Chiều 28/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến vụ Việt Á.
Được quyền tự bào chữa, ông Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá Quân đội, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân Y) đặt câu hỏi cho đại diện VKS: Nếu chúng ta trong hoàn cảnh như vậy, với chất lượng hai bộ kit test như vậy thì chọn phương án nào để không sai phạm?
Đại diện VKS đối đáp rằng, đến nay Đề tài không có sản phẩm thì cơ sở nào để đánh giá là sản phẩm của ai. Các bị cáo cho rằng, kit test của Việt Á có giá trị, nhưng là đánh giá trên cơ sở sự gian dối.
“Về việc bị cáo Sơn hỏi phải làm gì để không sai phạm, bị cáo là người quản lý, bị cáo phải tự xem xét mình có làm được không khi đề xuất Đề tài. Khi nhận lời Bộ KH&CN trong 1 tháng phải có sản phẩm thì bị cáo phải cân nhắc xem có làm được không.
Thực hiện Đề tài sử dụng tiền ngân sách rất lớn mà bị cáo dù không biết có làm được không nhưng vẫn nhận. Mục đích mà các bị cáo vụ lợi ở đây rất rõ, vì nghiên cứu Đề tài hay không thì vẫn lấy hơn 18 tỷ đồng tiền nghiên cứu Đề tài.
Là nhà khoa học, bị cáo phải tôn trọng mình, tôn trọng sản phẩm của người khác. Không thể coi sản phẩm của người khác là của mình”, lời đối đáp của đại diện VKS.
Đại diện VKS chỉ ra "âm mưu" của Phan Quốc Việt
Theo đại diện VKS, không thể chấp nhận quan điểm cho rằng Học viện Quân Y cần Công ty Việt Á. Bản thân bị cáo Phan Quốc Việt từng khai, nếu 1 doanh nghiệp tự đi đăng ký để được lưu hành sản phẩm sẽ mất rất nhiều thời gian. Đây là lý do vì sao mà bị cáo Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) phải tham gia Đề tài của Học viện Quân Y dù Công ty Việt Á đủ năng lực để tự sản xuất kit test.
Chính Công ty Việt Á đã tự mang sản phẩm đi đánh giá từ rất sớm, nhưng để có thể lưu hành, được cấp phép, sau đó Công ty Việt Á đã phải quay lại Học viện Quân Y để nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài.
Đại diện VKS chỉ ra rằng, bị cáo Phan Quốc Việt đưa sản phẩm vào Đề tài của Học viện Quân Y với mục đích nhanh chóng được cấp phép để thu lợi bất chính. Vì vậy không thể xem xét đề nghị của bị cáo xem xét hành vi phạm tội trong trường hợp cấp bách để giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Theo đại diện VKS, yếu tố vụ lợi của bị cáo Sơn thể hiện rất rõ trong lời khai của chính bị cáo rằng: Bị cáo mong muốn có ngay thành tích khoa học để phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, bị cáo Sơn còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để mua bán tăm bông, ống môi trường. Ở đây bị cáo không phải là người giúp sức mà đóng vai trò thực hiện.
Đối với quan điểm của luật sư và các bị cáo cho rằng việc quân đội xét xử đã gây thiệt thòi cho các bị cáo, đại diện VKS khẳng định, việc các cơ quan tố tụng của quân đội điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo trong vụ án này là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Việt, luật sư đặt vấn đề về việc người ký văn bản ở Học viện Quân Y không bị truy tố xét xử dù theo quy định của pháp luật thì người ký văn bản phải chịu trách nhiệm. Trong vụ án này, Học viện Quân Y là đơn vị chủ quản, Công ty Việt Á không móc nối để bán kit test lại trở thành tội phạm chính.
Đối với vấn đề mà luật sư nêu ra, đại diện VKS đối đáp: Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì giám đốc và phó giám đốc Học viện Quân Y không được báo cáo; do tin tưởng cấp dưới trong nghiên cứu, thực hiện đề tài và đấu thầu mua kit test nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm của cấp dưới.
Cơ quan điều tra đã tách nội dung này ra để xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với người liên quan. Căn cứ giới hạn xét xử, đại diện VKS chỉ xem xét đối với hành vi của các bị cáo bị truy tố trong cáo trạng.
Theo T.Nhung (VietNamNet)