Ngày 29-12, đại diện VKSND TP HCM tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ sai phạm ở Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (viết tắt: IPC) xét hỏi nhiều vấn đề xoay quanh hành vi tham ô do bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco) cùng đồng phạm thực hiện.
Chỉ đạo hủy chứng cứ tham ô
Ngoài sai phạm bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng, bị cáo Tề Trí Dũng cùng 7 thuộc cấp còn bị truy tố bởi hành vi tham ô nhiều tỉ đồng từ ngân quỹ công ty. Theo đại diện VKSND TP HCM, bị cáo Dũng duyệt chi sai nguyên tắc nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng. Bị cáo cùng 7 cấp dưới bòn rút tổng cộng hơn 4,6 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Dũng bỏ túi 1,7 tỉ đồng. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Dũng khai nhận bị cáo dùng số tiền trên vào việc hỗ trợ người nghèo, người bệnh, mua quà Tết…
Tại tòa, bị cáo Tề Trí Dũng giải thích bị cáo thực lãnh chỉ 1,2 tỉ đồng (khấu trừ 35% thuế). Bị cáo nhận tiền vì nghĩ đó là tiền thù lao khen thưởng. Một lần nữa, bị cáo khẳng định số tiền trên được chi dùng ở hoạt động từ thiện, không chi xài cá nhân.
Với vai trò đồng phạm, bị cáo Phạm Xuân Trung (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC, thành viên HĐQT Sadeco) thừa nhận bị cáo có nhận 300 triệu đồng. Thời điểm sai phạm, bị cáo Trung nhận thức giống cấp trên - đó là tiền thù lao khen thưởng. Sau đó, tất cả người lãnh tiền "thù lao khen thưởng" hoàn trả số tiền đã nhận. Vì thế, bị cáo Trung đề nghị HĐXX cân nhắc lại tội danh "Tham ô tài sản" khi phán quyết.
Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Tề Trí Dũng chỉ đạo cấp dưới tiến hành nhiều biện pháp hủy chứng cứ tham ô nhằm che mắt thanh tra. Đầu năm 2018, bị cáo chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Sadeco) cùng Đỗ Công Hiệp (Kế toán trưởng Sadeco lúc bấy giờ) tiêu hủy chứng từ chi thù lao, tiền thưởng. Đồng thời, bị cáo ký hợp thức hóa nhiều bảng kê duyệt chi, phiếu chi "Kinh phí hoạt động HĐQT... "thay thế chứng từ chi thù lao, tiền thưởng. Sau đó, Hiệp chỉ đạo nhân viên Phòng Kế toán ký lại với lý do điều chỉnh chứng từ theo nghị quyết HĐQT… Những động thái này thể hiện mục đích chiếm đoạt tiền đến cùng cũng như che giấu hành vi phạm pháp.
Sau khi Thanh tra TP HCM chuyển hồ sơ qua Công an thành phố, Tề Trí Dũng cùng đồng phạm mới nộp lại toàn bộ khoản tiền chiếm hưởng.
Mập mờ hai tờ trình
Tại tòa, người thừa hành quyền công tố tiếp tục làm rõ những vấn đề liên quan đến vai trò bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020) xuyên suốt quá trình lãnh đạo IPC, Sadeco bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim.
Bị cáo Tất Thành Cang nêu rõ bị cáo nhận hai tờ trình (12A và 13) khác nhau ở khía cạnh pháp lý. Nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM cho rằng cấp dưới báo cáo không trung thực.
Trước thắc mắc từ đại diện cơ quan công tố, bị cáo Huỳnh Phước Long (nguyên là đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TP HCM tại Sadeco) giải trình tờ trình 12A có nội dung xin ý kiến chấp thuận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ Sadeco. Tờ trình 12A không nói rõ cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, giá bán cổ phần là 40.000 đồng/cổ phần. Bị cáo Huỳnh Phước Long cũng cho biết bị cáo Tề Trí Dũng cùng cấp dưới lấy tờ trình 13 (đề cập rõ 2 nội dung kể trên) làm căn cứ ban hành nghị quyết về chuyển nhượng cổ phần.
"Trước đó, bị cáo không có ý định chỉ định doanh nghiệp mà mong muốn việc phát hành cổ phần diễn ra minh bạch. Vì thế, bị cáo trao đổi với bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc thay thế tờ trình 13 bằng tờ trình 12A, bỏ tên Công ty Nguyễn Kim, thay bằng cụm từ "cổ đông chiến lược"" - bị cáo Long giãi bày.
Bị cáo Tề Trí Dũng khai rằng: "Quá trình phát hành cổ phần, IPC giải trình rất nhiều nội dung cho các cơ quan chuyên môn, sở - ngành. Khi đó, bị cáo không thấy văn bản nào thể hiện phương án phát hành cổ phần như vậy là sai luật". Bị cáo Dũng cũng khai nhận bị cáo Tất Thành Cang có gọi điện hai lần, hỏi về hoạt động tại Sadeco nhưng không chỉ đạo cụ thể chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Sau đó, bị cáo Tất Thành Cang gọi bị cáo đến nhà riêng, tham dự một bữa tiệc. Tại đây, bị cáo Tất Thành Cang nói: Tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim tham gia hợp tác để phát triển, góp sức…
Trước những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng các bị cáo gây ra, đại diện VKSND TP HCM truy tố bị cáo Tất Thành Cang, bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM) và 10 bị cáo khác (làm việc dưới quyền bị cáo Tất Thành Cang thời điểm sai phạm diễn ra) tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp cùng 4 bị cáo khác ra tòa về 2 tội: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Sadeco) bị xét xử tội "Tham ô tài sản".
Hôm nay (30-12), phiên tòa tiếp diễn với phần luật sư xét hỏi các bị cáo.
Hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
Ra tòa với tư cách bị hại, đại diện Sadeco đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ làm việc ở công ty. Về dân sự, bị hại yêu cầu các bị cáo bị cáo buộc hành vi tham ô tài sản liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm hưởng.
Phía Sadeco không đề đạt yêu cầu liên quan đến sai phạm bán rẻ 9 triệu cổ phần vì hai doanh nghiệp đã hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Theo Di Lâm (Nld.com.vn)