Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Phương án khắc phục hậu quả chưa thực tế

15/10/2024 07:24:12

Ghi nhận mong muốn khắc phục hậu quả vụ án của bị cáo Trương Mỹ Lan. Song VKSND TP HCM nhận định đây là phương án chưa thực tế

Sau 3 tuần diễn ra phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2), TAND TP HCM dự kiến tuyên án vào sáng 17-10. Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, hầu hết các bị cáo đều bày tỏ ân hận.

Ân hận muộn màng

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vừa nói lời sau cùng vừa khóc, khẳng định sẽ ưu tiên khắc phục hậu quả cho hàng chục ngàn người đã đầu tư trái phiếu. Đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa cho biết dù đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lan nhưng do tính chất nghiêm trọng của vụ án, VKS vẫn đề xuất áp dụng mức án tù chung thân đối với bị cáo này.

Trước đó, đại diện VKSND TP HCM đã khẳng định qua quá trình phân tích, đánh giá toàn diện diễn biến phiên xử, VKS giữ nguyên quan điểm luận tội đối với các bị cáo. Theo VKS, quá trình điều tra cũng như diễn biến tại phiên tòa, các bị cáo đều khai nhận hành vi như cáo trạng của VKSND Tối cao đã nêu. Vụ án mang tính tổ chức, trong đó bị cáo Lan là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và rửa tiền.

Nội dung vụ án thể hiện vào khoảng tháng 8-2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gặp khó khăn do bị các cơ quan quản lý nhà nước thanh tra và tình trạng nợ xấu kéo dài. Các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng. Để giải quyết vấn đề này, bà Trương Mỹ Lan đã tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt của SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Chứng khoán TVSI. Tại đây, họ thống nhất phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, nhằm huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng và đầu tư cho các dự án khác.

Theo đó, từ năm 2018-2020, họ đã sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) để phát hành 25 mã trái phiếu "khống" không có tài sản bảo đảm, với tổng giá trị hơn 30.869 tỉ đồng. Thủ đoạn được sử dụng là tạo dòng tiền khống để hợp thức hóa nhà đầu tư sơ cấp từ 8 công ty khác trong tập đoàn, sau đó phát hành trái phiếu riêng lẻ cho hàng chục ngàn người dân, huy động tiền vào nhiều mục đích khác nhau.

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Phương án khắc phục hậu quả chưa thực tế
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều bị cáo tích cực hợp tác

Về trách nhiệm dân sự, từ việc xác định bị cáo Lan có vai trò cao nhất trong vụ án, đại diện cơ quan thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX buộc bị cáo Lan bồi thường với tổng số tiền hơn 30.000 tỉ đồng.

VKS ghi nhận mong muốn khắc phục hậu quả vụ án của bị cáo Lan. Song VKS nhận định đây là phương án chưa thực tế nên cần có kết quả rõ ràng để có thể ghi nhận một cách đầy đủ hơn.

Để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên giữ nguyên sự tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án, tịch thu hơn 1.749 tỉ đồng mà các bị cáo khác trong vụ án đã tự nguyện nộp khắc phục để khấu trừ nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan. Bên cạnh đó, VKS đề nghị tịch thu tài sản, đồ vật đối với các bị cáo liên quan đến hành vi phạm tội; hoàn trả tài sản cho những người không liên quan đến hành vi phạm tội; tịch thu, tiếp tục kê biên, phong tỏa bất động sản, tài khoản, cổ phần, cổ phiếu của bị cáo Trương Mỹ Lan; gỡ bỏ các biện pháp kê biên, phong tỏa cổ phần, tài khoản bất động sản đối với các bị cáo không phải chịu nghĩa vụ bồi thường trong vụ án.

Cũng theo VKS, các phụ lục thống kê tài sản kèm theo kết luận điều tra số 13 ngày 29-5-2024 của Bộ Công an được xác định là các quan hệ dân sự. Đối với các quan hệ dân sự còn lại này, đại diện cơ quan thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật, sao cho bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo. VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét, sử dụng toàn bộ số tiền, tài sản thu hồi từ vụ án, cùng với số tiền đã thu hồi được trong bản án sơ thẩm giai đoạn 1, để khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Đại diện VKS nhận định các bị cáo đã phạm tội có tổ chức, thực hiện hành vi nhiều lần và sử dụng những thủ đoạn tinh vi. Đây là các yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với họ. Tuy nhiên, xâu chuỗi các tình tiết vụ án cho thấy ngoài bị cáo Lan, các bị cáo còn lại đều phạm tội với vai trò đồng phạm. Do đó, VKS đề nghị xem xét trách nhiệm về hành vi cũng như phân hóa vai trò, tính chất và mức độ phạm tội của từng bị cáo. Đặc biệt, xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ đối với những bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.

Điển hình, bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bị cáo Lan, được đánh giá là người đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và xét xử, thể hiện thái độ thiện chí, nỗ lực khắc phục hậu quả vụ án. Theo VKS, bị cáo Cơ đã khắc phục hoàn toàn thiệt hại do hành vi rửa tiền của mình gây ra, hơn 33 tỉ đồng.

Đại diện VKS cho biết thêm trong quá trình diễn ra phiên xử, các bị cáo Phan Chí Luân (cựu nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Trần Thị Thúy Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ SCB) và Trương Thị Kim Lài (cựu kế toán Công ty An Đông) đã chủ động nộp khắc phục hậu quả vụ án với số tiền từ 10-20 triệu đồng. Dù đây là số tiền nhỏ, không đáng kể so với hậu quả nghiêm trọng của vụ án nhưng so với hoàn cảnh khó khăn về kinh tế của các bị cáo này, VKS nhận thấy hành động này thể hiện tinh thần khắc phục hậu quả của các bị cáo. Từ đó, đề xuất giảm thêm 1 năm tù so với mức đề nghị trước đó cho mỗi bị cáo. 

VKSND TP HCM đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 8-9 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và 12-13 năm tù về tội "Rửa tiền"; tổng hợp hình phạt bị đề nghị là tù chung thân.

Theo Ý Linh (Nld.com.vn)