán thịt lợn của chị Đỗ Thị Ý (42 tuổi), là người cùng thôn Giới Tế với Cường. Lúc này, chị Ý và người em ruột của mình là Đỗ Thị Mỵ (35 tuổi) đang pha thịt lợn để bán vào buổi sáng.

Do mải làm việc nên không để ý, Cường bất ngờ lao đến giằng con dao chọc tiết lợn từ tay chị Mỵ đâm một nhát vào ngực phải chị Mỵ, rồi quay sang đâm tiếp vào ngực chị Ý. Hai chị em chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã gục xuống vì vết thương quá nặng.

Sau khi đâm gục hai chị em chị Ý, vẫn cầm con dao trên tay, Cường chạy đến nhà ông Nguyễn Văn Bình (61 tuổi) là anh rể và cũng ở cùng thôn. Lúc này, ông Bình còn đang ngủ, Cường lao vào đâm liên tiếp anh rể mình cho đến khi không thấy cử động mới thôi.

Tiếp đó, Cường truy sát ông Doãn, ông Thực tại nhà ông Bốn như đã kể. Trong số những nạn nhân của vụ án, chị Mỵ, ông Bình, ông Thực đã tử vong do vết thương quá nặng. Còn ông Doãn, chị Ý cùng bị thương tích 43%.

Ông Nguyễn Văn Lâm - công an viên phụ trách thôn Giới Tế - cho biết: “Sau khi gây án, Cường đã bỏ trốn vào khu trồng cây cảnh của người dân trong thôn. Vừa bị bao vây và vừa được thuyết phục ra tự thú, hung thủ đã bỏ hung khí đi ra. Do Cường có biểu hiện tâm thần nên được trưng cầu Viện Giám định pháp y tâm thần giám định tâm thần.

Sau ngày xét xử, nhắc đến vụ án do Nguyễn Ngọc Cường gây ra, nhiều người vẫn cảm thấy rùng mình. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không hiểu vì sao tên Cường lại có hành động dã man như vậy. Tất cả những nạn nhân trong vụ án đều là người dân hiền lành, vô tội và trước đó không hề có mâu thuẫn gì với hắn.

Anh Ngô Văn Chi chồng của chị Mỵ kể lại sự việc.


Nói về bản án mà TAND tỉnh Bắc Ninh vừa dành cho bị cáo, hầu hết người dân địa phương đều cho rằng: “Mức án tử hình là thỏa đáng với những tội ác mà Cường đã gây ra cho những gia đình nạn nhân trong vụ án này”.

Hung thủ là người tâm thần?

Qua tìm hiểu được biết, Cường sinh ra trong một gia đình đông con (có tới 9 anh chị em). Sau khi bố mất, người mẹ tần tảo nuôi các con khôn lớn. Tuy nhiên, trong gia đình Cường, người chị cả cũng chết vì bệnh tâm thần.

Người anh trai lớn của Cường là Nguyễn Ngọc Cương cũng có biểu hiện thần kinh không bình thường. Thời gian gần đây, ông Cương là người được quan tâm đặc biệt của thôn Giới Tế.

“Bình thường không sao, nhưng thi thoảng ông ấy cứ cầm dao đi ra đi vào, chúng tôi cũng đã báo cáo với xã và thường xuyên quan tâm tới nhất cử nhất động của ông này để có thể can thiệp kịp thời khi có chuyện xảy ra”, ông Nguyễn Văn Lâm - công an viên phụ trách khu vực cho biết.

Trong gia đình, con gái của một người chị gái Cường cũng có biểu hiện không bình thường dù là người có nhan sắc nhưng tính tình nửa tỉnh, nửa khôn. Tuy nhiên, theo những người trong gia đình, căn bệnh này không phải là bệnh di truyền bởi đời trước không có ai bị như vậy, chỉ bây giờ mới xuất hiện.

Đối với bản thân Cường, ngày còn nhỏ tính tình hoàn toàn bình thường, được gia đình cho ăn học hết cấp 3. Thời gian đi học, Cường luôn là học sinh giỏi. Nhưng do gia đình đông con nên Cường cũng chỉ học được đến đó rồi thôi.

Ông Ngô Văn Doãn - một người may mắn thoát chết.


Trở về làm kinh tế gia đình, một thời gian sau, Cường lập gia đình với cô thôn nữ làng bên. Ban đầu, hai vợ chồng sống cũng vui vẻ, đầm ấm. Khoảng thời gian năm 1987-1988, Cường đóng gạch đất xây nhà. Do không có kinh nghiệm nên đốt lò nào hỏng lò ấy, Cường sinh ra chán nản, rồi từ đó thay tính đổi nết, bản thân trở nên lầm lì ít nói.

Tuy vậy, vào khoảng đầu năm 1990, Cường xây móng nhà hết trên 2 vạn gạch, vào thời điểm đó là lớn nhất làng. Nhưng khi xây xong móng nhà thì Cường phát bệnh, thường xuyên đánh đập vợ con. Người vợ không chịu đựng được đã phải bồng bế đứa con út bỏ đi. Để lại cho Cường hai đứa con lớn sống tại căn nhà đang xây dở.

Vợ bỏ đi, lại không có công ăn việc làm, có thời điểm, Cường cùng với 2 con giả người tu hành, mặc áo nâu sòng đi lang thang khắp nơi kiếm ăn. Có khi, 3 bố con đi cả tháng trời mới về nhà một lần. Thời gian sau, có lần trở về Cường với những biểu hiện lạ như chất rơm đốt ngay trước cổng UBND xã và bị công an gọi lên nhắc nhở giáo dục.

Bình thường, Cường không có biểu hiện gì nhiều, những lần mâu thuẫn với anh em trong nhà Cường cũng không khi nào chống cự lại, đứng yên một chỗ mặc cho anh em đánh đến thâm tím mặt mày.

“Trước ngày xảy ra vụ thảm án, Cường vẫn buôn bán chè, thuốc lào bình thường. Nhưng không hiểu vì sao ngay buổi tối hôm đó, Cường đem toàn bộ số thuốc lào và chè khô vun thành 2 đống đốt giữa nhà. Khi mọi người ập vào truy tìm Cường thì hai đống này vẫn còn âm ỉ cháy”, người hàng xóm cho biết.

Dù thế nào đi chăng nữa thì có một thực tế rằng, việc bồi thường nhằm khắc phục một phần hậu quả do Cường gây ra là điều rất khó thực hiện được, dù tòa đã tuyên án tử hình Cường và buộc đền bù 300 triệu đồng cho các gia đình bị hại.

Bởi người con gái của Cường đã lấy chồng trước khi xảy ra sự việc, người con trai bỏ đi lâu không thấy lai vãng về nhà. Người vợ sau một lần bế con vào thăm Cường trong trại rồi cũng đi biệt, không ai biết làm ăn, sinh sống ở đâu.

Theo biên bản giám định pháp y tâm thần số 79/GĐPYTT, ngày 13/10/2010, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương kết luận: Trước, trong và sau khi phạm tội, Cường mắc bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp.

Khi thực hiện hành vi phạm tội, bệnh đang trong giai đoạn tiến triển, Cường bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Nhưng các rối loạn tâm thần của Cường không chi phối trực tiếp hành vi phạm tội. Cường bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc tại Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương từ ngày 15/4/2011 đến 21/8/2014 thì khỏi bệnh.

>> Đòi nợ bất thành, dàn cảnh cướp như phim
>> Mâu thuẫn xếp lịch nghỉ phép, người chết - kẻ vào tù

Theo Hữu Đào (Lao Động)

Nổi bật